Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024

Chinh phục đỉnh Ngọc Linh ngày mưa, ngắm lúa vàng thơ mộng

(SGTT) – Hành trình chinh phục đỉnh Ngọc Linh (Kon Tum) với độ cao hơn 2.600m càng trở nên khó khăn vào ngày mưa. Tuy nhiên, những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng khắp lối cùng khung cảnh hùng vĩ sẽ khiến du khách không khỏi bất ngờ.
Ảnh: Huyền Nguyễn

Ngọc Linh Liên Sơn là khối núi bao trùm trên bốn tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Gia Lai, bắt đầu từ ngọn Ngọc Lum Heo ở tây bắc cho đến ngọn Ngọc Rơ phía Đông Nam.

Trong đó, Ngọc Linh là đỉnh núi cao nhất (2.605m), xung quanh còn có những “người anh em” là đỉnh Mường Hoong (2.400m), Ngọc Phan (2.251m), Ngọc Lum Heo (2.116m), Ngọc Kơ-ring (2.066m), Ngọc Bôn Sơn (1.939m)…

Cây cầu sắt dẫn vào chân núi. Ảnh: Huyền Nguyễn

Để tới được chân núi Ngọc Linh, du khách đi xe giường nằm về thị trấn Ngọc Hồi (Kon Tum), sau đó ngồi xe trung chuyển từ Ngọc Hồi về xã Ngọc Linh. Đến Ngọc Linh sẽ tầm giờ trưa, du khách sắp xếp lại các vật dụng cần thiết, ăn cơm trưa để chuẩn bị hành trình khám phá ngọn núi bí ẩn này.

Ngay lúc chuẩn bị leo núi, trời lại đổ cơn mưa nhưng mọi người trong nhóm đi cùng tác giả không ai tỏ vẻ e ngại hay hoang mang mà vẫn rất hưng phấn và đầy năng lượng cho hành trình sắp tới.

Từ quán dừng chân, mất khoảng 30 phút leo dốc đường bê tông nữa mới tới cây cầu sắt dẫn vào chân núi. Từ cây cầu này, đường đi bắt đầu khó khăn hơn nhiều, phải đi qua những con dốc khá cao, liên tiếp và vì trời mưa nữa nên lại càng trơn trượt, hiểm trở.

Những con dốc giữa bạt ngàn ruộng bậc thang. Ảnh: Huyền Nguyễn

Nhưng bù lại, cảnh vật lại rất đẹp, với bạt ngàn ruộng bậc thang đang vào mùa vàng rực rỡ, mộng mơ và những ngôi làng của người dân tộc Xơ – đăng trên những ngọn đồi trông thật thanh bình.

Ảnh: Huyền Nguyễn
Ảnh: Huyền Nguyễn

Lên cao hơn xíu thì cảnh vật có sự thay đổi, không còn có ruộng bậc thang thơ mộng nữa mà thay vào đó là cảnh vật của rừng già cổ thụ với cây cối rậm rạp và ẩm ướt hơn. Sau khoảng năm giờ leo, du khách sẽ đến mốc 2100m để cắm trại.

Tới đây trời cũng gần tối, người trải nghiệm có thể dựng lều, mắc võng, ăn uống, sinh hoạt, hát múa vui vẻ và sau đó nghỉ ngơi để sáng mai chinh phục đoạn đường còn lại.

Ảnh: Huyền Nguyễn

Đêm cắm trại luôn là khoảng thời gian thư giãn, vui vẻ và đáng nhớ nhất của mỗi chuyến đi. Chỉ có khoảng thời gian này, mọi người mới có cơ hội ngồi lại trò chuyện cùng nhau đông đủ nhất, do trên quãng đường đi, lúc nào cũng sẽ có đoàn đi trước, đoàn đi sau, nhiều khi mãi đến đêm cắm trại mới có cơ hội chào nhau vài lời.

Khu rừng ma mị phủ đầy rong rêu. Ảnh: Huyền Nguyễn

Để kịp thời gian khám phá đoạn đường tiếp theo, du khách nên dậy sớm, khoảng 4:00 sáng.

Đường từ chỗ cắm trại lên tới đỉnh mới thật sự thử thách, khi phải vượt qua những đoạn suối dốc với những tảng đá đầy rêu, trơn trượt hay những len lỏi trong những khu rừng rậm, cây cối mọc chắn hết cả lối đi đến những con đường nhỏ hẹp hiểm trở; một bên là rừng, một bên là vực sâu hun hút…

Nhưng đổi lại cảnh quan rất tuyệt vời, từ những rừng cây to cổ thụ phủ đầy rêu xanh trông rất ma mị đến những bụi rậm che phủ cả lối, những con suối mát lạnh nhưng cũng đầy thách thức.

Những con suối với những tảng đá trơn trượt. Ảnh: Huyền Nguyễn

Sau gần ba giờ từ chỗ cắm trại, nhóm của tác giả cũng check-in đỉnh núi. Ai cũng cảm thấy sung sướng và có đôi chút tự hào về bản thân khi có thể vượt qua các thử thách.

Sau khoảng hai giờ ngược dòng những con suối trơn trượt, du khách sẽ về lại khu cắm trại. Tại đây, mọi người tranh thủ nạp thêm ít năng lượng và nhanh chóng thu dọn lều trại để chuẩn bị xuống núi cho kịp hành trình.

Check-in đỉnh núi Ngọc Linh. Ảnh: Huyền Nguyễn

Lúc xuống, đoàn gặp phải cơn mưa dài nặng hạt làm cho những con dốc trở nên trơn trượt, nguy hiểm hơn với những dòng nước chảy xiết, đổ ào ạt trên những sườn dốc. Sau hơn bốn giờ xé mưa, băng rừng, lội suối, đoàn cũng xuống được núi an toàn.

Tới quán, mọi người tranh thủ tắm, thay đồ để khỏi bị cảm lạnh và nghỉ ngơi, sau đó lên xe trung chuyển chờ sẵn chở ra Ngọc Hồi và đón xe về Sài Gòn.

Nói chung, đường leo núi Ngọc Linh không quá khó nhưng nếu đi mùa mưa thì cũng phải cẩn thận vì trơn trượt. Đặc biệt, rừng ở Ngọc Linh có khá nhiều ngã rẽ, vì vậy nếu đi theo nhóm thì du khách nên đi gần nhau, không tách đoàn vì rất dễ bị lạc.

Bùi Thị Hương

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Trải nghiệm cắm trại ven sông, hồ gần TPHCM vào mùa...

0
(SGTT) - Vào những ngày nắng nóng, các địa điểm cắm trại ven sông, hồ gần TPHCM được nhiều người tìm đến. Các trải...

Đỗ quyên khoe sắc giữa núi rừng Putaleng

0
(SGTT) - Những ngày tháng 3, hoa đỗ quyên bắt đầu bung nở trên dãy Hoàng Liên Sơn. Trong đó, đỉnh Putaleng nổi tiếng...

Rừng đỗ quyên cổ thụ khoe sắc hoa nơi Tây Côn...

0
(SGTT) – Được xem là “nóc nhà Đông Bắc”, đỉnh Tây Côn Lĩnh cao khoảng 2.428m, nằm trên địa phận huyện Hoàng Su Phì...

Bản Bò Buôi, thảo nguyên xanh ít người biết ở Hòa...

0
(SGTT) - Cách trung tâm thị trấn Mai Châu, tỉnh Hòa Bình khoảng 30km, bản Bò Buôi là điểm đến mới, chưa được nhiều...

Săn mây, cắm trại tại nóc Tắk Pổ ở miền núi...

0
(SGTT) –  Nằm dưới chân dãy Ngọc Linh, “nóc” Tắk Pổ (hay còn gọi là Tắk Pỏ) thuộc xã Trà Tập, huyện Nam Trà...

Lên Bùi Hui cắm trại ngày đầu xuân

0
(SGTT) – Thảo nguyên Bùi Hui nằm tại huyện Ba Tơ, cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 60km về phía Tây Nam....

Kết nối