Thứ Tư, Tháng Năm 15, 2024

Cao nguyên chuyển động nghề tằm

Hàng chục năm qua, hành trình đến và đi của con tằm trên đất Lâm Đồng đã diễn ra với đủ cung bậc thăng, trầm – người trồng dâu, nuôi tằm không còn điểm tựa, sống trong chơi vơi và loay hoay trong cuộc mưu sinh. Nay trải qua bao cuộc bể dâu, nghề tằm tang lại có những chuyển động tích cực trên cao nguyên.
Người dân Lâm Hà có kinh nghiệm nhiều năm trồng dâu, nuôi tằm. Ảnh: Ngọc Ngà

Thủ phủ dâu, tằm Bảo Lộc, Lâm Đồng đầu những năm 2000 cũng có chung một cảnh lao đao như ngành dâu tằm tơ Việt Nam khi giá tơ lụa thế giới giảm 40-50%. Hoạt động sôi nổi trước đó của khoảng 25.000 công nhân trong các xưởng máy cùng hệ thống nông trường khổng lồ trồng dâu nuôi tằm dường như đóng băng trong sương mù. Cây dâu chỉ còn sống vật vờ và ngành dâu tằm tơ gắn liền với… nợ.

Đến năm 2011, thị trường tơ lụa thế giới bắt đầu có xu hướng phục hồi, nhưng ngành dâu tằm tơ Việt Nam, trong đó có Lâm Đồng phải chật vật đến năm 2017 mới có những ghi nhận về sự trở lại.

Năm 2017, Lâm Đồng có gần 14.000 hộ dân trồng dâu, nuôi tằm, có trên 5.600 héc ta dâu (chiếm 70% diện tích dâu cả nước), sản lượng kén tằm đạt trên 5.500 tấn (chiếm 85% sản lượng cả nước). Sản lượng tơ của cả nước là 993 tấn, Lâm Đồng chiếm 745 tấn. Cả nước có trên 150 hộ nuôi tằm con tập trung, riêng tỉnh Lâm Đồng có trên 100 hộ (chiếm tỷ lệ 66%).

Đề án phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ giai đoạn 2019-2023 của tỉnh Lâm Đồng như tiếp sức mạnh cho việc phát triển về vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng giống tằm, hỗ trợ mô hình tự động, cơ giới hóa, xây dựng liên kết tổ chức sản xuất ngành dâu tằm và tập huấn đào tạo nâng cao nguồn nhân lực cho ngành dâu tằm tơ của tỉnh. Nhờ thay đổi giống dâu, giống tằm và áp dụng công nghệ tiên tiến, cải tiến quy trình nuôi… mà năng suất kén bình quân hiện nay đã từng bước đạt tới giới hạn bền vững có thể cạnh tranh và phát huy lợi thế so sánh với các cây trồng khác.

Lấy lại vị thế thủ phủ, xây dựng vùng nguyên liệu

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, diện tích trồng dâu tằm của tỉnh khoảng gần 10.000 héc ta với trên 15.000 hộ dân sản xuất. Sản lượng lá dâu ước đạt 250.000 tấn/năm, tập trung nhiều tại các huyện Lâm Hà, Đạ Tẻh, Đức Trọng, thành phố Bảo Lộc… Sản lượng kén của địa phương chiếm 80% của cả nước với hơn 15.000 tấn/năm. Toàn tỉnh có 200 cơ sở ươm tằm con, 150 cơ sở mua kén, 32 cơ sở ươm tơ, 10 cơ sở dệt, sản xuất khoảng 5,5 triệu mét lụa/năm.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, cho biết nghề trồng dâu, nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp đời sống người dân tốt hơn, nhiều người đã có của ăn của để.

Huyện Lâm Hà, địa phương đứng đầu tỉnh Lâm Đồng về diện tích trồng dâu nuôi tằm, hiện có khoảng 3.620 héc ta dâu tằm, năng suất trung bình đạt khoảng 280 tạ/héc ta. Huyện có khoảng 11.000 hộ gia đình nuôi tằm và 8 cơ sở chế biến kén tằm (ươm tơ dệt lụa), tiêu thụ khoảng 50% sản lượng kén của huyện, theo số liệu quí 1-2023. Mức thu nhập trung bình năm tính trên diện tích một héc ta là khoảng 400 triệu đồng, cao gấp 3-4 lần so với canh tác cà phê, gấp 9-10 lần so với trồng lúa. Nghề này đã tạo sinh kế giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Chị Trịnh Thị Hồng – 38 tuổi, người xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà – kể, đất của gia đình chủ yếu đất đá, trước đây trồng cà phê nhưng hiệu quả thấp. Được sự hướng dẫn, hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình chuyển dần sang trồng dâu phục vụ việc nuôi tằm. Kinh tế gia đình đã tốt hơn trước. Ba năm nay, nhà chị còn nuôi tằm. Với giá kén tằm dao động từ 170.000-230.000 đồng/ki lô gam như lúc này, gia đình thu về hơn 20 triệu đồng sau mỗi đợt nuôi.

Sự phát triển đúng hướng với cây dâu tằm trên đất xã Gia Lâm, đã đưa nơi này trở thành vùng nguyên liệu lớn, thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp sản xuất tơ tằm. Công ty TNHH tơ lụa Hualong Lâm Đồng là một ví dụ. Doanh nghiệp này đã mua lượng lớn kén tằm của người dân trên địa bàn, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 160 lao động tại địa phương. Trung bình mỗi tháng công ty sản xuất hơn 12 tấn tơ thành phẩm, ngoài tiêu thụ trong nước còn xuất khẩu đi Ấn Độ. Việc phát triển của các doanh nghiệp lớn đứng chân trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của địa phương.

Hay tại huyện Di Linh, ông Vũ Hồng Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin: tính đến cuối năm 2022, diện tích dâu toàn huyện là 710 héc ta, trong đó có 700 héc ta đã cho thu hoạch (năm 2018 là 260 héc ta, tăng 173,1%), năng suất 313,8 tạ/héc ta, sản lượng lá dâu năm 2022 ước đạt 21.968 tấn. Kèm theo đó, số hộ nuôi tằm cũng ngày càng tăng. Ngoài các xã có truyền thống nuôi tằm như Gia Hiệp, Đinh Lạc, Tân Nghĩa nay có thêm các xã Tam Bố, Tân Lâm, Tân Châu, Hòa Bắc, Đinh Trang Thượng, Sơn Điền. Trong năm 2022 và đầu năm 2023, giá kén dao động ở mức cao, khoảng 180.000-210.000 đồng/ki lô gam đã thúc đẩy nghề nuôi tằm phát triển mạnh ở nhiều địa bàn. Năng suất dâu bình quân từ 30-40 tấn lá/héc ta/năm. Theo các hộ dân cho biết 0,1 héc ta dâu đủ nuôi được 1 hộp tằm, mỗi năm nuôi được 6-7 lứa. Năng suất kén bình quân 50-60 ki lô gam, giá kén bình quân 180.000-200.000 đồng/ki lô gam. Sau khi trừ đi chi phí một hộp tằm cho lợi nhuận 2,5-3 triệu đồng. Như vậy một năm, một sào dâu cho thu nhập được từ 15-20 triệu đồng, gấp 2-3 lần so với trồng cà phê.

Và ghi nhận tại Bảo Lộc – nơi được xem là kinh đô ngành tơ lụa – Phòng Kinh tế thành phố Bảo Lộc cho hay, hiện nay địa phương có khoảng 750 héc ta dâu bao gồm của người dân, doanh nghiệp và Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Nông lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng. Hầu hết diện tích dâu của địa phương đã được chuyển sang các giống chất lượng cao, kháng bệnh tốt như S7CB với năng suất 30-35 tấn/héc ta, cao gấp đôi so với giống dâu thường trước đây.

Giống tằm hiện vẫn đang là vấn đề khó khăn nhất trong phát triển ngành dâu tằm tơ ở Lâm Đồng. Ảnh: Ngọc Ngà

Ông Nguyễn Văn Nhâm, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Bảo Lộc, cho biết, để nâng cao chất lượng kén tằm, gia tăng giá trị, người dân và doanh nghiệp tại địa phương đã đưa các giống tằm mới như lưỡng hệ LTQ, TN1278 vào sản xuất. “Với diện tích dâu hiện nay, nhu cầu trứng giống tiêu thụ tại thành phố Bảo Lộc khoảng 32.000-33.000 hộp trứng tằm, tương đương khoảng 1.400-1.485 tấn kén (khoảng 192.857 ki lô gam tơ),” ông Nguyễn Văn Nhâm nói.

Thành phố Bảo Lộc hiện có khoảng 30 doanh nghiệp tổ chức sản xuất và kinh doanh tơ tằm. Trong đó 11 doanh nghiệp ươm tơ, 10 doanh nghiệp dệt, 5 doanh nghiệp kinh doanh tơ lụa, 3 doanh nghiệp sản xuất trứng giống tằm và 1 doanh nghiệp kinh doanh trứng giống tằm. Sản lượng tơ của thành phố Bảo Lộc ở vào khoảng 1.000 tấn/năm, khoảng 5 triệu mét vải lụa các loại.

Cũng theo ông Nhâm, các sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc hiện đa dạng về chủng loại. Trong đó bao gồm tơ se các loại từ tơ cấp A đến tơ cấp 5A, vải lụa tơ tằm các loại như lụa satin dùng may áo kimono, lụa yozu dùng may khăn choàng đầu cho các vị nguyên thủ khối Ảrập, Ấn Độ, các vải lụa habutae, CDC, GGT, jacquarol… dùng may áo dài, quần áo cao cấp, hàng trang trí nội thất xe hơi, nội thất nhà… Sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc có chất lượng tốt được khẳng định từ trước đến nay bao gồm thị trường trong và ngoài nước.

Thời cơ ở đó, khó khăn còn đây

Cây dâu – con tằm – cái kén – sợi tơ đã nối kết với nhau và đang chuyển động một cách tích cực ở vùng cao nguyên. Thời cơ đã rõ ràng, song khó khăn cũng không ít, trong đó việc chủ động nguồn giống tằm được xem là khó khăn lớn nhất.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Phi Long cho rằng công tác quản lý nhà nước đối với việc kinh doanh trứng giống tằm – về nguồn gốc và chất lượng trứng – gặp khó khăn vì phần lớn nguồn trứng giống được nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Không qua kiểm dịch, không được bảo quản lạnh đúng quy chuẩn dẫn đến chất lượng trứng cung ứng cho các cơ sở nuôi tằm con tập trung không ổn định là điều dễ hiểu.

“Công tác nghiên cứu, sản xuất trứng giống tằm trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng để phục vụ sản xuất, trong đó vấn đề chất lượng là yếu tố khó khăn nhất hiện nay chúng ta còn nhiều lúng túng chưa giải quyết được”, ông Nguyễn Phi Long nhìn nhận.

Về điểm này, ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho hay, Lâm Đồng đang hoàn thiện các thủ tục liên quan để sớm có nguồn nhập khẩu chính ngạch trứng giống tằm, hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu trứng giống tằm tiếp cận các nguồn vốn vay và chính sách ưu đãi về thuế… đồng thời phát triển sản xuất chuyên môn hóa các cơ sở nuôi tằm con tập trung để cung cấp nguồn con giống tốt.

Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân có đủ điều kiện tham gia nghiên cứu, sản xuất giống dâu, tằm và đưa ra cơ chế chính sách về đất đai để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, sơ chế, chế biến ngành dâu tằm tơ trên địa bàn tỉnh.

Những năm gần đây, tơ lụa Bảo Lộc đã xuất hiện nhiều trong các thiết kế thời trang của các nhà thiết kế. Từ thực tiễn ứng dụng chất liệu này trong các thiết kế, nhà thiết kế Minh Hạnh đã khẳng định Bảo Lộc – Lâm Đồng là “Đất của lụa”. Theo bà, con đường duy nhất để các nhà thiết kế tồn tại là các sản phẩm thời trang phải mang tính ứng dụng, phải sử dụng được trong cuộc sống. Và lụa không còn gói mình chỉ trong chiếc váy dạ hội cầu kỳ mà đã hòa quyện vào trong trang phục dạo phố, trang phục công sở, trong những bộ suit kín đáo và cả những chiếc đầm mềm mại, quyến rũ.

“Chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, tất cả những sản phẩm, những sáng tạo của các nhà thiết kế làm ra đều phải được bộc lộ rõ nguồn gốc. Nguồn gốc càng rõ nét sẽ càng khẳng định giá trị của sáng tạo và giá trị của truyền thống. Giá trị truyền thống luôn song hành với sự phát triển. Tất cả sự sáng tạo của các nhà thiết kế nếu không kết hợp được với các sản phẩm truyền thống thì chắc chắn bản sắc sẽ rất nhạt nhòa”, bà Minh Hạnh nói.

Thông qua hướng thiết kế cải tiến, lụa trên đất Lâm Đồng đã dần vượt ra khỏi biên giới lãnh thổ. Đó thực sự là một cánh én báo tin vui cho tương lai rộng mở của nghề tằm tang trên đất này.

Ngọc Ngà

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cheo leo giữa biển đóng đáy hàng khơi

0
(SGTT) – Ngoài khơi xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, ngày đêm người dân “bám trụ” trên những căn chòi nhỏ,...

Người giữ ký ức vòng quay ‘bờ xe nước’ bên dòng...

0
(SGTT) - Gần 50 năm vắng xa, bây giờ, bờ xe nước – “cỗ máy” bằng tre vốn là biểu tượng bên dòng Trà...

TPHCM: Lò bánh tét, bánh chưng ‘sáng đêm đỏ lửa’ phục...

0
(SGTT) - Các lò bánh chưng, bánh tét tại TPHCM những ngày này đang hối hả thực hiện công đoạn gói, nấu bánh để...

Người trẻ trải nghiệm cùng nghề thủ công trăm năm tại...

0
Một nhóm các bạn trẻ ở trong một con hẻm tại thành phố Hội An đang muốn làm sống lại những nghề thủ công...

Người vực dậy nghề dệt lụa Phùng Xá

0
Ở xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội – nơi từng được mệnh danh là “thủ phủ dâu tằm của miền Bắc” –...

Kết nối