Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp để tạo những sản phẩm mới phục vụ du lịch, tăng nguồn thu nhập, giải quyết việc làm và quảng bá nông sản địa phương. Tuy nhiên, mô hình du lịch canh nông vẫn còn một số vướng mắc cần được tháo gỡ, theo báo Nhân dân.
- Đến Trà Vinh, trải nghiệm du lịch ‘thuận thiên’ tại Cồn Chim
- Khám phá 4 công trình kiến trúc ấn tượng tại Kon Tum
Du lịch canh nông: Từng bước phát triển
Theo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn đã từng bước đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng các công trình, tiểu cảnh phục vụ nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.
Du lịch canh nông là loại hình du lịch mang tính trải nghiệm sản xuất, chế biến, thưởng thức nông sản; giải trí, chiêm ngưỡng cảnh quan; trao đổi tri thức văn hóa, giáo dục và khoa học; đồng thời diễn ra hoạt động giao thương nông sản để khai thác giá trị tổng hợp từ sản xuât nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho tổ chức và cá nhân từ các hoạt động nông nghiệp, theo TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.
Tổng vốn đầu tư cho các mô hình du lịch canh nông khoảng 377 tỉ đồng; diện tích triển khai các mô hình du lịch canh nông hơn 302 ha; trong đó diện tích đất nông nghiệp 212 ha, diện tích đất xây dựng khoảng 9 ha và diện tích đất khác là 81 ha; tổng diện tích khu nhà kính, trưng bày, khu vực ăn uống, nhà vệ sinh, bãi đậu xe… chiếm khoảng 20,8 ha, theo Báo Lâm Đồng.
Sản phẩm du lịch canh nông đã phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử địa phương; ổn định cuộc sống của người dân trong vùng; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; góp phần bảo vệ môi trường, đặc biệt cộng đồng cư dân nơi triển khai mô hình được hưởng lợi từ việc phát triển các mô hình du lịch canh nông.
Đến nay, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã cấp thẻ hướng dẫn viên cho 198 hướng dẫn viên tại các điểm du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh.
Triển khai thực hiện Quyết định số 933 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc ban hành Quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh (năm 2021), Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã triển khai hướng dẫn các quy định đến các đơn vị kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, thời gian qua đã có 5 đơn vị đề xuất thực hiện dự án đầu tư du lịch canh nông gồm Dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch canh nông Thảo Nguyên của Công ty TNHH Du lịch canh nông Đà Lạt Ong Vàng; Dự án điểm du lịch canh nông Anpha Farm của công ty TNHH Anpha Farm; Dự án “Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch canh nông An Nhiên” của Công ty TNHH Nông nghiệp An Nhiên tại thành phố Đà Lạt; Dự án Điểm du lịch canh nông 1000 Hoa của Công ty TNHH 1000 Hoa tại thành phố Đà Lạt; Dự án đầu tư Du lịch canh nông Malakai của Công ty TNHH Malakai tại thành phố Đà Lạt.
Những vướng mắc cần tháo gỡ
Theo Báo Nhân dân, Lâm Đồng là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm mô hình du lịch canh nông, kết hợp du lịch và sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, hiện nay vẫn còn thiếu các hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành trung ương trong quá trình tổ chức thực hiện điểm du lịch canh nông, dẫn đến quản lý loại hình du lịch canh nông tại tỉnh Lâm Đồng theo đề án thí điểm gặp nhiều khó khăn, phát sinh các vấn đề phức tạp.
Nhất là tiêu chí về xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, tỉ lệ công trình có mái và không có mái che trên đất nông nghiệp, phi nông nghiệp, chuyển đổi đất nông nghiệp thành phi nông nghiệp…
Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng nhận định, đội ngũ nguồn nhân lực có kỹ năng, nghiệp vụ về hướng dẫn, phục vụ du khách tại các điểm du lịch canh nông hiện nay đều do chủ vườn thuyết minh, hướng dẫn. Tuy kiến thức vững nhưng về kỹ năng thuyết minh, giới thiệu sản phẩm cho du khách còn chưa thu hút, chưa tạo được sự hấp dẫn đối với du khách khi đến tham quan trải nghiệm.
Hơn nữa, hoạt động du lịch canh nông chủ yếu diễn ra trên đất nông nghiệp nên không được phép đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, yêu cầu của hoạt động kinh doanh du lịch canh nông là phải có đường đi, nhà vệ sinh, khu trưng bày, nhà chờ, bãi đậu xe phục vụ du khách…
Ngoài ra, sản phẩm cho khách du lịch tham quan ở một số mô hình du lịch canh nông còn trùng lặp, chưa tạo ra sản phẩm đặc trưng để thu hút du khách. Các mô hình còn thiếu các điều kiện về trang thiết bị, khu vực phục vụ cho du khách như nhà đón tiếp khách, bãi đậu đỗ xe, nhà vệ sinh đạt chuẩn, tủ thuốc/túi thuốc y tế nhằm ứng phó trong những trường hợp khẩn cấp, hạ tầng giao thông đấu nối đến các điểm du lịch canh nông chưa thuận lợi…
UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, để tháo gỡ những vướng mắc trên, yêu cầu Sở NNPTNT, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư… cũng cần có các hướng dẫn chi tiết, cụ thể để làm sao giúp các doanh nghiệp, HTX rút ngắn các thủ tục đầu tư ngắn gọn nhất, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp phát triển trên cơ sở phải đảm bảo đúng Luật.
Ngành du lịch tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến quảng bá loại hình du lịch canh nông gắn liền với thương hiệu “Đà Lạt – kết tinh kỳ diệu từ đất lạnh” dưới nhiều hình thức đa dạng phong phú, đặc biệt trên nền tảng của chuyển đổi số.
Ngành sẽ thường xuyên khảo sát phát triển các tour, tuyến và các sản phẩm du lịch phù hợp với những đặc điểm, đặc trưng của từng địa phương; đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng như xây dựng các tuyến đường giao thông, bãi đỗ xe, điểm ăn uống, giải khát, khu vệ sinh, nơi bán các sản phẩm lưu niệm… Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các điểm tham quan du lịch canh nông cũng sẽ được quan tâm.
Đăng Huy tổng hợp