Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Cần một ‘cao tốc nước’ chống hạn mặn cho vùng ven biển ĐBSCL?

(SGTT) - Khu vực ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt, kể cả những năm khô hạn không quá khắc nghiệt. Do đó, để giải quyết bài toán nêu trên cần một “cao tốc nước” giúp chuyển lượng lớn nước ngọt về khu vực này.
Cần một “cao tốc nước” ứng phó hạn mặn cho vùng ven biển ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Đó là lý kiến được chuyên gia đưa ra tại hội nghị “Triển khai công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh mùa khô năm 2023-2024 vùng ĐBSCL”, vừa tổ chức ở tỉnh Trà Vinh.

Ông Tăng Đức Thắng, Nguyên Viện trưởng Viện khoa học thuỷ lợi miền Nam cho biết, đối với các địa phương ven biển ĐBSCL, năm nào cũng xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt. “Kể cả năm nhiều nước trên sông Mekong, thì vùng ven biển vẫn thiếu nước”, ông nói.

Trong khi đó, khu vực ven biển được cho là vùng kinh tế phát triển rất tốt, đa dạng các hoạt động sản xuất, do đó, để giải quyết câu chuyện nước cho vùng này cần phải có dự án chuyển nước về. “Chúng tôi đã nghiên cứu sơ bộ, cần phải có những tuyến chuyển nước, tạm gọi là “cao tốc nước” để đưa nước từ đầu hệ thống (thượng nguồn – PV) đến cuối hệ thống (hạ nguồn – PV) nhằm giải quyết trong thời gian rất ngắn”, ông Thắng cho biết.

Theo khuyến nghị của ông, đó là tận dụng hệ thống sẵn có của những công trình để đẩy nước từ vùng ngọt xuống vùng ven biển nhằm chủ động hoàn toàn cho khu vực này của ĐBSCL.

Giải thích rõ hơn về vấn đề nêu trên, theo ông Thắng, sau đợt hạn mặn 2015-2016 và 2019-2020, nhiều công trình đã tức tốc được triển khai để ứng phó. “Ven sông Cửu Long chúng ta đã kiểm soát được mặn trong một phạm vi nhất định, đặc biệt khi xây dựng xong cống Tân Dinh, Bông Bót (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), thì vùng ngọt hoá được bảo vệ một cách an toàn, trừ những năm đặc biệt”, ông cho biết.

Trong khi đó, với hệ thống cống Cái Lớn – Cái Bé, ông Thắng đánh giá, đã hoàn toàn chủ động kiểm soát theo yêu cầu, nhất là khi có thêm cống âu thuyền Ninh Quới (Bạc Liêu). Mặt khác, trong những năm qua, các công trình dọc theo sông Tiền và một số công trình khác cũng như công trình ven Nam sông Hậu đang triển khai, thì kỳ vọng nguồn nước sẽ sớm được đảm bảo.

Từ việc đảm bảo nguồn nước ở thượng nguồn, vùng ven biển cũng sẽ được giải quyết bằng con đường chuyển nước chủ động từ trên xuống. “Đây là hệ thống chuyển nước lớn, theo dạng “cao tốc nước” từ trên xuống, chứ không phải lấy từ một vài cống ở hai bên”, ông nhấn mạnh và cho rằng, chỉ cần giải pháp phát triển công trình khả thi là có thể giúp vùng ven biển chủ động trong mọi trường hợp.

Liên quan vấn đề nêu trên, trao đổi với phóng viên bên lề hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đây là vấn đề đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra và đã đưa vào quy hoạch.

Theo ông Hiệp, sau khi công trình thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé hoàn thành, thì giai đoạn tiếp theo của dự án là chuyển nước về cho Cà Mau và một phần tỉnh Bạc Liêu. “Hệ thống chuyển nước này đang tính toán chuyển nước qua kênh Chắc Băng để đưa về Cà Mau và Bạc Liêu”, ông nói.

Tuy nhiên, theo ông Hiệp, khu vực ĐBSCL có nhiều địa phương ven biển, thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước vào mùa khô hạn. “Đây là vấn đề chúng tôi đã nhận diện và sẽ có giải pháp để đưa nước ngọt hỗ trợ cho vùng này”, ông nhấn mạnh và giải thích, khu vực ven biển muốn nuôi tôm cũng cần nước ngọt để pha loãng nồng độ mặn về mức thích hợp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển cho biết, giải pháp chuyển nước về khu vực ven biển là phải làm, nhưng đơn vị này đang tính toán cách nào để không “hối tiếc”, tức thứ nhất, nó không ảnh hưởng đến hệ sinh thái ở các vùng xung quanh; thứ hai, là giá thành phải phù hợp. “Chúng ta chuyển nước bằng máy bơm giá thành nó quá cao, thì làm sao chuyển nước cho sản xuất hiệu quả được, nhất là lúa giá thành quá cao thì ai làm nỗi”, ông giải thích.

Theo ông Hiệp, vấn đề “cao tốc nước” cho vùng ven biển cần phải bàn rất kỹ. “Trước mắt, chúng tôi có giải pháp chuyển nước một phần cho Cà Mau, Bạc Liêu và dùng hệ thống hiện có ở cống Cái Lớn- Cái Bé, cống âu thuyền Ninh Quới, Tân Dinh và Bông Bót để triển khai”, ông cho biết.

Có trên 100.000 héc ta cây ăn trái và lúa bị ảnh hưởng

Nhận định về tình hình khô hạn năm 2023-2024, ông Hiệp đánh giá, lượng nước trong mùa khô năm nay của ĐBSCL thuộc dạng “ít nước”, cho nên, khả năng xâm nhập mặn sẽ cao, sớm và thời gian xâm nhập mặn có thể dài hơn so với trung bình nhiều năm.

Theo đó, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng tính từ cửa sông có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 7-25 km, tuỳ từng đoạn sông.

Ông Tăng Đức Thắng cũng đánh giá, mùa khô năm nay khả năng xâm nhập mặn sẽ lớn hơn trung bình nhiều năm, nhưng sẽ thấp hơn so với đợt hạn mặn lịch sử xảy ra vào mùa khô 2015-2016. “Tuy nhiên, chúng ta cần chủ động tập trung mọi giải pháp để ứng phó hạn mặn như mùa khô 2015-2016”, ông khuyến cáo.

Từ diễn biến tình trạng hạn mặn như nêu trên, theo ông Hiệp, khu vực ĐBSCL dự báo có khoảng 44.000 héc ta cây ăn trái và khoảng 60.000 héc ta lúa sẽ bị ảnh hưởng, nhưng mức độ thiệt hại sẽ không quá cao.

Tuy nhiên, ông lưu ý, các đơn vị liên quan cần phải bảo đảm trên nguyên tắc: thứ nhất, tuyệt đối không để thiếu nước ngọt cho sinh hoạt. “Các địa phương cần rà soát tối đa, chi tiết các địa bàn có thể bị ảnh hưởng để năm nay không có hộ dân nào thiếu nước ngọt sinh hoạt”, ông chỉ đạo.

Còn đối với sản xuất cây ăn trái, ông yêu cầu phải hạn chế thấp nhất thiệt hại. “Chúng ta dự báo có 44.000 héc ta bị thiệt hại, nhưng từ nay đến cuối năm 2023, vẫn còn đầy đủ nước ngọt để tích trữ nên các địa phương cần phải tăng cường để không bị ảnh hưởng”, ông gợi ý.

Trong khi đó, với sản xuất lúa, bên cạnh gieo trồng sớm, thì cần tăng cường sử dụng giống chịu hạn mặn hoặc chuyển đổi cây trồng ở một số vùng sang cây trồng khác. “Với những giải pháp đề ra, tôi cho rằng năm nay vẫn có một mùa sản xuất thành công”, ông nhấn mạnh.

Trung Chánh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối