(SGTT) - Nếu ví đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như một cơ thể sống, thì sạt lở là những vết trầy xước bên ngoài, dễ nhìn dễ biết, nên mọi người đều quan tâm. Còn xói mòn dinh dưỡng như là sự “mất máu” đang xảy ra hàng ngày thì không được ai chú ý.
- Du lịch ĐBSCL trước thách thức ‘cải tổ’ chính mình
- Đề xuất bổ sung 4.000 tỉ đồng hỗ trợ phòng chống sạt lở ĐBSCL
Thời gian gần đây chuyện sạt lở bờ sông bờ biển đã xảy ra tràn lan. Sạt lở không chỉ có ở sông cái mà kể cả những kênh rạch nhỏ trong nội đồng, không chỉ xảy ra vào mùa nước đổ mà xảy ra quanh năm, mùa nắng cũng như mùa mưa.
Nguyên nhân của chuyện sạt lở cũng đã được phân tích rất cụ thể, đó là ĐBSCL đang rơi vào thời kỳ mà lượng phù sa bồi ít hơn lượng phù sa lở hàng năm. Phù sa thiếu hụt phần lớn là do các đập thủy điện phía thượng nguồn giữ lại, phần khác là do khai thác cát quá mức để phát triển kinh tế – xã hội, và phần còn lại là do sự dịch chuyển tự nhiên từ đất liền ra biển sâu.
Việc dịch chuyển phù sa từ đồng bằng ra biển sâu còn có sự góp tay “tích cực” của chúng ta. Ví như ở miệt ruộng miệt bưng thì các đê bao khép kín đã không cho phù sa tràn vào đồng ruộng vào mùa nước nổi. Miệt biển thì các đê bao cống đập chằng chịt bịt kín cửa sông rạch đã ngăn cản phù sa len lỏi vào các ao nuôi trồng thủy sản. Ngay cả miệt vườn, nơi mệnh danh là vùng đất phù sa, thì phù sa cũng không còn vô ra được các mương vườn vào mỗi con nước rong.
Vậy là toàn bộ lượng phù sa ít ỏi sau khi đã đi qua hằng hà sa số các hồ đập phía thượng nguồn để đến được ĐBSCL, thì cũng bị “từ chối” cho vào ruộng đồng, mương vườn, ao hồ, sông rạch nên đành phải đi tuốt ra biển sâu, để rồi chúng không có cơ hội quay trở lại đất liền mà bồi đắp cho các rừng ngập mặn ven biển.
Trong thành phần phù sa thì có ba nhóm chính: vật liệu thô như cát, sỏi sạn; vật liệu mịn như bùn, đất sét và vật liệu hòa tan như muối, phèn.
Nhóm vật liệu thô theo dòng nước di chuyển ở đáy sông, nhóm này có vai trò tiên phong trong việc lấn biển và kiến tạo nền móng cho đất đai sau này. Nhóm vật liệu mịn thì lơ lửng trong nước, mắt nhìn không thấy rõ nhưng có thể thấy màu của chúng, người dân ĐBSCL gọi là nước son hay nước bạc. Còn nhóm vật liệu hòa tan thì đôi khi phải nếm mới biết có vị muối hay phèn.
Nhóm vật liệu mịn quyết định cho sự phì nhiêu của các vùng đất và sự bồi lắng của chúng cần có ba cơ chế xảy ra cùng một lúc:
Vật lý: Tức là dựa vào trọng lực, khi hạt bùn nặng hơn phân tử nước, nên lắng xuống đáy.
Hóa học: Hạt bùn có điện tích bề mặt âm, vì vậy nếu có các ion mang điện tích dương thì chúng sẽ bám xung quanh hạt bùn, làm tăng trọng lượng, nên dễ lắng đọng. Dân gian làm chuyện này rất phổ biến, gọi là lóng phèn. Tức là lấy cục phèn (Al2(SO4)3) đem hòa tan vào trong nước ngầu đục hạt bùn. Ion nhôm Al3+ sẽ kết các hạt bùn lại với nhau, thành hạt to hơn, nên dễ lắng đọng, làm nước trong hơn.
Sinh học: Các ion bám xung quanh hạt bùn, trong điều kiện nước ngọt, là phần lớn ion dinh dưỡng như K+, Ca2+, Mg2+. Nên chúng cũng là thức ăn của các vi sinh vật, chúng bám theo hạt bùn để ăn các dinh dưỡng và làm hạt bùn nặng hơn, nên cũng lắng xuống đáy.
Tuy nhiên, yếu tố môi trường quan trọng là nước phải yên tĩnh, nếu nước bị xáo trộn mạnh, thì bùn vẫn không lắng được, dù đã xảy ra ba cơ chế nói trên. Ví như lóng phèn mà cứ quậy hoài thì lu nước không thể nào trong cho được.
Đề cập đến các cơ chế này để thấy việc “từ chối” nhóm vật liệu mịn đi vào ruộng đồng, ao hồ, kênh rạch là chúng ta đã đánh mất hàng triệu tấn dinh dưỡng tự nhiên hàng năm và làm cho đất đai của ĐBSCL càng ngày càng nghèo dinh dưỡng.
Ai cũng biết là để có được hạt lúa, củ khoai hay trái xoài trái dưa thì chúng cần đến hàng chục chất dinh dưỡng trong đất trong nước chứ không phải chỉ có N, P, K. Hồi trước thì chỉ bón phân có chứa N, P, K, các chất còn lại thì cây trồng lấy từ trong đất, mỗi năm nguồn nước mang phù sa vào bù đắp cho lượng dinh dưỡng mà cây trồng đã lấy đi.
Vùng đầu nguồn thì sau vụ lúa hè – thu, nông dân cho nước vào đồng vừa để lấy phù sa vừa dùng nước để diệt sâu rầy hay mầm bệnh để mùa sau sản xuất nhẹ phân ít thuốc. Miệt vườn thì cho nước ra vô để phù sa lắng xuống đáy mương, cuối mùa nắng sên mương để cung cấp dinh dưỡng tự nhiên cho cây và nâng cao mặt liếp.
Giờ thì chuyện lấy phù sa cho ruộng vườn ít được nông dân và lãnh đạo ngành nông nghiệp quan tâm. Mọi người đều nhắm đến việc sản xuất nhiều hàng hóa trên đơn vị diện tích nên đầu tư đê bao cống đập giữ khô đất quanh năm để tăng vòng quay sử dụng đất.
Đất đai cũng như con người, nếu cứ vắt kiệt sức để lao động mà không được bồi bổ dinh dưỡng và nghỉ ngơi, thì liệu chúng ta có thể tiếp tục làm việc trong bao lâu? Nếu ví ĐBSCL như một cơ thể sống, thì sạt lở là những vết trầy xước bên ngoài, dễ nhìn dễ biết, nên mọi người đều quan tâm. Còn xói mòn dinh dưỡng như là sự “mất máu” đang xảy ra hàng ngày thì không được ai chú ý.
Vắt kiệt dinh dưỡng đất đai mà không có nguồn phù sa bù đắp thì chúng ta sẽ để lại cho thế hệ mai sau một ĐBSCL cằn cỗi như sa mạc!
Dương Văn Ni