Thứ bảy, Tháng mười hai 7, 2024

Các hãng vắc-xin chạy đua phát triển mũi tăng cường ứng phó biến thể Omicron

Các hãng vắc-xin phương Tây đang gấp rút phát triển vắc-xin Covid-19 hiệu chỉnh dành cho mũi tiêm tăng cường nhằm chống lại biến thể Omicron đang lây lan với cấp số nhân ở nhiều nước. Động thái này diễn ra sau khi các nghiên cứu ban đầu cho thấy hiệu quả của tất cả các vắc-xin Covid-19 hiện nay đều giảm đáng kể trước biến thể Omicron.
Nhà máy của Pfizer và Moderna đã vào guồng

Tại một nhà máy có diện tích rộng hơn 280.000 mét vuông, cách thành phố Boston, bang Massachusetts 32 km về phía Bắc, hàng trăm nhân viên của hãng dược Pfizer (Mỹ) đang tất bật các công việc chuẩn bị sản xuất hàng triệu liều vắc-xin phiên bản hiệu chỉnh để chống lại biến thể Omicron.

Dự án này được khởi động chỉ một ngày sau Lễ Tạ ơn (25-11) ngay đúng lúc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Omicron vào danh sách các biến thể đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2. Mục tiêu của dự án là tạo một liều tiêm tăng cường được hiệu chỉnh để ngăn ngừa Omicron hiệu quả trong vòng chưa tới 100 ngày.

Vào lúc đó, vẫn chưa thể biết chính xác Omicron sẽ gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như thế nào ở người nhiễm hoặc thậm chí liệu các mũi tiêm mới có cần thiết hay không.

Tuy nhiên, các dữ liệu ban đầu từ các phòng thí nghiệm khắp nơi trên cho thấy biến thể này có khả năng né tránh hàng rào phòng vệ của hệ miễn dịch ở những người đã tiêm bất kỳ loại vắc-xin Covid-19 nào hiện nay.

Tại Anh, Omicron áp đảo biến thể Delta chỉ trong vài ngày. Các nhà nghiên cứu lo ngại sự xuất hiện của khoảng 30 đột biến ở protein gai của Omicron, giúp biến thể này dễ dàng  xâm nhập vào tế bào cơ thể người.

Những thay đổi về hình dáng bên ngoài của Omicron khiến các kháng thể khó tìm  và tiêu diệt nó hơn. Điều này thúc đẩy Pfizer, đối tác của hãng công nghệ sinh học BioNTech (Đức) và đối thủ là hãng dược Moderna  (Mỹ) chạy đua hiệu chỉnh vắc-xin Covid-19 dựa trên công nghệ mRNA của họ để sẳn sàng cho mũi tiêm tăng cường.

“Đó là danh sách các đột biến mà chúng tôi không bao giờ muốn thấy,” Chủ tịch Moderna, Stephen Hoge, người đứng đầu các hoạt động nghiên cứu khoa học của công ty này, cho biết.

Tổng thống Mỹ, Joe Biden (phải) đến thăm nhà máy sản xuất vắc-xin Covid-19 của Pfizer tại Kalamazoo, bang Michigan hồi đầu năm nay. Ảnh: Post-Gazette

Moderna có nhà máy sản xuất vắc-xin dựa vào công nghệ mRNA chỉ cách nhà máy của Pfizer 64 km, đã khởi động các nỗ lực ứng phó Omicton vào hôm 23-11.  Các cuộc họp của công ty diễn ra liên tục trong kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn. Hoge cho biết, nhiều nhân viên than phiền Omicron đã “làm hỏng lễ Tạ ơn của họ”.

Dữ liệu ban đầu từ các phòng thí nghiệm cho thấy ba liều vắc-xin mRNA có thể tăng hiệu quả bảo vệ chống lại Omicron. Điều mà các nhà khoa học chưa nắm rõ là khả năng bảo vệ đó sẽ kéo dài trong bao lâu vì lượng kháng thể do vắc-xin tạo ra sẽ suy giảm theo thời gian.

Trong khi các hãng vắc-xin đều kín tiếng về các bước đi chi tiết ứng phó Omicron, thì cả Pfizer lẫn Moderna đều tập trung vào chiến lược phản ứng nhanh. Khi tin tức về Omicron xuất hiện từ Nam Phi, Giám đốc điều hành Pfizer, Albert Bourla gần như ngay lập tức quyết định bắt tay sản xuất phiên bản hiệu chỉnh của vắc-xin Covid-19 dành riêng cho Omicron. Công việc triển khai nhanh đến đến mức Pfizer chưa ước tính được chính xác chi phí.

“Tôi không thể cung cấp cho bạn số ngay bây giờ”, Mike McDermott, người đứng đầu chuỗi cung ứng toàn cầu của Pfizer, nói.  Ông ghi nhận rất bất thường khi một công ty dược phẩm bắt đầu sản xuất một sản phẩm với quy mô lớn mà sau này có thể cho thấy không cần thiết.

Vắc-xin mới có thể được tung ra trong vòng 100 ngày

McDermott cho biết, quá trình sản xuất tại nhà máy của Pfizer ở Andover có thể khởi động bất cứ ngày nào. Các nhân viên tại đó đang chờ các nhà nghiên cứu của Pfizer ở Chesterfield, Missouri, hoàn thiện và cung cấp dòng tế bào chủ có chứa trình tự DNA sẽ được sử dụng trong vắc-xin Covid-19 hiệu chỉnh.

Nhà máy ở Andover được Pfizer mua lại với giá 68 tỉ đô la từ hãng sản xuất vắc-xin Wyeth hồi năm 2009. Để sản xuất vắc-xin Covid-19 dựa vào công nghệ mRNA, ban đầu, Pfizer phải thực hiện hai bước: tạo ra một lượng lớn khuôn mẫu DNA cho vắc-xin từ dòng tế bào chủ, rồi sau đó chuyển đổi chúng thành mRNA để tạo ra phần cốt lõi của vắc-xin.

Các mRNA này sẽ được chuyển đến một cơ sở khác của Pfizer tại Kalamazoo, bang Michigan, nơi sản xuất hạt nano lipid bao bọc các mRNA và bảo vệ chúng khỏi bị các enzym trong cơ thể làm phân hủy. Nhà máy ở Kalamazoo cũng có dây chuyền đóng lọ vắc-xin.

Nhà máy của Moderna ở Norwood, bang Massachusetts có các dãy phòng vô trùng để sản xuất mRNA và các hạt nano lipid bao bọc vật liệu di truyền mỏng manh này.

Vào năm 2020, Moderna mất 42 ngày để sản xuất các lô vắc-xin Covid-19 gốc và mất 63 ngày để khởi động các thí nghiệm ở người. Với Omicron, “mục tiêu của chúng tôi là phải đạt được mốc thời gian tương tự”, Stephen Hoge, Chủ tịch Moderna, nhấn mạnh.\

Một lý do mà cả Pfizer lẫn Moderna đều có thể phát triển vắc-xin hiệu chỉnh nhanh chóng để ứng phó Omicron là họ đã thành thục quy trình sản xuất vắc-xin gốc cũng như vắc-xin nhắm đến các biến thể Beta và Delta.

Ngay cả sau khi các lọ vắc-xin Covid-19 mới được sản xuất, chúng vẫn chưa chắc chắn được phép sử dụng ngay vì các cơ quan quản lý có thể yêu cầu tiến hành thử nghiệm ở người nếu cần thiết.

Mikael Dolsten, người người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Pfizer, cho biết Pfizer đang tìm hiểu xem, trong trường hợp khẩn cấp, vắc-xin Covid-19 hiệu chỉnh của công ty có thể được phê duyệt mà không cần các cuộc thử nghiệm cụ thể hay không.

Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) có thể cho phép các hãng dược gửi dữ liệu thử nghiệm đối với biến thể khác để cho thấy cách tiếp cận của họ hiện nay đối với Omicron có khả năng thành công.

Hoge cho biết, nếu FDA yêu cầu tiến hành các thử nghiệm mới về phản ứng miễn dịch của vắc-xin Covid-19 hiệu chỉnh dành cho mũi tăng cường, công ty ông cần phải tuyển vài trăm tình nguyện viên để tham gia cuộc thử nghiệm có thể mất vài tháng để hoàn thành.

Trong kịch bản lạc quan nhất, Omicron có thể áp đảo biến thể Delta ở hầu hết các nước, rồi sau đó, dần lắng xuống. Nhưng hiện tại, các hãng vắc-xin không thể trông chờ khả năng đó. Mikael Dolsten cho biết Pfizer đã lên kế hoạch tung ra các liều vắc-xin hiệu chỉnh để chống biến thể Omicron vào tháng 2 hoặc đầu tháng 3-2022.

AstraZeneca và Đại học Oxford nhập cuộc

Trong khi đó, hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford (Anh), cũng đã bắt tay phát triển phiên bản hiệu chỉnh của vắc-xin Covid-19 dựa vào công nghệ véc-tơ virus adeno của họ để ứng phó Omicron.

Trao đổi với tờ Financial Times hôm 21-12, Sandy Douglas, trưởng nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Oxford, nói: “Về nguyên tắc, các vắc-xin dựa vào công nghệ véc-tơ virus adeno, chẳng hạn như vắc-xin do Oxford/AstraZeneca sản xuất, có thể được sử dụng để ứng phó với bất kỳ biến thể mới nào nhanh hơn so với hình dung trước đây”.

Ông cho rằng trong bối cảnh thế giới đối mặt với những thách thức lớn về nhu cầu và kho vận, các loại vắc-xin dựa vào công nghệ này có những lợi thế thực sự quan trọng, chẳng hạn có thể bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh từ 2-8 độ C.

Các nhà nghiên cứu của Oxford tin rằng họ có thể đạt mục tiêu phát triển vắc-xin hiệu chỉnh trong vòng 100 ngày, tức chỉ mất ít hơn ba tháng từ khi xác định mầm bệnh cho đến khi sản xuất hàng loạt.

Thông qua các đối tác, bao gồm Viện Huyết thanh của Ấn Độ, cho đến nay, Oxford và AstraZeneca đã cung cấp hơn 2 tỉ liều vắc-xin cho thế giới, phần lớn là dành cho các nước nghèo.

AstraZeneca cho biết : “Cùng với Đại học Oxford, chúng tôi đã thực hiện các bước sơ bộ để chuẩn sản xuất vắc-xin ứng phó biến thể Omicron trong trường hợp cần thiết”.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa The Lancet hôm 20-12 cho thấy hiệu quả bảo vệ của liệu trình hai mũi vắc-xin của AstraZeneca bắt đầu suy giảm sau 3 tháng.

Hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford (Anh), cũng đã bắt tay phát triển phiên bản hiệu chỉnh của vắc-xin Covid-19. Ảnh: Stock.adobe.com

Hôm 21-12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vắc-xin Covid-19 dựa vào công nghệ tế bào, có tên gọi Nuvaxovid, của hãng dược phẩm Novavax (Mỹ). Đây là vắc-xin Covid-19 thứ 10 được WHO cấp phép.

Nuvaxovid được phát triển bởi Novavax và Liên minh Đổi mới sẵn sàng ứng phó dịch bệnh (CEPI), có trụ sở ở Oslo, Na Uy. Vắc-xin này có thể được bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8 độ C.

WHO cho biết Nuvaxovid có hiệu quả khoảng 90% trong việc giảm số ca nhiễm Covid-19 có triệu chứng trong hai cuộc thử nghiệm lớn ở Mỹ và Mexico với hơn 45.000 tình nguyện viên tham gia.

WHO đề xuất sử dụng vắc-xin này cho người trên 18 tuổi và tiêm hai mũi cách nhau 3-4 tuần.Các dữ liệu về tính hiệu quả của vắc-xin Nuvaxovid đối với Omicron vẫn còn hạn chế.

Tuy nhiên, tính an toàn của các vắc-xin dựa vào công nghệ protein đã được ghi nhận trong nhiều thập kỷ qua có thể khuyến khích những người chưa tiêm vắc-xin Covid-19 (do lo ngại tác dụng phụ) sử dụng vắc-xin Nuvaxovid.

Chánh Tài

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối