Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Bộ Y tế hướng dẫn phòng ngừa và quản lý nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm Covid-19

Theo báo cáo sơ bộ ở nhiều quốc gia cho thấy, có khoảng 10% tổng số ca mắc Covid-19 là nhân viên y tế. Tại nước ta, tính đến ngày 20-8, Công đoàn Y tế Việt Nam đã thống kê có hơn 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm, 3 người tử vong do Covid-19 thời gian qua.

Vì vậy, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn phòng ngừa và quản lý nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 trong các cơ sở khám, chữa bệnh.

Nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, duy trì nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống dịch nói riêng và công tác khám bệnh, chữa bệnh nói chung, mọi cơ sở khám, chữa bệnh cần xây dựng và triển khai các biện pháp phòng ngừa phù hợp với nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 theo từng khu vực, từng đối tượng nhân viên y tế; chủ động đánh giá nguy cơ lây nhiễm, phát hiện sớm để quản lý, cách ly kịp thời nhân viên y tế bị nhiễm bệnh.

Những biện pháp phòng ngừa chung đối với nhân viên y tế bao gồm thực hiện nghiêm quy định 5K trong cơ sở khám, chữa bệnh và ngoài cộng đồng, tuân thủ các quy định về phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2; tiêm phòng đầy đủ vắc-xin phòng Covid -19 cho nhân viên y tế.

Bộ Y tế lưu ý, nhân viên y tế trực tiếp điều trị, chăm sóc và phục vụ người nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2 phải được đào tạo và thực hành thành thạo các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, không bố trí nhân viên y tế mắc các bệnh lý nền, phụ nữ có thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, nhân viên y tế chưa được tiêm phòng đầy đủ vắc-xin phòng Covid-19 vào làm nhiệm vụ này.

Bố trí ca làm việc phù hợp nhằm bảo đảm sức khỏe nhân viên y tế. Tổ chức phân luồng, sàng lọc, phát hiện sớm, cách ly kịp thời người nhiễm hoặc nghi nhiễm SARS-CoV-2.

Phân loại để quản lý

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, trên cơ sở đánh giá nguy cơ lây nhiễm đối với nhân viên y tế, Bộ Y tế phân loại thành hai nhóm “nguy cơ lây nhiễm thấp” và “nguy cơ lây nhiễm cao”.

Với nhóm “nguy cơ lây nhiễm thấp”, nhân viên y tế vẫn tiếp tục làm việc và sinh hoạt bình thường, không phải cách ly hoặc làm xét nghiệm chẩn đoán Covid-19; tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, đánh giá nguy cơ lây nhiễm và xét nghiệm sàng lọc định kỳ theo quy định của cơ sở khám, chữa bệnh.

Nhân viên y tế tự theo dõi y tế hàng ngày nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu chỉ điểm bệnh Covid-19. Nếu có triệu chứng sốt, ho, khó thở, đau họng… cần tự cách ly và báo ngay cho người phụ trách đơn vị, tiểu ban chuyên môn để thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị phù hợp. Khi ở ngoài cơ sở khám, chữa bệnh, nhân viên y tế cần thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng.

Với nhóm “nguy cơ lây nhiễm cao”, nhân viên y tế ngừng làm việc, không tiếp xúc với người bệnh và nhân viên y tế khác; lấy mẫu bệnh phẩm hô hấp xét nghiệm xác định SARS-CoV-2; thực hiện cách ly y tế theo quy định chung về cách ly y tế của Bộ Y tế và của mỗi địa phương. Tuy nhiên, ưu tiên bố trí cách ly y tế tại nhà (nếu nhà ở của nhân viên y tế đủ điều kiện cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế) hoặc tại khu vực cách ly do cơ sở khám, chữa bệnh bố trí.

Trường hợp nhân viên y tế được cách ly tại nhà, lãnh đạo cơ sở khám, chữa bệnh ra quyết định cách ly và thông báo tới chính quyền địa phương nơi nhân viên y tế cư trú (xã, phường) để phối hợp giám sát cách ly và theo dõi y tế người cách ly. Thời gian cách ly theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.

Trong thời gian cách ly, nhân viên y tế được tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán xác định nhiễm SARS-CoV-2 theo quy định đối với người cách ly Covid-19; được tư vấn, hỗ trợ về tâm lý và được hưởng nguyên lương cũng như các chế độ phòng chống dịch khác theo quy định.

Nếu kết quả dương tính, nhân viên y tế được tiếp tục cách ly và điều trị theo quy định hiện hành về cách ly, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 của Bộ Y tế. Cơ sở khám, chữa bệnh cần điều tra, xác định những nhân viên y tế khác và người bệnh có tiếp xúc gần để đánh giá nguy cơ lây nhiễm và thực hiện các biện pháp cách ly theo quy định.

Nếu xét nghiệm các lần đều âm tính, nhân viên y tế được trở lại làm việc và sinh hoạt bình thường. Sau khi hết thời gian cách ly, nhân viên y tế được rà soát, huấn luyện lại các biện pháp thực hành phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 trước khi trở lại chăm sóc người bệnh; tiếp tục thực hiện các hướng dẫn về đánh giá nguy cơ lây nhiễm trong quá trình làm việc.

Phùng My tổng hợp

Theo Sức khỏe và Đời sống

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Phát hiện ca nhiễm cúm A/H9N2 đầu tiên tại Việt Nam

0
Theo Cục Y tế dự phòng, ca mắc cúm A/H9N2 đầu tiên tại Việt Nam là bệnh nhân nam, 37 tuổi, có bệnh lý...

‘Bàn tay’ AI trong sự phát triển của ngành y

0
(SGTT) - AI đang ngày càng khẳng định tiềm năng trong việc tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế và cải...

Bộ Y tế đề nghị không để thiếu thuốc trong dịp...

0
(SGTT) - Bộ Y tế đề nghị các sở y tế tỉnh, thành phố, bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế và các...

Hà Nội khuyến khích người dân đeo khẩu trang nơi công...

0
(SGTT) - Theo kế hoạch về phòng, chống dịch trong năm 2024, lãnh đạo thành phố Hà Nội khuyến khích người dân đeo khẩu...

Ngành y tế sẽ rà soát thủ tục công bố trang...

0
(SGTT) - Trước tình trạng một số cơ sở sản xuất, nhập khẩu hạ thấp mức độ rủi ro của trang thiết bị y...

Đảm bảo kinh phí, nguồn lực phòng chống dịch bệnh cuối...

0
(SGTT) - Liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông – xuân 2023-2024, theo Bộ Y tế, UBND các cấp cần...

Kết nối