(SGTTO) – Được biết đến với biệt danh Quỷ Cốc T, Ngô Trần Hải An là một blogger du lịch đam mê và nhiều kinh nghiệm. Đã khám phá hơn 40 quốc gia, 100 cột mốc biên giới, anh chia sẻ rằng hay được các phượt thủ khác gọi điện “cầu cứu” khi gặp vấn đề nguy hiểm.

“20 năm sau bạn sẽ hối hận về những gì chưa làm hơn những gì bạn đã làm. Xách ba lô bước ra khỏi bến đỗ an toàn để khám phá thế giới xung quanh, để thấy bạn trưởng thành từ những bước chân nhỏ bé, để sống lắng nghe, yêu thương và sẻ chia hạnh phúc”, anh Hải An chia sẻ sau 19 năm trải nghiệm những vùng đất mới, tiếp xúc với những con người chưa từng gặp.

Không phải tôi tự chọn đâu mà do đam mê xuất phát từ trong bản thân tôi. Hồi đó tôi thi đại học bị rớt, buồn quá nên tới ở nhà của một người chú để không phải gặp người này người kia, ở nhà bị hỏi han hoài cũng thấy quê. Tôi ở nhà chú, đi lang thang cho khuây khỏa. Sau đó, tôi phát hiện mình có đam mê khám phá mọi thứ.

Sau này tôi thi lại rồi đi học. Lúc đó đam mê phượt của tôi đã có và càng lúc càng dầy hơn. Tôi cảm thấy đây là một phần cuộc đời, không thể tách rời khỏi mình.

Tôi nghĩ rằng những gì tôi có ngày hôm nay – từ những cơ hội, mối quan hệ, bạn bè cho tới một chút ảnh hưởng nào đó tích cực cho xã hội – đều đến từ đam mê đi và khám phá.

Gọi “phượt” là một start-up của cuộc đời cũng đúng. Đi và khám phá cho tôi nhiều cơ hội, kể cả công việc, nên có thể được coi là một start-up lớn trong cuộc đời tôi, để xây dựng nên tính cách, con người, nhân cách…

Ban đầu tôi tự bỏ tiền túi cho các chuyến đi. Nhiều người họ nghĩ tôi chỉ lông bông đi chơi, nhưng không hề như vậy. Trước đây tôi cũng đi làm, tôi là nhân viên công nghệ thông tin rồi thành trưởng phòng, sau đó là nhân viên kinh doanh, nhân viên marketing rồi làm giám đốc kinh doanh. Tôi làm rất nhiều thứ để có tiền bắt đầu những chuyến đi.

Sau đó, tôi chia sẻ những chuyến đi trong các bài viết của mình, phía cơ quan truyền thông mời cộng tác bài vở và tôi có nhuận bút. Dần dần những trang mạng xã hội của tôi được nhiều người yêu thích, theo dõi nhiều hơn. Một số nhãn hàng bắt đầu mời tôi hợp tác đối với các sản phẩm đi “phượt”, review những chuyến đi truyền cảm hứng… Thu nhập phát sinh từ đó.

Những điều này đến từ một cái duyên, không phải là nghiệp. Tôi không có chủ đích xây dựng giá trị của mình để cuối cùng kiếm tiền bằng điều này, nó chỉ đem đến cho tôi cơ hội về thu nhập một cách tự nhiên. Thực tế thu nhập chính của tôi không đến từ việc này, tôi có một công ty riêng về chụp ảnh.

Tôi không hề dư thời gian. Trước đây lúc đi làm về vào chiều thứ Sáu, tôi lên xe tới một điểm đã lên kế hoạch trước, rồi khám phá nơi đó vào thứ Bảy, Chủ Nhật. Chiều tối Chủ Nhật tôi về lại Sài Gòn, sáng thứ Hai đi làm. Tôi tận dụng mọi khoảng trống thời gian để sống với đam mê, cho đến tận bây giờ.

Nhiều người nghĩ phượt là đi du lịch, đi chơi, nhưng không hẳn. Khi đi chúng ta học hỏi được rất nhiều, xây dựng những mối quan hệ, tìm hiểu về xã hội, về cuộc sống xung quanh, gặp những con người và mở ra cơ hội mới. Để khi quay về với cuộc sống thường ngày, tôi có nhiều cơ hội hơn. Khi tôi trò chuyện với mọi người, cách tôi nói chuyện và kể về những trải nghiệm sẽ cho tôi cơ hội để người ta tin tưởng hợp tác.

Tôi nghĩ những chuyến đi cũng giống như mình đi học, đi thực tập. Có người thực tập ở trường lớp, có người thực tập công ty, tôi chọn trường đời. Nếu không có những chuyến đi, ngày hôm nay tôi cũng không có nhiều cơ hội như thế này.

Đây lại là một câu chuyện khác. Tôi vẫn quan điểm rằng blogger du lịch hoặc đi “phượt” không phải là một nghề mà là cơ duyên. Nó đem lại cho mình một phần thu nhập. Nếu bạn nào đó rèn luyện, học hỏi để trở thành người làm nghề travel blogger, tôi nghĩ điều đó là không thể.

Thực tế, khi chúng ta có một nghề, dù người khác thích hay không thích thì ta vẫn có thể kiếm sống bằng nghề đó. Ví dụ, người ta không thích mình làm kế toán thì mình vẫn có thể đi làm. Nhưng dù bạn đẹp, biết chụp ảnh, viết và làm vlog rất hay nhưng không ai quan tâm hoặc yêu thích thì cũng không nổi tiếng được. Bạn cũng không có sức ảnh hưởng, mà khi không có tầm ảnh hưởng, làm sao bạn kiếm tiền từ việc “đi và trải nghiệm”?

Nhiều bạn travel blogger chia sẻ rằng họ đến với phượt bằng cơ duyên. Đam mê sẽ dẫn dắt thành công, họ không định hướng ngay từ đầu. Các bạn trẻ nên dựa vào đam mê thật sự, đừng nghĩ phượt là một cái nghề rồi lao vào. Nếu các bạn dành thời gian học đại học, học các khóa kỹ năng, thì các bạn cứ xem việc đi phượt cũng là một khóa học dài hạn, khóa học ở trường đời cho bạn nhiều bản lĩnh hơn.

“Nếu phượt đã là một cơ duyên, một đam mê thì tôi sẽ làm điều này cho tới khi nào mình nhắm mắt. Tôi vẫn sẽ thực hiện những công việc khác để kiếm tiền. Tôi mở một công ty du lịch, có kế hoạch sẽ xây dựng một homestay tại Bảo Lộc. Đó là những kế hoạch dài hơi để có thu nhập lo liệu cho gia đình. Bên cạnh đam mê, chúng ta phải có trách nhiệm với gia đình. Đam mê thì không từ bỏ nhưng kiếm tiền thì cũng là việc phải làm”, blogger Ngô Trần Hải An chia sẻ.

Hồng Nhung thực hiện

Đồ họa: Quốc Bảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây