Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Bệnh nhân tiểu đường, đi bộ sao cho tốt?

Theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Đan Mạch, việc cố gắng đi bộ nhanh trong khoảng thời gian ngắn có thể giúp kiểm soát tốt hơn bệnh tiểu đường. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những bệnh nhân đi bộ trong hơn một giờ theo kiểu thay đổi tốc độ cứ mỗi 3 phút nhanh, 3 phút chậm sẽ kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn so với những người đi ở một tốc độ cố định.

Xưa nay, những bệnh nhân tiểu đường thường được khuyên nên đi bộ ở tốc độ trung bình và tránh những vận động ở cường độ cao phòng trường hợp bị chấn thương. Tuy nhiên các nhà khoa học từ trường Đại học Copenhagen – Đan Mạch nhận thấy việc xen kẽ tốc độ nhanh chậm khi đi bộ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe hơn và kiểm soát tốt hơn lượng đường trong máu, một nhân tố quan trọng đối với bệnh tiểu đường loại 2.

Kết quả trên được giới thiệu trong ấn phẩm Diabetologia, một tạp chí thuộc Hiệp hội châu Âu chuyên nghiên cứu về bệnh tiểu đường.

Các nhà khoa học Đan Mạch nghiên cứu những bệnh nhân tiểu đường trong lứa tuổi từ 57 đến 61 đang được điều trị theo nhiều phương pháp y khoa khác nhau. Tất cả đều không sử dụng insulin. Tám người được chọn ngẫu nhiên vào nhóm được kiểm soát (nhóm 1), 12 người vào nhóm đi bộ với tốc độ đều đều (nhóm 2) và 12 người vào nhóm đi bộ với tốc độ luân phiên thay đổi (nhóm 3).

Walking-01

Nhóm 2 và 3 được yêu cầu đi bộ năm lần trong tuần, mỗi lần 60 phút. Nghiên cứu được tiến hành kéo dài trong bốn tháng. Hoạt động của bệnh nhân được theo dõi nhờ máy đo nhịp tim và một máy tính trong đó bao gồm một máy đo sự thay đổi tốc độ (gia tốc kế) để xác định tốc độ trong quá trình vận động.

Nhóm 3 được yêu cầu đi nhanh 3 phút, chậm 3 phút đan xen nhau trong suốt thời gian đi bộ. Việc nhanh chậm được xác định tương đối như sau: Giả sử thang tốc độ lớn nhất của một người là 10 thì trong nghiên cứu này họ được yêu cầu đi nhanh ở mức 7 và chậm ở mức 4. Trong khi đó nhóm 2 được yêu cầu đi với tốc độ mức trung bình 5,5.

Kết quả nghiên cứu cho thấy lượng đường trong máu những người ở nhóm 3 được giảm xuống, còn ở nhóm 2 hoặc nhóm 1 không có sự thay đổi diễn ra.

Theo một nghiên cứu trước đây do tiến sĩ Thomas Solomon chủ trì, những người đi bộ với tốc độ nhanh chậm xen kẽ giảm trung bình 3,17 kg, trong khi cân nặng của những người đi bộ đều đều vẫn vậy. Khi đi bộ ở tốc độ nhanh, tức vận động ở cường độ cao, cơ thể sẽ đốt cháy lượng mỡ nhiều hơn, đây chính là lý do lý giải chuyện giảm cân nêu trên.

Tiến sĩ Richard Elliott, thuộc Tổ chức Từ thiện bệnh tiểu đường ở Anh (charity Diabetes UK), nói: “Nghiên cứu nhỏ này có thể giúp ích những bệnh nhân tiểu đường loại 2 kiểm soát được lượng đường trong máu của họ. Nó chỉ ra mối liên kết giữa việc đi bộ xen kẽ với sự cải thiện độ nhạy đối với insulin trong cơ thể”.

Tuy nhiên vẫn cần những nghiên cứu chuyên sâu hơn nhằm khẳng định lợi ích của phương pháp này trong dài hạn và dĩ nhiên phương pháp này không chắc sẽ phù hợp với tất cả mọi người, tiến sĩ Richard Elliott bổ sung.

Nguyệt Lan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cà phê và ăn sáng, cái nào trước mới có lợi?

0
(SGTT) - Đối với nhiều người trong chúng ta, buổi sáng bắt đầu bằng một ly cà phê. Tuy nhiên, ăn sáng rồi uống...

Chuối có an toàn cho bệnh nhân tiểu đường?

0
(SGTTO) - Chuối là một trong những loại trái cây bổ dưỡng, chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa... Tuy nhiên, những...

Người mắc bệnh tiền tiểu đường cần tránh xa các loại...

0
(SGTTO) - Tiền tiểu đường không chỉ khiến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 tăng cao mà còn có khả năng gây...

Báo động cao huyết áp, tiểu đường, ung thư

0
Bệnh cao huyết áp, ung thư, tiểu đường đang được xem là “cơn đại dịch của thế kỷ”. Các bệnh này đang có xu...

Kết nối