Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Bắt trend livestream chốt ngàn đơn hàng: tiềm năng và thách thức

(SGTT) - Bán hàng qua livestream đã trở thành ngành công nghiệp tỉ đô la của Trung Quốc nhiều năm nay. Ở Việt Nam, kể từ ngày các sàn thương mại điện tử (TMĐT) cập nhật tính năng này, cuộc chơi cạnh tranh của những nhãn hàng, doanh nghiệp, nhà bán lẻ qua sóng trực tuyến bắt đầu. Tuy vậy, khi người người nhà nhà cùng “lên sóng”, không phải ai tham gia cũng thành công.

Hiểu “luật chơi” trên sóng để thích nghi

Theo thông tin của Meta, được chia sẻ cho các đối tác công nghệ kinh doanh như Haravan (Meta Business Partner), bán hàng livestream đã nhanh chóng đạt được 9% trên tổng doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam trong 2023. Khảo sát của Haravan dựa trên hơn 1000 nhà bán hàng online đa kênh cũng cho thấy được đơn hàng từ livestream chiếm 50% doanh thu trên doanh số qua sàn thương mại điện tử TikTok Shop của họ.

Hiện tại, hình thức bán hàng và mua hàng qua livestream đang ngày càng phổ biến hơn với nhiều doanh nghiệp, nhà kinh doanh online, bán lẻ tại Việt Nam và cả người tiêu dùng ở nhiều độ tuổi khác nhau trên khắp vùng miền. Chia sẻ của ông Bùi Như Ý, đồng sáng lập Vibula , đơn vị đã vận hành hàng ngàn phiên livestream trên sàn thương mại điện tử TikTokshop và Shopee Live, ngoài những tiêu chí về mặt sản phẩm phù hợp với yêu cầu của nền tảng và thuận tiện cho việc vận chuyển, giao hàng, nhà bán hàng cần hiểu rõ “luật chơi”.

Phiên livestream 11-11-2023. Ảnh: DNCC

Mỗi ứng dụng sẽ có mỗi cách vận hành và điểm mạnh khác nhau nền cần nắm rõ phần này để rút kinh nghiệm và ứng dụng phù hợp với doanh nghiệp của mình. Trong 6 tháng trở lại đây, các sàn thương mại điện tử đã có những mức tăng phí hoa hồng và các chi phí tham gia chương trình, nhưng đổi lại, các sàn thương mại điện tử đầu tư nhiều thêm những chương trình quảng cáo chuyên nghiệp để thu hút người xem, khách hàng, người tiêu dùng cuối. Các sàn TMĐT còn nhiều chính sách tài trợ loại hình mã giảm giá, chương trình đào tạo kiến thức livestream cho doanh nghiệp, nhà bán hàng thích nghi hoặc các chiến dịch giúp người nông dân bán hàng thông qua livestream ví dụ như các sản phẩm địa phương OCOP.

Dựa vào xu thế phát triển và nhu cầu của doanh nghiệp, trên thị trường hiện nay có nhiều bên cung cấp giải pháp hỗ trợ người bán hàng qua sóng, cũng như áp dụng các công nghệ để lên đơn hàng, theo dõi vận chuyển, hoàn tất giao hàng thuận tiện.

Chia sẻ với KTSG Online, ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc Marketing của nền tảng Haravan, cho rằng xu hướng bán hàng qua kênh livestream các sàn TikTokShop, Shopee Live đang tăng trưởng mạnh. Haravan có phương án quản lý bán hàng đa kênh, đa gian hàng, giúp họ có thể quản lý đơn hàng, quản lý tồn kho hiệu quả hơn, có góc nhìn toàn diện về chi phí, lợi nhuận khi bán hàng và livestream trên nhiều sàn thương mại điện tử cùng một lúc chỉ tại một nơi duy nhất.

Việc này không chỉ giúp cho chủ doanh nghiệp kiểm soát được vận hành kinh doanh, cân đối tài chính mà còn giúp tăng hiệu suất làm việc cho nhân sự lên 30-50%, khi có thể xử lý được nhiều nghiệp vụ kinh doanh hơn, hoặc xử lý đơn hàng trong nhiều tài khoản bán hàng cùng một chỗ.

Hiện tại, Haravan cũng ghi nhận xu hướng livestream bán hàng trên Facebook đang có sự tăng trưởng nóng trở lại. Đặc biệt sau khi Meta cập nhật nhiều tính năng hỗ trợ quảng cáo cho phiên livestream nhanh chóng tiếp cận được nhiều khách hàng đúng mục tiêu, kèm theo đó là chi phí, quy định dễ dàng hơn.

Cụ thể, nếu chủ kinh doanh mất nhiều chi phí trên các sàn thương mại điện tử khác, livestream Facebook là một hướng đi tạo ra lợi nhuận tốt vì không mất phí sàn và có số lượng đơn hàng lớn từ những khách hàng đã từng mua hàng, cộng đồng đang yêu thích thương hiệu có sẵn.

“Một số nhà kinh doanh, có lượng đơn hàng từ 500 đến 10.000 mỗi ngày từ kênh này với các giải pháp livestream chốt đơn tự động, gắn giỏ hàng ngày trên phiên Live, tạo ra trải nghiệm mua hàng tương tự như trên sàn TMĐT. Từ đó, giúp doanh nghiệp có thể tăng đến 300% hiệu suất chốt đơn của nhân sự, chống bỏ sót đơn hàng của khách”, ông Tấn nhấn mạnh.

Tìm chiến lược riêng trước xu hướng “ngàn đơn hàng”

Theo Iresearch, ngành công nghiệp livestream tại Trung Quốc là thị trường khổng lồ tạo ra doanh số đến 480 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái. Hiện tại, có dấu hiệu thoái trào vì đến 1,2 triệu streamer hoạt động, dẫn đến tình trạng bão hoà trong tương lai, nhưng những nhà bán hàng livestream và cả hệ sinh thái các công ty, tập đoàn làm dịch vụ phụ trợ, cộng sinh cũng đang tìm nhiều phương cách phát triển thị trường mới.

Điển hình ở Trung Quốc hàng loạt nhà xưởng bán hàng, hãng vận chuyển, công ty cung cấp dịch vụ, công nghệ livestream, streamer ảo… đều đã đổ bộ sang Việt Nam mạnh mẽ trong thời gian 3-6 tháng vừa qua. Tuy livestream đang là hình thức bán hàng được hưởng ứng tốt, nhưng chiến thuật để tạo ra mốc bán hàng nghìn đơn mỗi ngày hay vạn đơn không phải chỉ có riêng livestream, hay mọi nhà kinh doanh đều ứng dụng phù hợp vì nó đòi hỏi nhiều yếu tố, nghiệp vụ khác nhau.

“Điều này tuỳ thuộc vào năng lực cốt lõi của mỗi doanh nghiệp, nhà kinh doanh… Họ vẫn bán trên website thương hiệu, bán trên facebook hoặc google, hay tối ưu gian hàng quảng cáo trên sàn TMĐT với tính chuyên nghiệp, lợi thế cạnh tranh đặc biệt từ đội ngũ”, ông Mạnh Tấn nói.

Nếu để ý kỹ, hầu hết những nhà kinh doanh hay người nổi tiếng bán thu nghìn đơn, vạn đơn thì trước đó đều có thời gian dài xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, khẳng định chất lượng hay nhân hiệu ở nhiều kênh khác như mạng xã hội, website, báo chí, ông nói thêm.

Các thương hiệu tiếp cận nền tảng livestream bên cạnh nhiều hình thức bán lẻ khác. Ảnh: Chụp màn hình
Các thương hiệu tiếp cận nền tảng livestream bên cạnh nhiều hình thức bán lẻ khác. Ảnh chụp màn hình

Theo các chuyên gia có liên quan trong lĩnh vực, nhược điểm của hình thức này nằm ở chỗ chi phí cho chương trình khuyến mãi cao. Nhà kinh doanh, doanh nghiệp để giữ hình ảnh thương hiệu tốt thì cần đầu tư hình ảnh, thuê người nổi tiếng, phòng bán hàng trực tuyến chuyên nghiệp… dẫn đến chi phí để vận hành lớn.

“Sau một thời gian dài livestream, người xem sẽ dễ sinh nhàm chán nếu không có sự sáng tạo, thay đổi mới. Điều quan trọng nhất người tiêu dùng đã quen với việc mua giảm giá, khuyến mãi sâu chủ kinh doanh sẽ rất khó bán sản phẩm có lãi, hoặc giữ được bản sắc thương hiệu”, vị này nói thêm.

Qua số liệu thống kê từ Metric trong tháng 10-2023, tổng doanh thu trên các sàn TMĐT lớn hiện nay đã lên đến gần 24 nghìn tỉ đồng với hơn 201 triệu sản phẩm được giao thành công (chưa tính trên TikTok Shop), ước tính tăng 30% so với doanh thu cùng kỳ năm 2022. Metric cũng chỉ ra với mức tăng trưởng dự kiến là trên 40%, doanh thu trên các sàn TMĐT quý IV năm 2023 ước đạt 90 nghìn tỉ đồng.

Học cách livestream bán quần áo đang là xu hướng của các nhà kinh doanh hoặc chủ thương hiệu thời trang trong nước hiện nay. Ảnh minh họa: APTsoftware
Học cách livestream bán quần áo đang là xu hướng của các nhà kinh doanh hoặc chủ thương hiệu thời trang trong nước hiện nay. Ảnh minh họa: APTsoftware

Để thúc đẩy hoạt động livestream bán hàng, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải toàn quốc cần phát triển nhằm giúp chi phí vận chuyển giảm, thời gian giao hàng nhanh chóng, doanh nghiệp nhẹ bớt ngân sách và tăng cao tỉ lệ giao hàng thành công cho khách đặt hàng. Hơn nữa, khi người tiêu dùng quen với việc thanh toán online, cũng sẽ giúp cho doanh nghiệp có dòng tiền vận hành tốt hơn và cũng tăng mạnh ý thức đặt hàng, nhận hàng của người mua.

Cuối cùng, livestream bán hàng cần có sự sáng tạo để người xem không cảm thấy bị nhàm chán, kích thích nhu cầu tiêu dùng và mua hàng. Các nhà bán hàng có thể học được điều này ở Trung Quốc với nhiều ý tưởng sáng tạo độc đáo, lấy bối cảnh từ thời Tây Du Ký, kiếm hiệp đến thành phố tương lai…

Ghi nhận ở Việt Nam, đơn vị bán hàng bắt đầu có những phiên livestream ngay tại vườn, tại kho hàng, đem đến nhiều góc nhìn thú vị cho khán giả, thoả mãn nhu cầu tiếp thu nội dung và kích thích người dùng mua hàng, nhưng công nghệ hỗ trợ kĩ xảo vẫn cần cập nhật trong tương lai gần.

Hoàng An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối