Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng – Y tế vị nhân sinh và hành trình từ Hoàn Mỹ đến Tâm Trí

Sau những thăng trầm khi hợp tác đầu tư với các tập đoàn nước ngoài, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng – nhà sáng lập hệ thống y khoa tư nhân Hoàn Mỹ nhận ra rằng việc thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm khi đàm phán là sai lầm lớn. Ngoài ra, tư duy quản trị kiểu “lãng mạn” cũng khiến vị bác sĩ này gặp thất bại trong kinh doanh. Trải qua những khó khăn và thách thức, đặc biệt trong những thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007-2008 và đại dịch Covid-19, ông vẫn miệt mài theo đuổi ước mơ y tế vị nhân sinh, để khởi nghiệp một lần nữa với hệ thống y khoa Tâm Trí.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng được biết đến là người khai sinh tập đoàn y khoa tư nhân Hoàn Mỹ. Ông từng được nhật báo The Japan Times vinh danh là một trong 100 CEO châu Á xuất sắc nhất năm 2012 và được giới thiệu là doanh nhân phải vượt qua rất nhiều sóng gió để cứu mình thoát khỏi đống nợ khổng lồ bằng thương vụ M&A hữu hiệu với tập đoàn Fortis Healthcare.

Nhân Ngày doanh nhân Việt Nam 13-10, kể về hành trình từ một nhà sáng lập và điều hành doanh nghiệp, sau đó trở thành người làm thuê và rút khỏi hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ, bác sĩ Tùng cho biết trước khi thành lập bệnh viện tư nhân này, trong suốt hành trình 10 năm, ông đã từng xin việc và trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau; dù có nơi nhận và cũng có nơi không đồng ý nhưng ông luôn có quan niệm rằng một ngày nào đó sẽ tìm ra được niềm mong ước bản thân. Đến năm 1997, khi đủ cơ duyên vào năm 47 tuổi, ông đã tự xây dựng một phòng khám đa khoa với tiêu chí cung cấp cho người bệnh một dịch vụ y tế chuẩn mực y khoa, cũng như có giá cả phù hợp nhất.

Nhà sáng lập hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ luôn có triết lý rằng khi phục vụ, “người bệnh không bao giờ có lỗi, lỗi chăng là do nhân viên y tế không làm hết trách nhiệm nghề nghiệp và lương tâm của họ”. Vào thời điểm ấy, một mạnh thường quân đã hỗ trợ khế ước tài chính cho vị bác sĩ để đầu tư mở phòng khám.

Về nhân sự, bác sĩ Tùng cho biết không khó để tìm kiếm nguồn lực y tế như hiện nay bởi vào giai đoạn này chưa có cơ sở y tế tư nhân, cuộc sống của các nhân viên y tế, bác sĩ làm việc tại các cơ sở y tế Nhà nước không có nhiều thu nhập. Sự ra đời một cơ sở y tế tư nhân vẫn còn mới mẻ với nhiều người. Vì vậy, nhiều bác sĩ muốn tìm đến làm việc để có thêm trải nghiệm và hỗ trợ thêm thu nhập.

Với kinh nghiệm điều hành từ các vị trí công việc trước đây, vị bác sĩ này đã tự cơ cấu tổ chức để quản trị tốt một phòng khám đa khoa. Sau hai năm hoạt động, nhà sáng lập này đã trả hết nợ, lãi cho mạnh thường quân giúp đỡ ban đầu và tạo điều kiện thu nhập tốt cho hơn 60 nhân viên phòng khám đa khoa.

Quang cảnh bệnh viện Hoàn Mỹ.

Chỉ sau một vài năm hoạt động, Phòng khám đa khoa Hoàn Mỹ được nhiều người biết đến. Bác sĩ Tùng đã xây dựng và phát triển thêm nhiều cơ sở khác như TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đà Lạt, Cà Mau, Huế…

Khi công việc ngày càng thuận lợi, nhiều nhà quản trị tài chính, ngân hàng đã cho vay để phát triển mạnh hơn. Theo bác sĩ Tùng, vào thời điểm này, ông chỉ biết phát triển bệnh viện với suy nghĩ đơn giản là “có bệnh nhân sẽ có tiền trả nợ”; do đó không biết khái niệm dòng tiền hay quản trị dòng tiền.

Cho đến một ngày của những năm 2007-2008, ông phải đối mặt với hai vấn đề là đáo hạn trả nợ vay và lãi suất ngân hàng tăng lên gấp đôi. Kế toán trưởng thông báo rằng doanh thu Bệnh viện Hoàn Mỹ vào thời điểm đó không đủ trả lãi ngân hàng theo tháng.

Khi số nợ quá lớn, thách thức phá sản cận kề. Nhân duyên đã đưa VinaCapital, Deutsche Bank đến và chia sẻ bớt một phần. Sau đó, Hoàn Mỹ được tập đoàn y tế Fortis – Ấn độ rót vốn mua cổ phẩn, tiếp tục là tập đoàn đa ngành Richard Chandler Corp mua sáp nhập. Cuối cùng, Hoàn Mỹ vẫn tiếp tục sứ mệnh chữa bệnh, cứu người và ông rời đi, không còn đồng hành của thương hiệu mà mình đã sáng lập.

Đến lúc này, vị bác sĩ này nhận ra rằng “việc thiếu hiểu biết, thiếu điều kiện tạo sự chủ động khi đàm phán là sai lầm lớn. Tôi thất bại vì kinh doanh lãng mạn”. Đây cũng là điều ông muốn chia sẻ với các nhà điều hành Việt Nam rằng khi đầu tư, nhà kinh doanh cần phải tính toán kỹ và khi đàm phán M&A phải biết bản thân mình là ai, ở đâu, làm gì để chủ động với những cuộc thương thảo.

Nói về giai đoạn hệ thống phòng khám phải chịu nợ ngân hàng quá hạn, “lãi chồng lãi” vì lãi suất ngân hàng tăng do khủng hoảng kinh tế thế giới vào năm 2007-2008, bác sĩ Tùng cho biết niềm đam mê nghề nghiệp và đầu tư kinh doanh cho niềm đam mê là một quãng đường gian nan.

“Nếu không biết quản trị, đây là một trả giá cho cả một cuộc đời. Đến thời điểm này, tôi nhận ra rằng quản lý tốt chưa đủ mà cần phải quản trị giỏi, thì mới có thể vượt qua mọi khó khăn trong quá trình đầu tư; cũng như thực hiện ước vọng của cá nhân và cho xã hội”, vị bác sĩ này bày tỏ.

11 năm sau khi rời khỏi Hoàn Mỹ, cùng với việc xây dựng và điều hành hệ thống Bệnh viện Tâm Trí, bác sĩ Tùng đang đào tạo lứa sinh viên y khoa tại Trường Đại học tư thục Phan Châu Trinh theo mô hình thực hành. Ở tuổi xấp xỉ 70, vị bác sĩ chưa muốn dừng lại mà nỗ lực thực hiện thử thách của bản thân. Đó là xây dựng đội ngũ thầy thuốc tương lai có vị trí, hình ảnh tốt hơn trong lòng người bệnh và cộng đồng xã hội.

Trải qua nhiều va vấp, thăng trầm, giờ đây ông không còn suy nghĩ kinh doanh lãng mạn như xưa mà trở nên rắn rỏi, bình tĩnh đưa ra những giải pháp chín chắn hơn trong các biến động kinh doanh. Từ đó, ông đã đưa con thuyền hệ thống Bệnh viện Tâm Trí vượt qua cơn sóng đại dịch Covid-19, đem lại kết quả kinh doanh ngoài mong đợi cho nhà đầu tư.

Tại TPHCM, trụ sở của Công ty cổ phần y khoa Tâm Trí là một tòa nhà nhỏ nằm trong một con hẻm với mặt tiền có tấm biển hiệu khiêm tốn. Hệ thống y khoa Tâm Trí có mạng lưới 4 bệnh viện với 750 giường bệnh tại TPHCM, Đồng Tháp, Nha Trang và Đà Nẵng.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng trong một đợt khám bệnh từ thiện.

Bên cạnh xây dựng hệ thống phòng khám, hiện bác sĩ Tùng còn là chủ tịch của Trường Đại học Phan Châu Trinh tại Quảng Nam. Để thực hiện ước muốn mở một trường đại học y khoa, vị bác sĩ này đã mua lại giấy phép của một trường đại học vốn đào tạo đa ngành từ du lịch, quản trị kinh doanh, tài chính kế toán… và xóa bỏ tất cả, xin cấp phép đào tạo ngành y bậc độ đại học. Theo bác sĩ Tùng, đây là một quyết định đầy táo bạo, không phải ai cũng đủ dũng cảm thực hiện.

Ông bộc bạch quan niệm sống của mình xuất phát từ thực tế con người sinh ra là hai bàn tay trắng, khi ra đi cũng là hai bàn tay trắng, thế nên của cải xã hội không phải là điều quan trọng. Tuy nhiên, điều quan trọng là cách sử dụng và trả lại cho xã hội những của cải đó như thế nào để sự ra đi của mỗi người đều thanh thản.

Nội dung: Minh Thảo – Hình ảnh: NVCC – Đồ họa: Thu Trang

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Doanh nghiệp và cuộc chuyển trạng thái để vượt bão

0
(SGTT) - Trong bối cảnh nền kinh tế đang bị tác động bởi khủng hoảng, mức độ phản ứng của doanh nghiệp với những...

Tản mạn ngày doanh nhân

0
(SGTT) - Sự phát triển bền vững của quốc gia phải dựa trên một nền kinh tế mạnh và tự chủ, trong đó trụ...

Trao 1.000 phần quà trị giá 400 triệu đồng cho học...

0
(SGTT) - Nhân dịp chào đón năm học mới 2023-2024, Chi hội Doanh nhân trẻ TP Dĩ An thuộc Hội Doanh nhân trẻ Bình...

Đến Làng củi lũ, cảm nhận sự ‘tái sinh’ qua góc...

0
Sau khoảng thời gian dài ấp ủ ý tưởng và thử nghiệm, chiều tối ngày 24-3 vừa qua, tại làng rau Trà Quế, xã...

Gặp chủ tịch thích “xúi” nhiều người thành runner trong cộng...

0
(SGTT) – Từ 5km chạy bộ đầu tiên trong một giải chạy ở câu lạc bộ doanh nhân, anh Nguyễn Khoa Vinh, chủ tịch...

JCI Việt Nam ra mắt tân chủ tịch

0
(SGTT) - Tối 7-1, JCI Việt Nam - tổ chức trực thuộc Hội Doanh nhân trẻ TPHCM - đã ra mắt ban điều hành...

Kết nối