Thứ Ba, Tháng Mười 8, 2024

Ẩm thực năm 2020: nhiều trào lưu online mùa dịch, dịch vụ giao thức ăn lên ngôi

(SGTT) - “Yêu bếp – Nghiện nhà”; cà phê bọt biển Dalgona; giải cứu bánh mì thanh long; nấu ăn với nồi chiên không dầu... là những trào lưu ẩm thực nổi bật trong năm 2020. 

Năm 2020 là một năm đầy thách thức với ngành ẩm thực khi phải trải qua đợt cách ly xã hội, nhiều lần phong tỏa, hạn chế tiếp xúc do dịch bệnh Covid-19. Song, ẩm thực vẫn là sân chơi giải trí có sức hút với cộng đồng thông qua nhiều hình thức trực tuyến.

Rủ nhau đánh….cà phê bọt biển

Vào khoảng giữa tháng Ba năm nay, một số kênh YouTube ẩm thực đăng tải công thức làm đồ uống có tên “Dalgona – Cà phê bọt biển”, bắt nguồn từ Hàn Quốc. Công thức này cho ra món cà phê đẹp mắt như ngoài quán, cách làm đơn giản chỉ với cà phê đen hòa tan. Thời gian này trùng với giai đoạn hạn chế tiếp xúc – cách ly xã hội do dịch Covid-19 vào tháng 3, 4 năm nay. Nhân lúc hạn chế tụ tập, cộng đồng mạng liên tục truyền nhau cũng như chia sẻ hình ảnh thành quả đánh cà phê bọt biển, tạo nên trào lưu ẩm thực trong mùa dịch. 

Tài khoản Facebook Tú Quyên Quyên chia sẻ quá trình làm cà phê bọt biển trên nhóm ẩm thực Ăn Ngon Nấu Khéo, tháng 3-2020. Ảnh: Tú Quyên Quyên.

Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “cà phê bọt biển” trên Facebook hoặc Google, bạn có thể dễ dàng có được công thức để thực hiện. Nhiều tài khoản mạng xã hội còn sáng tạo phần bọt cà phê với tạo hình hoa; biến tấu phiên bản ca cao bọt biển; trà xanh bọt biển...Không chỉ là người dùng mạng, một số chuỗi cà phê lớn cũng tận dụng sức hút này để thêm món Dalgona vào thực đơn. 

YouTuber ẩm thực nổi tiếng Quỳnh Trần JP biến tấu với trà xanh matcha bọt biển thu hút hơn 3 triệu lượt xem. Ảnh chụp màn hình.

Dù chỉ kéo dài hơn một tháng, trào lưu làm cà phê bọt biển cũng đã ghi dấu ấn với số lượng lớn người hưởng ứng khắp nơi. Một số người cho rằng, trào lưu ẩm thực này nhắc cộng đồng Việt nhớ đến mùa cách ly xã hội năm 2020. 

“Yêu bếp - Nghiện nhà” 

Cũng trong thời gian cách ly xã hội, nhiều người không thể ra ngoài ăn uống hay mua đồ ăn sẵn. Nhiều người chọn ẩm thực, nấu nướng tại nhà, vừa là cách để tận hưởng thời gian rảnh rỗi, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe. Song song đó, thời gian cách ly còn là lúc nhiều gia đình có dịp cùng nhau dọn dẹp, chăm sóc tổ ấm thay vì những ngày thường bận rộn. 

Từ đó, nhiều người đã tranh thủ thời gian này chụp ảnh bữa cơm nhà, các món ăn tự tay nấu và kinh nghiệm trang hoàng tổ ấm lên hội, nhóm trên mạng. Các hội nhóm này không chỉ là nơi để khoe thành quả các món ăn ngon, gian nhà đẹp, mà còn là nơi các tín đồ ẩm thực giao lưu; chia sẻ câu chuyện ẩm thực; bàn luận công thức nấu nướng, ý nghĩa bữa cơm gia đình...như một hình thức “giao tiếp” đặc biệt trong mùa cách ly xã hội. 

Nhóm Yêu Bếp có lượt tham gia tăng vọt sau đợt cách ly xã hội tháng 3-2020. Ảnh chụp màn hình.
Một thành viên Yêu Bếp chia sẻ các công thức món chay độc đáo, hình ảnh đẹp mắt thu hút 2.700 lượt tương tác. Ảnh chụp màn hình.

Một trong những nhóm ẩm thực được lòng cộng đồng mạng nhất năm nay chính là Yêu Bếp. Đây là nhóm do Phan Anh - một đầu bếp, sáng tạo ẩm thực từ Hà Nội thành lập vào năm 2018. Yêu Bếp có sức hút lớn với cộng đồng mạng bởi là một trong những hội nhóm có nhiều bài viết chất lượng, hữu ích và hình ảnh đẹp. Từ đó, Yêu Bếp khơi gợi thêm đam mê ẩm thực và lôi cuốn người xem bởi những chia sẻ độc đáo từ các thành viên.

Không nằm ngoài sân chơi ẩm thực, Báo Sài Gòn Tiếp Thị cũng có nhóm Ăn ngon nấu khéo, là cầu nối giữa đầu bếp với những người yêu thích ẩm thực. Các hoạt động của nhóm không chỉ gói gọn trong việc chia sẻ các công thức nấu ăn mà còn là các buổi gặp gỡ ngoài đời (offline) giữa các thành viên. Qua đó, giúp họ gắn kết hơn, cùng nhau thỏa mãn niềm đam mê nấu nướng nói riêng cũng như ẩm thực nói chung. 

Nhóm Ăn Ngon Nấu Khéo trực thuộc báo Sài Gòn Tiếp Thị hiện có hơn 3.200 thành viên tham gia. Ảnh chụp màn hình.

Những công thức, kinh nghiệm nấu ăn thú vị từ nhóm Yêu Bếp được nhiều người chia sẻ, thu hút hàng triệu lượt tham gia mới trong thời gian cách ly. Cùng với Yêu Bếp là Nghiện Nhà (1,4 triệu thành viên), cũng nổi lên là sân chơi chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc nhà cửa, trang hoàng tổ ấm của những người cùng đam mê. 

Không chỉ là hoạt động khi rảnh rỗi, “Yêu Bếp” - “Nghiện Nhà” dường như đã trở thành đam mê, thú vui của nhiều người. Khi các bài viết mới liên tục được cập nhật mỗi ngày.

Nhóm Nghiện Nhà - nơi giao lưu của những người thích trang trí tổ ấm, nhà cửa, yêu thích sắp xếp nội thất. Ảnh chụp màn hình.

Hình ảnh ngôi nhà do tài khoản Thuy Linh Tran chia sẻ trên nhóm Nghiện Nhà kèm lời bình: “[...]vào group này em từ đứa không quan tâm gì đến nhà cửa lắm mà giờ bị nghiện theo”. Ảnh: Thuy Linh Tran
Món ngon với nồi chiên không dầu

Cũng xuất phát từ thời gian tránh dịch, nồi chiên không dầu là “cứu tinh” dành cho những bà nội trợ bất đắc dĩ mùa dịch. Dụng cụ này có thể nấu cả món nướng, chiên, hấp, đút lò, làm bánh mà không cần dùng đến dầu ăn hay nhiều thao tác. Đây là chiếc nồi được cộng đồng mạng mệnh danh là có thể “nấu cả thế giới”. Ngoài ra, chiếc nồi này còn không gây mùi, khói, kích thước nhỏ gọn phù hợp gian bếp gia đình. 

Với giá bán chỉ từ 1-2 triệu đồng, nồi chiên không dầu giúp các món ăn gia đình thêm phong phú, ngoài các món chiên, xào, nấu thông thường. Nhiều bà nội trợ còn thực hiện cả thực đơn vài chục món với nồi chiên không dầu, bắt mắt và ngon miệng. Từ những chia sẻ hữu ích này, nhiều gia đình đã sắm ngay dụng cụ này để nấu nướng, đổi món mùa cách ly. 

Thậm chí, nhiều bà nội trợ còn dùng chiếc nồi này làm bánh để kinh doanh online mùa dịch, giá thành lại rẻ hơn nhiều lần so với lò nướng chuyên dụng. 

Bánh pizza do thành viên Truc Xinh nhóm Ăn Ngon Nấu Khéo làm bằng nồi chiên không dầu. Ảnh: Truc Xinh.

Xếp hàng mua bánh mì thanh long

Ý tưởng lấy thanh long làm nguyên liệu cho bánh mì thuộc quyền sở hữu của thương hiệu bánh kẹo Á Châu ABC nhằm “giải cứu” nông sản Việt mùa dịch Covid-19. Ngoài bánh mì baguette, thương hiệu này còn cho ra mắt sản phẩm bánh mì thanh long phô mai và bánh khoai môn sữa, bánh kem cũng từ nguyên liệu này. 

Người dân xếp hàng mua bánh mì thanh long, cuối tháng 2-2020. Ảnh: Yến Nhi.
Bánh mì thanh long là bánh mì đặc ruột, có vị mặn hơn bánh mì trắng, chua dịu và mùi thơm ngọt tự nhiên của trái thanh long. Ảnh: Yến Nhi.

Kể từ khi ra mắt, sản phẩm mới lạ này được nhiều người “săn đón”, tò mò dùng thử tại các của hàng bánh kẹo ABC. Nhiều cửa hàng cho biết, người dân đến ủng hộ nhiều đến nỗi bánh vừa ra lò là hết ngay. 

Khi mới nếm thử, bánh mì có vị mặn hơn bánh mì trắng nhưng thơm ngọt mùi trái cây tự nhiên. Nếu nhai kỹ, những hạt thanh long sẽ cho hương vị bùi như mè rang, nhưng ít thơm hơn. Đến hậu vị, người ăn sẽ cảm nhận được vị chua dịu đặc trưng của trái thanh long ruột đỏ.

Ông Kao Siêu Lực - người sáng lập thương hiệu ABC, chia sẻ công thức bánh mì baguette thanh long công khai cho nhiều người cùng làm. Nhiều người trổ tài làm thử và thành công, thậm chí còn sáng tạo thêm bánh mì thanh long phô mai tan chảy, bánh bao thanh long, bánh mì ngọt…

Dịch vụ giao thức ăn tiếp tục lên ngôi

Dịch vụ giao thức ăn trực tuyến không còn mới lạ, song khi đến năm 2020 lại càng lên ngôi và sôi động hơn nữa. Trong mùa cách ly, tất cả hàng quán lớn nhỏ khắp nơi đều buộc phải đóng cửa để đảm bảo an toàn cho xã hội. Hầu hết các chủ cửa hàng phải chuyển sang hình thức mua mang đi hoặc giao thức ăn tận nơi để mưu sinh mùa dịch. 

Kênh ẩm thực Ninh Tito trong một video thử gọi lẩu buffet giao về nhà. Ảnh chụp màn hình.

Hình thức này vẫn được đông đảo người dân hưởng ứng do tính tiện lợi, nhanh chóng mà vẫn đảm bảo an toàn. Tín đồ ẩm thực vẫn được thưởng thức món ăn ngon tận nơi mà không phải đến nơi đông người, có thể thanh toán qua thẻ ngân hàng, ví điện tử. Với nhu cầu tăng cao, tất cả các hãng xe ôm công nghệ/giao hàng trực tuyến đều tung ra hàng loạt khuyến mãi tặng khách hàng.

Nhận thấy nhiều lợi ích khi đặt thức ăn trực tuyến, nhiều người đã xem việc này như “đi chợ” hằng ngày, có thể thực hiện ở bất cứ đâu chỉ với chiếc điện thoại. Thậm chí là ăn đêm, dịch vụ giao thức ăn cũng có thể đáp ứng. Nhiều quán lẩu, đồ nướng, buffet, hải sản - những hình thức ăn uống tưởng chừng không thể gói mang về, cũng giao tận nơi để giúp khách hàng “thỏa cơn thèm”. 

Sau thời gian giãn cách xã hội, người dân khắp nơi vẫn giữ tinh thần chủ động phòng dịch, hạn chế tiếp xúc. Nhờ đó, dịch vụ giao thức ăn trực tuyến ngày càng phát triển và được nâng cao về chất lượng món ăn, rút ngắn thời gian giao hàng và nhiều ưu đãi hấp dẫn.

Bạn ấn tượng với trào lưu ẩm thực nào nhất trong năm 2020?

Xem kết quả

Yến Nhi tổng hợp 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hiểu nhanh khái niệm ẩm thực phân tử chỉ trong năm...

0
Những năm gần đây, ẩm thực phân tử được các đầu bếp Việt quan tâm và ứng dụng và trong thực đơn ăn uống...

Trào lưu trà chanh giã tay, bánh đồng xu vừa ‘nguội’,...

0
(SGTT) - Khi trào lưu ẩm thực trà chanh giã tay hay bánh đồng xu phô mai dần không còn sức nóng đối với...

Cùng nhìn lại những trào lưu ăn uống nổi bật năm...

0
(SGTT) – Gỏi gà măng cụt, cà phê muối, trà chanh giã tay… là một trong những món ăn tạo nên xu hướng sôi...

Mì gói thanh long ‘vượt mặt’ trà chanh giã tay trở...

0
Sau đoạn nhạc "viral" trong những ngày qua, mì gói thanh long trở thành từ khóa được quan tâm nhiều trên các nền tảng...

Trà chanh giã tay có gì mà thu hút giới trẻ?

0
(SGTT) - Khi các trào lưu như trà mãng cầu, cà phê muối, bánh đồng xu hạ nhiệt, giới trẻ lại tìm thưởng thức...

Trào lưu ăn uống, có món sớm nở tối tàn, có...

0
(SGTT) - Năm 2023 được xem là năm nở rộ các xu hướng trong ngành ăn uống, điểm chung của những món theo trend...

Kết nối