Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Ấm áp mâm cơm ngày 30 Tết ở miền Tây Nam bộ

(SGTT) - Ngày nay, tuy nhịp sống gấp gáp hơn nhưng hầu hết các gia đình miền Tây Nam bộ vẫn duy trì mâm cơm ngày 30 Tết như một phong tục đẹp. Mâm cơm thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", trước là dâng lên bàn thờ để đón rước ông bà, tổ tiên, sau là để con cháu tề tựu, cùng ăn cơm sum vầy. 

Mâm cơm Tất niên được người miền Tây rất chú trọng, ngoài ngón "thống soái" là thịt kho trứng còn có các món như gà luộc, dưa giá, dưa kiệu, canh khổ qua, bánh tét, bánh ít, dưa hấu... Bên cạnh chuẩn bị mâm cúng, các gia đình cũng đã bày biện thêm hoa, trái cây, bánh, mứt trên bàn thờ gia tiên.

Mâm cơm ngày 30 Tết của một gia đình ở Sóc Trăng.

Theo Nhà nghiên cứu Văn hóa Tây Nam bộ, ông Nhâm Hùng, mâm cơm ngày Tết ở các gia đình miền Tây có sự giao thao văn hóa giữa các dân tộc và các vùng miền. Có một món ăn từ thời khẩn hoang đã được ông bà ta chế biến đó là món cá lóc nướng trui ăn kèm rau sống. "Vùng Tây Nam bộ ngày trước cá tôm, người ta thường bắt cá rộng vào những lu, khạp rồi để dành ăn vào ngày Tết. Ăn thịt kho nhiều cũng ngán, ăn thêm cá nướng, cuốn bánh tráng với rau sống có cân bằng".

Chuẩn bị mâm cơm cúng Tất niên ở một gia đình Tây Nam bộ.

Những món ăn với màu sắc sặc sở, tươi mát, thơm tho luôn được người miền Tây chăm chút đưa vào thực đơn mâm cỗ, với những món có mùi hoặc có tên hay mang ý nghĩa tiêu cực họ sẽ tránh. "Giả sử như món mắm, một món đặc trưng của người Tây Nam bộ. Tuy nhiên, ngày Tết người ta sẽ không đưa các món ăn này vào bởi vì có mùi nặng và hay Tết người dân cúng gà luộc chứ không phải là vịt, bởi vịt là loài vật sống dưới nước chỉ cúng khi đi đứng, làm ăn, buôn bán trên sông”.

“Bữa cơm ngày cuối năm thể hiện sự trân trọng, biết ơn của gia chủ đối với ông bà, tổ tiên và những người quá cố. 'Dương gian, âm cảnh, đồng nhất lý', nghĩa là người sống trên dương gian thế nào thì người âm cảnh cũng sống thế ấy", Nhà nghiên cứu Tây Nam bộ nói thêm.

Gia chủ chuẩn bị mâm cơm dâng lên ông bà, tổ tiên.

Bà Dương Thị Út (52 tuổi, Sóc Trăng) chia sẻ "Từ sáng 30 Tết, tôi đã đi chợ để chọn mua những món thật tươi để về làm mâm cơm cúng ông bà. Thường thì ở miền Tây nhà nào cũng có nồi thịt kho hột vịt, số gia đình khác thì có thêm các một món canh, món xào, rồi thêm ít chả nguội, lạp xưởng, dưa kiệu, dưa cải cho bàn tiệc sung túc".

Bà Phạm Thị Nguyền (62 tuổi, Sóc Trăng) sửa soạn bàn thờ gia tiên.

Bà Phạm Thị Nguyền (62 tuổi, Sóc Trăng) cho biết "Nhà tôi  từ nhiều chục năm nay rồi, cứ ngày tổ chức cúng Tất niên tôi đều làm mâm cơm cúng. Không quan trọng món ăn cao sang, cái nhất là thành tâm dâng lên cúng ông bà tổ tiên và những người quá cố, rồi cầu mong họ sẽ phù hộ cho gia đình, con cháu được bình an, mạnh khỏe”.

Dưa hấu đỏ là một món ăn đặc trưng trong mâm cơm Tết của người Tây Nam bộ.

“Tôi là người ở TPHCM, lấy vợ ở Sóc Trăng, cả năm vợ chồng sống và làm việc ở TPHCM. Dịp Tết năm nay, vợ chồng tôi tranh thủ sắp xếp công việc để về ăn Tết cùng nhà ngoại. Ngồi ăn cơm cùng gia đình, con cháu ngày cuối năm rồi nghe nói chuyện rôm rả mình thấy vui và ấm áp.", anh Nguyễn Trung Nhân, (40 tuổi, TPHCM) cho hay.

Thịt kho tàu hay thịt kho rệu, thịt kho hột vịt là một món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của các gia đình Tây Nam bộ.
Mâm cơm miền Tây Nam bộ ngày nay phong phú hơn bởi sự giao thoa vùng miền, một vài món  thêm như lạp xưởng, chả lụa,...
Ngoài các món món mặn, trong mâm cơm còn có các loại bánh tét, bánh ít, mứt...
Bà và cháu ở một gia đình Tây Nam bộ bên mâm cơm Tất niên.     

Ngọc Khuyến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối