Thứ bảy, Tháng mười hai 7, 2024

Xử lý rác thải ở TPHCM: gian nan tìm giải pháp triệt để

Các vấn đề liên quan đến khung pháp lý cho giá thành xử lý chất thải rắn sinh hoạt; những bất cập trong công tác xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường, cũng như ý thức của người dân trong hoạt động thu gom rác tại nguồn chưa cao là những vướng mắc cần TPHCM có biện pháp tháo gỡ.

Xử lý chất thải rắn tại nguồn còn nhiều thách thức

Ngày 12-7, Đoàn khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND TPHCM về thực hiện chính sách, pháp luật để quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TPHCM. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, hoạt động phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tách riêng nhóm chất thải hữu cơ để tố chức thu gom vận chuyển riêng.

Vì vậy, đến năm 2020, TPHCM vẫn chưa đạt được chỉ tiêu mà Hội đồng nhân dân TPHCM đã đề ra về tỷ lệ phân loại rác là “các đối tượng thực hiện phân loại đúng quy định đạt tối thiểu 50% …” bởi thực trạng công tác tổ chức thu gom, vận chuyển còn nhiều vướng mắc và chưa ổn định.

Theo đó, tỷ lệ hộ gia đình, chủ nguồn rác thải ở một cụm dân cư, một tuyến đường trên địa bàn quận, huyện thực hiện phân loại rác tại nguồn còn khá thấp (khoảng 10 – 20%) và con số này chưa được duy trì ổn định.

Ý thức của người dân về bảo vệ môi trường nói chung chưa được nâng cao, đặc biệt là việc xả rác đúng nơi quy định vẫn chưa được tuân thủ dẫn đến tình trạng rác thải tràn lan trên đường phố, vỉa hè và kênh rạch. Từ đó cho thấy yêu cầu về phân loại rác tại nguồn thành ba loại (chất thải rắn có khả năng tái chế, chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác) cần phải có thời gian để thực hiện.

Đoàn khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội tại buổi làm việc với UBND TPHCM về thực hiện chính sách, pháp luật để quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TPHCM vào ngày 12-7.

Một số doanh nghiệp môi trường cũng cho rằng dù tình hình vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố có sự cải thiện nhưng vẫn còn các hạn chế cần phải khắc phục như một số tuyến đường, công trình công cộng, công trường xây dựng… có tình trạng thải rác bừa bãi. Một số ít người dân có nhà ở ven kênh rạch có thói quen xả rác trực tiếp xuống kênh rạch. Chất thải rắn cồng kềnh chưa được thu gom triệt để, còn phát sinh bừa bãi trên các tuyến đường, dưới dạ cầu…

Bên cạnh đó, công tác xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường, đặc biệt ở khu dân cư, nơi công cộng còn nhiều bất cập, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật.

Công tác triển khai chuyển đổi phương tiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt cũng chưa đạt yêu cầu do việc bổ sung vốn cho Quỹ bảo vệ môi trường còn chậm. Ngoài ra, thủ tục pháp lý về đất đai (điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất) và khó khăn trong xác định vị trí các trạm trung chuyển cũng là nguyên nhân khiến công tác thực hiện các quy hoạch về quản lý chất thải rắn sinh hoạt triển khai còn chậm.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn

Trước thực trạng trên, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, đề xuất một số giải pháp cho hoạt động quản lý rác thải trên địa bàn TPHCM. Về xây dựng định mức, trước đây, các quy định liên quan đến định mức kinh tế, kỹ thuật về công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt do Bộ Xây dựng ban hành.

Tuy nhiên, hiện nay, tại khoản 5 Điều 79 Luật số 72/2020/QH14 ngày 17-11-2020 của Quốc hội về Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2022 quy định: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn việc thực hiện quy định tại khoản 1 điều này.

Vì vậy, bà Mỹ đưa ra kiến nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành văn bản quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để áp dụng chung cho toàn quốc theo quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2020.

Về diện tích và khoảng cách an toàn xây dựng trạm trung chuyển, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, điều chỉnh khoảng cách an toàn đối với trường hợp trạm trung chuyển nằm trong khu dân cư. Nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật, có công nghệ ép rác kín, đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị thì được sử dụng diện tích và dải cây xanh cách ly phù hợp điều kiện thực tế trên địa bàn thành phố.

Về pháp lý để xây dựng giá xử lý rác, các bộ, ngành sớm xây dựng, công bố suất vốn đầu tư và mức chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho công nghệ đốt rác phát điện thu hồi năng lượng làm cơ sở áp dụng, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Về bổ sung các dự án đốt rác phát điện vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia, Bộ Công Thương sớm bổ sung các dự án đốt phát điện trên địa bàn TPHCM vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia để chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết và triển khai khởi công xây dựng nhà máy đốt phát điện trong năm 2022.

Ngoài ra, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cần sớm ban hành các văn bản về hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định về kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải được tính dựa trên khối lượng hoặc thế tích chất thải phát sinh. Đồng thời quy định ưu đãi về thuế, phí, vay vốn đối với các hoạt động xây dựng cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt để thúc đẩv các hoạt động xã hội hóa trong công tác quản lý chất thải hiện nay.

Minh Thảo

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối