Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024

Đẩy mạnh hợp tác công-tư trong chương trình giảm rác thải nhựa ngoài môi trường

Sau 2 năm chương trình Hợp tác công – tư Quản lý rác thải nhựa được triển khai, chương trình đã kết nạp thêm 24 thành viên mới bên cạnh 4 thành viên cũ và đề ra lộ trình hướng đến một Việt Nam không rác thải nhựa ngoài môi trường đến năm 2025.
Một bãi biển nhiều rác thải nhựa ở thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: TTXVN

Được biết chương trình Hợp tác công – tư xây dựng kinh tế tuần hoàn quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam (Dow Việt Nam), Tập đoàn SCG và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam kí kết cách đây 2 năm.

Chương trình vừa kết nạp thêm 24 thành viên mới gia nhập. Các thành viên mới có thành phần đa dạng từ chính quyền địa phương, các công ty nhựa tái chế, trường học, tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp có cam kết cao về phát triển bền vững…

Thông tin từ chương trình Hợp tác công – tư Quản lý rác thải nhựa cho biết vào ngày 1-3, chương trình đã đánh giá các kết quả hợp tác đã đạt được trong hai năm qua và đề ra những trọng tâm lớn cần thực hiện trong những năm tới. Theo đó chương trình đề ra lộ trình hướng đến một Việt Nam không rác thải nhựa ngoài môi trường đến năm 2025.

Để đạt được kết quả trên, chương trình cho rằng cần giáo dục thay đổi hành vi – tuyên truyền và giáo dục nhằm thay đổi thói quen, khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn trên quy mô toàn quốc; hỗ trợ phổ biến rộng rãi các quy định và luật trong quản lý và phân loại rác thải tại nguồn; đẩy mạnh các dự án và mô hình thu gom, phân loại rác tại nguồn, tiến tới nhân rộng trên toàn quốc, nhằm tạo và củng cố thói quen phân loại rác tại nguồn cho người dân. Các sáng kiến thu hồi bao bì nhựa, tái chế rác thải nhựa được tạo điều kiện thuận lợi để triển khai, nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại Việt Nam.

Lộ trình 2022 – 2025 đặt ra mục tiêu nghiên cứu, áp dụng công nghệ đổi mới sáng tạo trong tái chế rác thải nhựa, từ đó nâng cao kinh tế tuần hoàn nhựa tại Việt Nam: áp dụng công nghệ tiên tiến, kết hợp với các đối tác trong chuỗi giá trị để thiết kế và sản xuất các sản phẩm bao bì nhựa có thể tái sử dụng hoặc tái chế; tăng cường, thúc đẩy hoạt động sử dụng sản phẩm nhựa tái chế.

Bên cạnh đó từ 2022 – 2025 chương trình sẽ hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng khung pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc đưa nhựa vào kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy các chính sách khuyến khích áp dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo…

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng: “Việc thành lập và phát triển nhóm hợp tác công – tư tạo ra sức mạnh tổng hợp, thiết lập một mô hình hợp tác cùng nhau giải quyết vấn đề rác thải nhựa hiện nay tại Việt Nam. Đây là một diễn đàn thiết thực giúp Chính Phủ, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường có các sáng kiến, thảo luận mang tính thực tiễn cao, đồng thời nắm bắt được các vướng mắc, khó khăn mà khối tư nhân đang gặp phải để hỗ trợ và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật.”

Ông Thanapat Kaweetraiphop, Giám đốc Thương mại, Công ty TNHH Hoá dầu Long Sơn trực thuộc SCG nói: “Hợp tác công – tư Quản lý rác thải nhựa đã làm việc để tìm ra các giải pháp cho các dự án thí điểm liên quan đến quản lý rác thải nhựa tại Hà Nội, Cần Thơ và Bà Rịa Vũng Tàu – phù hợp với bối cảnh từng địa phương và có thể duy trì lâu dài. Để mở rộng khuôn khổ và quy mô sang các lĩnh vực khác, rất cần sự hỗ trợ và hợp tác liên tục từ các cấp chính phủ và các đối tác trong chuỗi quản lý rác thải nhựa để xây dựng kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững”.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam cho rằng: “Chương trình hợp tác này là giải pháp cấp thiết và mang tính thực tiễn cao trong việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam. Hướng đến một Việt Nam không rác thải nhựa ngoài môi trường. Từ đó góp phần hiện thực hóa cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào giữa thế kỷ của Chính phủ tại Hội nghị khí hậu COP26 tại Glasgow. Hy vọng khối hợp tác sẽ không chỉ dừng lại ở những đơn vị sáng lập, mà sẽ ngày càng mở rộng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa với sự tham gia của thêm nhiều tổ chức, doanh nghiệp.”

Thông tin từ chương trình trên cho biết, ô nhiễm nhựa là một thách thức lớn với thế giới nói chung và từng quốc gia nói riêng. Lượng rác thải nhựa quá cao gây ra gánh nặng với môi trường, đặc biệt với các quốc gia đang phát triển và có hệ thống quản lý chất thải rắn chưa hoàn thiện như Việt Nam. Trung bình mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới.

Cách đây hai năm, ngày 19-2-2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường và 3 doanh nghiệp: Dow Việt Nam, Tập đoàn SCG và Unilever Việt Nam đã tiên phong đề xuất sáng kiến hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa nhằm mục tiêu đưa rác thải nhựa vào kinh tế tuần hoàn và quản lý vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam, thông qua chia sẻ kiến thức, chuyển giao công nghệ, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo để giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên quy mô toàn quốc.

Trong 2 năm qua, chương trình đã triển khai các hoạt động thiết thực và đạt được những thành quả tích cực. Các thành viên của chương trình đã hợp tác dài hạn với các doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ triển khai thiết lập và thực hiện các dự án phân loại, thu gom, tái chế rác thải nhựa. Đến nay đã phân loại và thu gom được hơn 9.000 tấn rác tái chế, trong đó có 6.520 tấn rác thải nhựa. Các dự án đồng thời trực tiếp hỗ trợ hơn 1.200 lao động là đối tượng lao động nữ, người yếu thế, lao động tự do, người khuyết tật – giúp họ tăng cường đảm bảo vệ sinh và an toàn trong quá trình thu gom, tạo thêm thu nhập và ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, hoạt động phân loại, thu gom rác thải nhựa được tuyên truyền trực tiếp đến 18 phường xã , 41.400 hộ gia đình tại Hà Nội. Các hoạt động giáo dục học sinh và hướng dẫn thu gom rác thải được tiến hành tại 32 trường học, tiếp cận hơn 15.000 học sinh tại Hà Nội và hơn 1.300 học sinh tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Hơn 50 cơ quan bộ ngành cũng tích cực truyền thông và lan toả cho dự án, bằng việc sử dụng 1.700 thùng rác đặc biệt sản xuất từ 30 tấn rác thải nhựa tái chế, có chức năng phân loại rác tại nguồn. Tổng thể, các dự án đạt hơn 12 triệu lượt tiếp cận thông qua các chiến dịch truyền thông đại chúng.

Các công nghệ và giải pháp khoa học từ các quốc gia tiên tiến liên tục được các thành viên chương trình nghiên cứu và ứng dụng. Với mục tiêu hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất bao bì và hạt nhựa tái chế như: sản xuất bao bì 100% có thể tái chế…

Vân Ly

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối