Thứ Năm, Tháng Năm 2, 2024

Xứ Cẩm Đồng còn một chiếc cầu tre

(SGTTO) – Người dân bên này sông ngày ngày buổi sáng lam lũ sang bên kia sông trồng cấy, buổi chiều lại gánh gồng về lại bằng chiếc cầu tre. Cầu tre ở thôn Cẩm Đồng (xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) có lẽ là chiếc cầu tre đặc biệt còn sót lại ở vùng đồng bằng xứ Quảng.

Ngày ngày, người dân ở thôn lại í ơi gọi nhau qua cầu tre để qua sông Vĩnh Điện sang bên bãi bồi Gò Đình nằm bên mép sông để trồng cấy, thu hoạch hoa màu. Bãi bồi Gò Đình có diện tích gần 90 ha là khu vực canh tác nông nghiệp trọng điểm của xã Điện Phong.

Chiếc cầu tre ấy, bao mùa nước lên nước cuốn trôi làm gãy đôi nhấn chìm cả cây cầu, cầu không biết đã được dựng lại bao nhiêu lần. Chỉ biết rằng ký ức tuổi thơ của những người con Cẩm Đồng đều gắn liền với bao kỷ niệm bên cây cầu tre này. Để bây giờ, những đứa trẻ ngày nào chân đất theo mẹ qua cầu, tắm nước sông bây giờ đã khôn lớn, ngược xuôi khắp phương trời.

Mỗi năm mỗi đợt nước lên cầu đều bị đánh gãy, người dân lại bỏ tiền của và vật liệu tre để dựng lên một cây cầu mới. Cầu dài hàng chục mét, rộng chưa tới 1m, khá cao so với mặt nước, có tay vịn một bên, trông rất chênh vênh mỗi khi qua lại. Mỗi cây cầu được ghép lại từ hơn 100 cây tre già với chiều rộng 1m và dài chừng 120m.

Dù cầu tre thiếu kiên cố nhưng tiện hơn, nhanh hơn việc đi đò nên người dân nơi đây góp tiền, góp sức làm cầu để đi lại kiếm kế sinh nhai hàng chục năm nay. Lúc gặp khó khăn trong khi mang vác nặng qua cầu họ thường giúp đỡ lẫn nhau.

Bà Phan Thị Lệ, một người dân ở Cẩm Đồng, chia sẻ rằng từ khi bà còn trẻ đã có cây cầu tre bắc qua song. Mấy chục năm nay, cây cầu vẫn là con đường độc đạo để đưa người dân thôn Cẩm Đồng qua canh tác ở các biền bãi. Nhiều kỷ niệm gắn bó với cây cầu tre này tới tận bây giờ bà tuổi đã nhưng vẫn còn nhớ rõ, bao con nước lớn ròng đã chứng kiến sự trưởng thành rồi già đi của những con người nơi đây.

Cùng chiếc cầu tre nhỏ này, cuộc sống đời thường trong từng khoảnh khắc hiện lên thật đẹp. Nhiều người không thể không rung động trước khung cảnh làng quê bên sông đẹp như tranh vẽ. Rồi những buổi sáng hoặc chiều tối, cảnh những mẹ, những bà quẳng gánh đi trên cầu gợi lại ký ức mỗi người đi theo mẹ ra ruộng ngày còn thơ bé. Vào những buổi ráng chiều, cây cầu trở nên đẹp ma mị trước bầu trời rực đỏ.

Trên cầu tre này, tình làng nghĩa xóm, những sự nhường nhịn hay tương trợ lẫn nhau luôn diễn ra. Một người phụ nữ gánh rau trên đầu, một người khác sẽ nhường bước để gánh rau đầy qua cầu dễ hơn. Có đôi khi, một bà lão với chuyến rau về quá nặng, lại có người gánh giúp một đoạn. Cứ thế, tảo tần hôm sớm trên cầu là những người nông dân xứ Quảng chân chất và nghĩa tình.

Ông Dương Huấn, Trưởng thôn Cẩm Đồng, cho biết hàng chục năm nay, người dân địa phương đã bỏ ra số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng chỉ để mỗi năm dựng vài cây cầu tre, tuy nhiên tuổi thọ của nó không thể đoán định trước và hoàn toàn phó mặc vào đất trời. “Hễ lụt lớn là trôi cầu. Rồi làm lại. Cứ rứa. Không còn cầu thì đi ghe, nhưng ghe nan ớn quá, nên chúng tôi quán triệt là đi ghe thiếc. Có năm do thiên tai liên tục khiến người dân địa phương phải dựng cầu tre tạm bợ đến vài ba lần”.

Ngày trước, thôn Cẩm Đồng khốn khó lắm, cả thôn không đường, điện, trạm, trường. Do nằm sát bờ sông, nên những ngôi nhà phải đắp nền lên thật cao. Dấu vết của mỗi trận lũ dâng nước vẫn còn in lên từng nhà. Ông Dương Huấn làm thôn trưởng mấy chục năm rồi, nên chốn này rõ lắm. Hơn chục năm qua, thôn nghèo này đã thay da đổi thịt, điện lưới kéo đến tận hộ, cứ 10 nhà là có một trụ. Có điện, mọi thứ thay đổi. Đường, nước sinh hoạt, sản xuất sản lượng cứ thế mà tăng theo từng năm. Đường bê tông nông thôn có từ 2001.

Đây là thôn nghèo của xã nên được hỗ trợ xây nhà cao tầng phục vụ việc tránh lũ, hội họp; nước nhiễm phèn, nhiễm mặn nên được kéo đường ống nước sạch về cho từng hộ dân sử dụng. Cả thôn có hơn 70 ha đất sản xuất nhưng 55 ha là ở bên kia sông, và chiếc cầu tre là giao thông huyết mạch để người làng qua sông trồng cấy.

Ông Lê Lai, Chủ tịch UBND xã Điện Phong, cho biết người dân nơi đây vẫn mong lắm một chiếc cầu vững chắc để qua lại đôi bờ, làm ăn và chuyên chở hàng hóa dễ dàng hơn. Hiện địa phương có kế hoạch xây dựng một cây cầu kiên cố thay thế cho cầu tre dễ bị lũ cuốn trôi hàng năm. “Nhưng kinh phí địa phương còn hạn hẹp, người dân thì vẫn còn khó khăn trong cuộc sống, thế nên hiện tại người dân thôn Cẩm Đồng vẫn sử dụng chiếc cầu tre này là điểm giao thông chính để qua sông trồng trọt”, ông nói.

Và với một số người yêu thích vẻ đẹp mộc mạc trong khung cảnh đồng quê, cầu tre Cẩm Đồng từ lâu đã trở thành điểm đến cho những du khách khi đến với Quảng Nam. Những sớm bình minh hay buổi hoàng hôn, chiếc cầu tre in hình trên mặt nước lăn tăn, vẻ đẹp đơn sơ tựa như tấm lụa vắt qua dòng sông Vĩnh Điện.

Khi ánh hoàng hôn buông dần là lúc những người nông dân trở về nhà nghỉ ngơi sau một ngày vất vả. Và cứ thế, cầu tre Cẩm Đồng dần dần trở thành một địa chỉ nổi tiếng với những người đam mê nhiếp ảnh đồng quê đến ghi lại khoảnh khắc như tranh vẽ.

Bài và ảnh: Bùi Thanh Lang – Minh Ngọc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Trao sinh kế cho bà con Cơ Tu ở Tây Giang,...

0
(SGTT) – Không chỉ mang đến cho bà con Cơ Tu huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cái Tết ấm áp, những...

Tìm cách mở cửa ‘kho báu’ du lịch đại ngàn Quảng...

0
Du lịch vùng cao tỉnh Quảng Nam có rất nhiều điều hấp dẫn để mời gọi du khách khám phá, trải nghiệm. Nhưng nơi...

Quảng Nam: Ngư dân nghề ghẹ tất bật ra khơi

0
(SGTT) - Sáng mùng 10 và 11 tháng Giêng, các ghe tàu, thuyền hành nghề ghẹ ở phía Bắc tỉnh Quảng Nam đồng loạt...

Quảng Nam tung các gói kích cầu du lịch mùa hè

0
(SGTT) – Từ ngày mai, 1-6, đến hết ngày 8-6 hoặc đến khi hết khuyến mãi, du khách truy cập vào Fanpage Visit Quảng...

Kéo dài cuộc thi Vlog Du lịch Xứ Quảng

0
(SGTT) - Cuộc thi Vlog Du lịch Xứ Quảng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam tổ chức sẽ...

Hành trình ẵm trọn thiên nhiên Tây Giang vào lòng

0
(SGTTO) - Trekking (đi bộ leo núi) khám phá rừng pơ mu, ngắm ruộng bậc thang được “ôm” bởi dòng suối uốn lượn và...

Kết nối