Thứ Bảy, Tháng Chín 7, 2024

Vùng biển dã của ngư dân “chạy gió”

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Hầu hết ngư dân duyên hải miền Trung hễ nghe biển động là rầu, chỉ có ngư dân ở làng biển Sơn Hải (Ninh Phước, Ninh Thuận) nghe biển động là kéo nhau xuống Bãi Tràng, Mũi Dinh cắm trại trên bờ, chờ gió vơi là chèo thúng ra “hốt cá”. Ngư dân ở đây tự đặt biệt danh cho mình là “những kẻ chạy gió”.

Một mình một làng chài

Khách hỏi “chạy gió” nghĩa là sao, ông Phạm Văn Vằm, 54 tuổi, một ngư dân có ba mươi năm cắm lều bên bãi Mũi Dinh nhấp ly rượu gạo trong gió sớm, nheo mắt nói: “Là ngọn núi Mũi Dinh chia eo biển ở đây ra hai phần, một mặt nam gọi là bãi Chọ thì hứng gió nam từ tháng hai đến tháng bảy và mặt bắc thì dân địa phương gọi là bãi Tèng (tức bãi Tràng) hứng gió bấc tháng tám đến ra giêng. Ngư dân ở làng biển Sơn Hải nghe hướng gió mà chọn ngư trường: mùa gió nam thì đi pha, đi bạn cho tàu cá lớn phía bãi Chọ, đến mùa gió bấc lại về bãi Tràng đi thúng. Phía nào cũng nhiều tôm cá. Nhưng nói ra thì dị lắm, dân ở đây đi biển mùa gió bấc vẫn thích hơn, vì mùa ấy biển động nhiều, dòng nước xiết, tôm cá lũ lượt kéo vô tận mép sóng, chèo thúng ra một lý là no cá. Có đêm biển động, mỗi ghe thúng kiếm được vài ba triệu đồng là bình thường. Cho nên nhiều khi bị sóng đánh tơi tả, chao đảo sấp ngửa, mà nhiều người vẫn lao ra biển là vậy. Làm biển ở đây như giỡn nghịch với sóng gió vậy mà!”.

Dù ngư dân ở Bãi Tràng, Mũi Dinh chỉ thoáng vài ba liếp nhà nhưng cũng đủ gọi là một làng chài vì dân tứ xứ thường tấp vào đây “chạy gió”, đánh bắt... Ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên
Dù ngư dân ở Bãi Tràng, Mũi Dinh chỉ thoáng vài ba liếp nhà nhưng cũng đủ gọi là một làng chài vì dân tứ xứ thường tấp vào đây “chạy gió”, đánh bắt…
Ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên

Ba mươi năm trước, Mũi Dinh còn hoang dã, ông Vằm dắt vợ con từ làng Sơn Hải ra bãi Tèng cắm chòi ở. Dạo đó, dân Sơn Hải muốn đến Mũi Dinh phải đi bộ hai giờ đồng hồ qua những cồn cát lộng gió và nắng như đi qua sa mạc, buồn thiu buồn thít chứ không có đường sá xe cộ thoải mái như bây giờ. Cắm một túp lều, kiếm chiếc thuyền thúng, vợ chồng ông Vằm sớm tối thui thủi bên mép sóng. Lần lượt năm đứa con, ba trai hai gái ra đời. “Mấy đứa “lính” nhà tui khỏe lắm. Biển dã trong lành, tụi nhỏ cứ thon thót lớn, khỏe lắm!”, ông nói.

“Nhưng hiểm nguy biển dã thì sao mà tránh khỏi. Có hôm tui với thằng Cương, con trai thứ nhì đang đi lưới thì bị sóng to lật úp thúng. Thằng nhỏ mới có 12 tuổi, bơi yếu, chới với giữa biển. Tui sợ nó chết, phải vùng vẫy giành con với sóng dữ hàng giờ mới đưa được nó vô bờ”, ông Vằm lại vừa nói, vừa chiêu một ngụm rượu gạo. Bà Nguyễn Thị Sô, vợ ông nối tiếp bằng câu chuyện mùa bão năm 1995: “Lần đó sóng to như sóng thần. Cả nhà tui dắt díu nhau leo lên ngọn đồi Mũi Dinh xin trú qua đêm ở nhà đèn (hải đăng). Sớm mai về thấy cảnh trống huơ trống hoác. Sóng đưa nhà cửa của cải ra biển hết. Lại phải chặt cây cắm cọc dựng lại nhà…”. Nhưng chính ông bà cũng không hiểu vì sao mình không rời được bãi Tèng.

Bây giờ thì đường sá đi lại thuận tiện hơn, người làng Sơn Hải đến ở lại bãi Tràng đánh bắt nhiều, đời sống đỡ quạnh quẽ. Vợ chồng ông Vằm xây được căn nhà nhỏ hướng mặt ra biển, để tủ bán đồ tạp hóa, cà phê, nhu yếu phẩm cho người đi biển, rồi nuôi được một chuồng 70 con bò và 50 con dê. Lũ bò, dê thì cứ thả lên đồi tự kiếm cỏ, lá ăn, chiều no kềnh thì trở về nhà uống nước rồi ra bãi cát mà nằm ngủ, không cần phải chăn.

Lang thang dưới làng chài, tôi gặp hai ngư dân đang gỡ lưới cá sau chuyến đi thúng từ rạng sáng. Vừa gỡ lưới, anh Giáp, 41 tuổi, vừa nói vui: “Chạy theo gió thì cũng cực, chìm lên ngụp xuống. Nhưng cái đời mình thì gắn với nghề này rồi, cứ phải chao đảo trên đầu ngọn sóng, khổ thì có khổ nhưng cũng đủ nuôi con cái ăn học. Có điều tụi nó thấy cái nghề của cha mẹ khổ quá, không dám nối gót. Lớn lên đứa nào cũng ra phố kiếm việc mần thuê kiếm sống chứ chẳng chịu đi biển”. Nơi đây, chắc nhiều ngư dân nghèo gắn với bãi Tràng cũng có chung tâm sự như anh Giáp.

Cả bãi Tràng nay chỉ có vài ba liếp nhà và lán trại nuôi bò, dê lụp xụp nhưng cũng có thể gọi là một làng chài, cũng có lăng để dân biển thờ cúng cá Ông Nam Hải, cũng có cái tương quan trong lao động biển dã, có nghĩa tình xóm giềng, tứ chiếng của những ngư dân biết sống chan hòa. “Tui ở đây mấy chục năm, tiếp không biết bao nhiêu lượt khách đến, khách đi. Người đi khơi ở Phú Yên, Khánh Hòa cũng thường tấp vô đây ở lại khi gió to sóng lớn. Trời cao biển rộng, gặp gỡ nhau là cái duyên, đem cái chân tình ra mà đối đãi hào sảng là vui rồi. Còn an ninh ư, chú nghĩ coi, ở mấy chục năm mà chưa từng mất một cái gì, đồ đạc để đâu thì còn đó, chẳng có trộm cắp lọc lừa. Nghĩ vậy mà con cái lấy vợ lấy chồng, đẻ ra mười lăm đứa cháu, tụi nó vô phố, vô làng ở còn vợ chồng già thì vẫn bám bãi Tràng mà sống cho yên cái thân”, ông Vằm tâm sự.

[box type=”bio”] Địa danh Mũi Dinh hơi khó giải, bởi trong sách Đại Nam nhất thống chí xưa ghi là Diên/Diên Chủy. “Núi Mũi Diên: Diên Chủy [nay là núi Mũi Dinh trong phần đất thuộc Ninh Thuận], ở phía Đông Nam huyện Tuy Phong [lúc này phần đất Nam sông Ma Bố trở vào sông Duồng tên huyện là Tuy Phong thuộc phủ Ninh Thuận]. Chân núi có chín khúc hình như các ngón tay, nằm ngang trên bãi biển, chỗ ấy nước biển chia đường, một đường chảy về Bắc, một đường chảy về Nam, chảy rất xiết, thuyền ghe qua đấy phải cẩn thận. Phía Nam có đầm Vũng Diên [vịnh bãi Cà Ná], gặp gió nam thì thuyền có thể đỗ yên được”.

(Theo Ninh Thuận Tourist)[/box]

Chuyện trên hải đăng cổ

Điệp trùng những đồi đá dựng, bạt ngàn dãi cát mịn trắng phau trải dài qua những rẻo đồi rồi xuôi về biển xanh, cảnh sắc đẹp như mộng đó đã khiến dân phượt đồn đãi nhau rằng, nếu chưa đến bãi Tràng Mũi Dinh thì chưa biết gì về phượt biển là vậy. Nhưng đến bãi Tràng rồi thì phải khám phá hải đăng cổ mới là trọn vẹn hứng thú.

Nắng chói chang sắp đứng đỉnh đầu, tôi quyết định chinh phục ngọn đồi trước mặt để khám phá ngọn hải đăng Mũi Dinh. Vì nhìn ngọn hải đăng trước mắt thật gần, nên tôi chẳng chuẩn bị thức ăn gì trên đường, trên tay chỉ cầm một chai nước khoáng uống dở. Không ngờ, con dốc đứng lên đồi đã vắt kiệt sức lực. Cứ đi được một đoạn, tôi lại tìm phiến đá ngồi nghỉ chân và nhìn xuống bãi Tràng. Màu biển xanh ngắt, những đồi cát thoai thoải, những bãi đá hoang sơ, những vực sóng cao ngất lộng gió và bầy dê nhởn nhơ vặt lá trên những hòn đá dựng… Cảnh đẹp nguyên sơ bay bổng như bức tranh phi thực đó đã khiến cho tôi không khụy ngã vì cơn đói. Cuối cùng, trải qua gần 45 phút leo dốc, tôi cũng lết tới nơi. Ngọn hải đăng cổ hiện ra trước mắt, sừng sững, cổ kính như một tòa tháp hướng ra biển xanh ngắt chẳng khác cảnh tượng một góc nào đó ở Địa Trung Hải mà tôi có dịp xem trong những tấm post card.

Tôi gặp Tuấn Anh và Xuân Hương, hai bạn trẻ trong hội phượt (phuot.vn) đang loay hoay dọn đồ khô ra dùng bữa dưới ngọn hải đăng, bèn đến bắt chuyện làm quen và được mời dùng bữa chung. Tuấn Anh say sưa kể về những góc ảnh đẹp mà anh vừa săn được trên đường, rồi đây sẽ chia sẻ với nhiều người với sự hứng thú mỹ mãn.

Anh Phạm Văn Cơ, sinh năm 1968, là trạm trưởng hải đăng, tiếp khách xa dưới chân tháp đèn có tuổi đời hơn một thế kỷ – theo tài liệu thì ngọn hải đăng được đưa vào sử dụng vào năm 1904, năm xây có thể là 1890. Anh Cơ kể, thời kỳ đầu, bóng đèn được thắp sáng bằng dầu đặt trên thủy ngân, có quả tạ xoay, nhưng hiện nay tất cả đã chuyển sang điện lưới và điện năng lượng mặt trời do trạm tự sản xuất. Bóng đèn trên ngọn tháp có độ phủ 26 hải lý giúp tàu bè định hướng hải trình. Ngọn đèn ở Mũi Dinh có đặc tính chớp là 2 + 1 chu kỳ 20 giây. Tháp đèn xây bằng đá granit cao 186 m so với mặt nước biển.

“Nhà ở làng biển Sơn Hải. Năm 1985, đang học lớp 10, tôi nộp đơn xin dự tuyển vào trạm hải đăng làm. Mũi Dinh thời đó còn hoang vắng lắm. Những ai đến hải đăng làm được người làng coi là “đi đảo”. Phần vì buồn, phần vì lương thấp nên kiếm được một ngư dân chịu “đi đảo” là vô cùng khó khăn. Nhưng tôi đã đi, một phần vì thích đời sống mạo hiểm. Tôi còn nhớ cảm giác những ngày đầu, cứ chiều chiều nhớ nhà, ngồi trên mỏm đá nhìn về Bãi Tràng, chỉ thấy hai chòi lá buông của dân câu mực đêm sáng đèn hiu hắt, quang cảnh buồn bã lắm. Thời đó, thanh niên ở trạm đèn có khi suốt một năm không thấy bóng đàn bà nên anh nào cũng ngoài 35 tuổi mới lấy được vợ. Nhưng chỉ buồn thời gian đầu, rồi cũng quen. Sau này trạm tuyển nhiều anh em tứ xứ đến, người Bắc có, Nam có… sống với nhau chan hòa. Chúng tôi đi lại thân thiết với ngư dân… dần dần vơi bớt cái cảm giác “ở đảo”. Có bão tố, vài hộ dân kéo lên trạm đèn tá túc, chiều chiều anh em trạm đèn lại kéo xuống bãi cát dựng lưới đánh banh…”, trạm trưởng Cơ kể.

Cái nghề làm nhân viên trạm hải đăng thì cũng rày đây mai đó theo điều chuyển của tổ chức (Tổng công ty Đảm bảo an toàn hàng hải Miền Nam) nhưng thấy anh em gắn bó với trạm đèn Mũi Dinh thì có vài người lấy vợ địa phương, sống đoàn kết với nhau nên lãnh đạo cho giữ lại làm khá bền vững. “Những ngày gió lớn, bước ra trời là lạnh buốt đầu nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo cho đèn hoạt động tốt, cứ 5 giờ chiều mở đèn, đến trời sáng thì đèn tự tắt, chúng tôi cử người trực lên lau chùi và thả màn. Công việc thì đơn giản, trước thì khổ vì xa nhà, xa vợ con nhưng giờ có điện thoại, có điều kiện đi lại nên cũng đỡ, lương lá đủ sống”, anh Cơ nói.

Niềm vui của anh em trạm hải đăng Mũi Dinh là lâu lâu có khách xa đến tham quan, thăm hỏi chuyện trò. Hiếu khách, vui vẻ nhưng vì chưa có cơ chế phát triển du lịch, cho nên anh không thể đón khách ở lại trạm đèn qua đêm vì sợ rủi ro.

Ai đó nói rằng rồi đây Mũi Dinh sẽ phát triển theo hướng dịch vụ du lịch xanh, nghe ra hoàn toàn hợp lý với một tỉnh du lịch còn chưa tương xứng với tiềm năng tài nguyên. Nhưng cũng nghe phong thanh rằng, vì nằm quá gần khu dự án điện hạt nhân nên ước mơ cất cánh du lịch biển cho Mũi Dinh có thể sẽ trở nên viển vông.

Chiều xuống. Từ trạm đèn nhìn về làng chài Bãi Tràng, mấy liếp nhà lên đèn thiu thắt. Gió thổi lồng lộng theo bước chân người lữ khách rời ngọn đồi và đi về phía cồn cát đang biến hình trước những cơn gió táp. Có tiếng bò, dê gọi bầy ậm ừ buồn bã phía chân đồi. Có giọng hò ai đó cất lên trên âm hưởng của sóng:

Hò ơ… Mũi Nậy bảy bị còn ba

Mũi Dinh chín bị không tha bị nào (*)

(*) Câu ca dao nói về kinh nghiệm đi biển của dân ghe bầu xưa: nếu ngang qua Mũi Nậy (Phú Yên) gặp mùa gió chướng, hễ đem bảy bị gạo thì phải ăn hết ba bị mới đi tiếp được, còn ngang qua Mũi Dinh mà gặp gió chướng thì đem chín bị gạo có khi ăn hết cả chín mà chưa chắc qua được bởi vì nơi đây có sóng to, dòng nước ngầm chảy xiết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Biển ngàn đời, chợ cũng bao đời

0
Tư Miền Biển Khách du lịch đến Nha Trang có thể gặp những con đường mang tên Bến Cá, Hàng Cá, Bến Chợ ngay giữa...

Cây tỏi cô đơn

0
Hoàng Việt Hằng Có một người ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) ra Hà Nội mưu sinh mang theo cây tỏi một tép mà dân...

Lạc nghiệp với nghề đóng thúng chai

0
Nguyễn Vinh 30 năm nay, ở xóm Gò (Đông Hải, Phan Rang, Ninh Thuận) có ông Bảy Nam nổi tiếng với nghề làm thuyền thúng...

Nạo vạn nơi vùng biển địa đầu

0
Khánh Tường Người dân Trà Cổ ở địa đầu Tổ quốc gọi nghề cào ngao (nghêu) trên vùng biển giáp biên với Trung Quốc bằng...

Duyên nợ với ghe bầu

0
Thanh Quang Ghe bầu – loại thuyền buồm đi lại trên biển, nhờ đó mà xưa kia xứ Đàng Trong phát triển mạnh giao thương...

Người không bán giấc mơ

0
Nam Thụ Gầy và đen như một nông dân chính gốc, khó ai nhìn ra anh là họa sĩ Trần Hùng, một giám đốc nghệ...

Kết nối