Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Say và chết lặng ở Esfahan

 Nguyễn Chí Linh

Tôi bị “chìm” trong biển sắc màu và chẳng muốn rời một bức họa nào trong cung điện hoàng gia Chehel Sotoun ở thành phố Esfahan – Iran. Chúng quá đẹp bởi sự pha lẫn giữa nghệ thuật vẽ tranh Fesco trên giấy dầu cùng với nghệ thuật Graffiti trên đất sét trắng. Những bức tranh là hình ảnh còn sót lại của nền văn hóa Ba Tư rực rỡ khi dòng chảy lịch sử đang bị cuốn phăng theo thời gian.

Cố đô Esfahan còn có tên gọi khác “Nesf – e – Jahan” mà trong tiếng Ba Tư có nghĩa là “Một nửa của thế giới”. Cụm từ đó cũng chẳng sai chút nào với tôi khi tôi đặt chân đến đây. Esfahan vẫn giữ lại cho mình những nét rêu phong cổ kính cùng với thời gian qua những kiến trúc, hoa văn tuyệt đẹp mang đậm sắc màu Ba Tư trong các thánh đường Hồi giáo, nhà tắm công cộng, cung điện hoàng gia, hay những tiếng lộc cộc sớm trưa của những chú ngựa trên những con đường đá cuội ở quảng trường trung tâm thành phố.

Vank – một Vatican của người Ba Tư

Những hàng bạch dương dọc theo phố liêu xiêu trong ngọn gió đông khiến tôi muốn ngắm nhìn mãi. Mùa đông cũng có nét đẹp riêng của nó với những ngọn cây khẳng khiu không một chiếc lá vươn lên trời xanh. Thỉnh thoảng, một vài trái hồng chín đỏ ối trong vườn nhà ai chưa kịp rụng lập lòe như đốm lửa lại mang đến chút cảm giác ấm lòng. Tôi đang men theo những con đường lát gạch cổ kính để đến nhà thờ Thánh Savior của người Armenia, nơi được xem là Vatican của người Ba Tư.

IMG_7703---Copy

Cuộc chiến giữa đế chế Ottoman của người Thổ dẫn đầu là vua Sultan Ahmed I và đế chế Safavid của người Ba Tư dẫn đầu là vua Abbas I đã diễn ra từ năm 1603 đến năm 1618. Giữa cuộc loạn lạc đó, người Thổ cương quyết không cho những người Armenia đang sinh sống trên đất của mình bằng nhiều biện pháp hà khắc khác nhau. Đoàn người Armenia trở nên bơ vơ và lạc loài giữa cuộc chiến. Vua Abbas của người Ba Tư quyết định mở rộng vòng tay chào đón đoàn người Armenia đến Esfahan sinh sống dù những người Armenia theo Thiên Chúa giáo.

Nhà thờ Vank hay nhà thờ Thánh Savior là nhà thờ Chính thống giáo đầu tiên được xây dựng trên vùng đất Hồi giáo Ba Tư vào năm 1606 dưới sự giám sát của cha xứ David. Trong ngôn ngữ của người Armenia, “Vank” còn có nghĩa là “tu viện”. Kiến trúc bên ngoài của nhà thờ và các điêu khắc trang trí bên trong là sự pha lẫn đậm sắc của nền văn hóa Ba Tư và văn hóa Lưỡng Hà. Tôi ghé qua đài tưởng niệm theo kiến trúc của nền văn minh Lưỡng Hà đặt trong công viên nho nhỏ phía góc trái của tu viện. Nơi đó ghi lại 2 triệu người Armenia đã ngã xuống do cuộc loạn lạc bởi người Thổ vào năm 1916. Một vài người Armenia đã bật khóc khi đến đây, họ khóc cho thân phận của người Armenia và nỗi đau của chiến tranh, tự nhủ lòng phải sống đoàn kết nơi đất khách quê người.

Nghệ thuật vẽ Graffiti trên đất sét trắng phối hợp với vàng thật trong cung iện Chehel Sotoun.
Nghệ thuật vẽ Graffiti trên đất sét trắng phối hợp với vàng thật trong cung iện Chehel Sotoun.

Tôi bắt đầu “say” về văn hóa của người Armenia khi bước vào bảo tàng nhỏ nằm xéo góc với tu viện cạnh đài tưởng niệm. Nơi đó, lưu giữ tất cả những kỷ vật thuộc về văn hóa mà đoàn người lữ hành mang theo khi di chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Esfahan. Đó là những quyển kinh thánh vẽ hình màu đơn sơ được viết vào những năm 1400 còn lem nước mưa hay bị rớt đâu đó trên đường đi tìm vùng đất mưu sinh. Đó là những xâu chuỗi lần kinh hay những cây thánh giá làm từ gỗ quý, đó là những bức tranh sơn dầu tuyệt đẹp được vẽ bởi những họa sĩ tài ba của người Armenia về Chúa Jesus hay những vị vua của vùng đất sa mạc nắng gió nằm bên bờ biển Đen, đó là những mảnh gốm bị vỡ mà khi ghép lại chúng tạo thành bức tranh đầy sắc màu họa tiết mô tả cuộc sống thường nhật của người Armenia…

Tôi đứng xếp hàng chờ đợi để được ghé mắt vào kính hiển vi xem nghệ thuật viết chữ trên tóc, một nghệ thuật bậc thầy của ngài Vahram Hakopian, cũng là người đưa ra bộ chữ cái Alphabet để sử dụng trong ngôn ngữ của người Armenia. Ông sử dụng ngòi bút đầu kim cương viết chữ trên những sợi tóc dài của người phụ nữ có tuổi đời 18-22. Đoạn chữ dài 7 mm là một câu kinh thánh với kích thước chữ nhỏ hơn 0,1 mm.

Bức tranh thiên đàng và địa ngục trong nhà thờ Vank.
Bức tranh thiên đàng và địa ngục trong nhà thờ Vank.

Bên ngoài lối chính vào tu viện, trên những trần nhà, những bức tranh được điêu khắc trực tiếp vào đá. Bên trong tu viện, những bức tranh lại được vẽ trên giấy dầu. Chúng là sự hỗn hợp văn hóa giữa Armenia và Ba Tư. Những thiên thần được vẽ theo mô-típ của người Armenia và những bức tranh nói về cuộc đời Chúa Jesus hay vườn Địa Đàng được vẽ theo mô-típ Minature của người Ba Tư. Vẫn chưa quên nỗi đau với người Thổ, một vài bức tranh được vẽ để miêu tả họ đã rời Thổ Nhĩ Kỳ như thế nào bởi đế chế Ottoman xen lẫn giữa những câu kinh thánh được dát bằng vàng thật. Mọi người đều đổ dồn về bức tranh diễn tả “Thiên đàng, trái đất và địa ngục” nằm ngay lối vào, nó là hình ảnh tái hiện bức tranh được vẽ bởi thiên tài Michelangelo ở thánh địa Vatican. Người Ba Tư gọi nhà thờ Vank là một Vatican cho chính họ là vậy.

Trên chính điện, hình ảnh các cha xứ lần chuỗi cầu nguyện hòa lẫn trong tiếng chuông thánh thoát vang lên từng hồi mang lại thần thái nhẹ nhàng và tôi dùng dằng khi phải rời xa những bức tranh tuyệt đẹp…

Những chiếc bình bạc phục vụ cho các hoàng đế Ba Tư xưa kia được tìm thấy ở Esfahan.
Những chiếc bình bạc phục vụ cho các hoàng đế Ba Tư xưa kia được tìm thấy ở Esfahan.

 Trong thế giới sắc màu

Những cơn gió mùa đông khiến tôi không cảm thấy mệt khi lang thang qua những công viên hay những dãy phố dài hun hút để đến cung điện Chehel Sotoun. Cảm giác được ngắm nhìn thỏa thích những bức tranh được vẽ theo nghệ thuật Graffiti của người Ba Tư khiến những bước chân của tôi thăn thoắt và nhanh hơn.

Trong tiếng Ba Tư, “Chehel Sotoun” có nghĩa là “40 cây cột” được xây dựng bởi vua Shah Abbas II vào năm 1647 sau khi lên ngôi năm năm. Ông là vị vua thứ 7 của triều đại Safavid và lên ngôi khi mới được 10 tuổi. Chehel Sotoun được xây dựng làm nơi dành cho Shah Abbas II tiếp khách quý đến từ các quốc gia lân cận.

Tôi bị cuốn hút theo nét rêu phong, trầm mặc theo thời gian của những hàng cột trước phía sảnh lớn. Đầu cột được điêu khắc những hoa văn đặc trưng của Ba Tư, trần nhà cũng ngập những sắc màu hoa văn. Những cây cột trung tâm được đỡ trên bệ điêu khắc bốn con sư tử bằng đá cẩm thạch trắng. Nó là biểu tượng thể hiện sức mạnh của các vương triều Ba Tư. Chỉ có 20 cây cột, nhưng cung điện được gọi là “40 cây cột” bởi mỗi khi chiều buông, 20 cây cột soi bóng xuống đài phun nước thành số lượng gấp đôi. Những bức tượng điêu khắc hỗn hợp theo hai trường phái Ottoman của người Thổ và Mughal của người Ấn đặt dọc theo đài phun nước cũng đã khiến tôi đủ… chết lặng người!

. Trang trí tuyệt đẹp trên trần nhà trong tu viện nhà thờ Vank.
. Trang trí tuyệt đẹp trên trần nhà trong tu viện nhà thờ Vank.

Khoảng trống tiếp nối giữa sảnh lớn và cung điện như minh chứng sự giàu có của vị vua Ba Tư này. Trần nhà thiết kế đậm chất kiến trúc Ba Tư và chúng óng ánh sắc vàng thật hay long lanh phản chiếu bởi những mảnh pha lê trắng. Tôi như chìm trong biển sắc màu tuyệt diệu của những bức tranh theo nghệ thuật Fesco và Graffiti bên trong cung điện.

Trên con đường tơ lụa nối liền Á-Âu, nghệ thuật Fesco và Graffiti từ những nền văn minh Địa Trung Hải đã đến Ba Tư và thịnh hành từ thế kỷ 4. Có khá nhiều họa sĩ thành danh từ thế kỷ 4 đến đầu thế kỷ 11 dưới thời ngự trị của hoàng đế Shah Abbas như Siavash Gorji, Sadeghi Beig, Reza Abbashi và Aqa Reza. Đến giữa thế kỷ 11, một lớp họa sĩ khác đã thành danh khi lớp đàn anh mở trường dạy học, trong đó hầu hết đều ảnh hưởng đến trường phái của Reza Abbashi và các bức vẽ Graffiti trong cung điện Chehel Sotoun cũng đều theo trường phái này.

Là những người yêu thích nghệ thuật, các vị vua Ba Tư thường mời các họa sĩ lừng danh của châu Âu để giao lưu và học hỏi. Từ giữa thế kỷ 11, nghệ thuật Fesco và Graffiti ở Ba Tư lại bị ảnh hưởng trường phái Farangisazi thịnh hành lúc bấy giờ ở châu Âu. Một vài vị quan chức đi sứ từ các quốc gia lân cận như Ấn Độ, Syria yêu thích nghệ thuật vẽ tranh Fesco và Graffiti đóng góp vào khiến những bức tranh được mang sắc màu đa dạng hơn. Tuy nhiên, trường phái Reza Abbashi vẫn là trường phái chủ đạo của người Ba Tư.

Dọc theo hai hành lang, trên trần nhà là những bức tranh Fesco to lớn diễn tả về quá khứ hào hùng của các vị vua Ba Tư trước đế chế Ottoman hay những vị vua Uzbekistan, Ấn Độ… bằng những trận chiến xáp lá cà, hay những nghi thức diễn ra khi vua tiếp đón các vị vua láng giềng đến thăm viếng, mà những nghi thức này tôi chỉ biết qua câu chuyện Nghìn lẻ một đêm. Bên dưới các bức tranh Fesco lớn là những bức tranh nhỏ vẽ theo nghệ thuật Graffiti mô tả về cuộc sống thường nhật của hoàng gia.

Tôi cứ lặn ngụp trong thế giới nghệ thuật của sắc màu và dường như không có lối thoát; cứ “say” rồi lại “chết lặng” đi bởi chúng quá đẹp qua những nét vẽ sinh động, điêu luyện của những họa sĩ tài ba xứ Ba Tư.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Độc đáo giếng cổ Gio An

0
Trần Bình-Mai Lĩnh Quảng Trị, vùng đất một thời đạn bom máu lửa, sau gần nửa thế kỷ chiến tranh lùi xa, ngày nay...

Đến đây diện kiến con người

0
Hạnh Phúc Công viên tượng Vigeland luôn là địa điểm thu hút du khách hàng đầu tại Oslo (Na Uy). Không phải vì trời...

Lạc lõng giữa văn minh

0
 Trần Minh Thế giới bao la này đã trở nên nhỏ bé. Trái đất rộng lớn này đã trở nên chật hẹp. Trên bầu trời...

Chuyện tử tế ở xứ kim chi

0
 Anh Kiệt Hơn mười ngày đi phượt trên đất nước Hàn Quốc – xứ sở kim chi, chúng tôi không chỉ đắm say trước cảnh...

Vàng son một thời của dòng gốm cổ

0
Khâm Hảo Duyên(*) Tự ngàn xưa đã hình thành những làng gốm nổi tiếng một thời ở miền Trung, kéo dài từ Quảng Ngãi, Bình...

Thư cuối năm gửi con gái

0
BS. Phan Trung Vân Nếu đời người cũng có xuân hạ thu đông như bao năm tháng thì đây là bức thư cuối năm ba...

Kết nối