Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Về hưu

LÊ TRIẾT –

1. Bước qua tuổi 50, chị xin nghỉ việc cơ quan dù còn vài năm nữa mới đến tuổi hưu. Sợ mẹ ở nhà buồn, cậu con trai 24 tuổi mang về bộ TV box cùng dàn loa kết nối với ti vi để mẹ có thể xem phim, nghe nhạc, giải trí những lúc rảnh rỗi. Nghe con trai mô tả, chị hiểu đại khái là thông qua cái thiết bị nhỏ xíu để trên kệ kia chị có thể xem được trên màn hình ti vi tất cả thứ gì mà người ta đưa lên mạng. Có sẵn một kho phim được cập nhật để tha hồ lựa chọn. Rồi còn những chương trình ca nhạc, giải trí, dạy nấu ăn, những đoạn video vui vui được tải trên YouTube… Cậu con trai nói thêm: “Muốn tìm thêm gì nữa mẹ cứ search (tìm kiếm) trên Google. Tóm lại là có đủ thứ để thư giãn, không lo về hưu bị buồn chán”.

Thú vị thật, chị nghĩ vậy. Không phải chị mới được vỡ lòng về Internet, hồi còn đi làm việc chị vẫn thường xuyên lên mạng tìm thông tin, tư liệu, hoặc vẫn trao đổi e-mail mỗi ngày. Nhưng có lẽ chị lạc hậu trong thế giới mạng mà những người trẻ như con trai chị quan tâm. Trở lại với bộ TV box và dàn loa kết nối ti vi, thật ra, chị không có nhu cầu nhiều như vậy, chỉ cần có phim xem giải trí, hoặc thỉnh thoảng nghe lại những bài nhạc xưa là được rồi. Trong đầu chị hình dung, buổi tối cả nhà bốn người sẽ quây quần ở phòng khách cùng xem phim, nghe nhạc với nhau.

SGTT_Xuan-2016-Mong-manh-thuc-ao

Nhưng, chẳng có ai cùng xem phim như chị hình dung. Cậu con trai sau giờ làm là đi suốt đến khuya; cô con gái 19 tuổi ăn cơm chiều xong là cứ rúc trong phòng, học bài hoặc mải chat với đám bạn; còn ông chồng thì giỏi lắm xem hết phần chương trình thời sự. Rủ con gái mở TV box xem phim, con gái cười khì: “Phim cũ rồi người ta mới đưa lên đây. Muốn coi phim mới, phim bom tấn, mẹ phải ra rạp. Với lại, coi phim ở rạp mới có không khí. Rạp bây giờ không giống rạp như thời của mẹ ngày xưa”.

2. Thỉnh thoảng, chị cũng trao đổi e-mail với một người đồng nghiệp cũ nay đã định cư ở Mỹ. Qua e-mail cho thấy người đồng nghiệp của chị nắm rất rõ thời sự trong nước ngoài nước, chuyện tây chuyện ta, kể cả chuyện bên tận… châu Phi. Chẳng lạ, vào Intenet là biết hết! Nhưng rồi anh cũng nắm vanh vách sự tình của những người bạn trong nước, những người làm việc chung cơ quan hồi trước. Chị hỏi, anh cười: “Thì mọi người đều chia sẻ trên Facebook cả đó thôi. Em mở cho mình một cái Facebook cá nhân đi!”.

Con gái hướng dẫn cho mẹ tạo một tài khoản Facebook. Cô sinh viên năm hai chỉ mẹ tỉ mỉ từ cách đăng hình đại diện, đặt dòng trạng thái, post hình ảnh, mời kết bạn, cho đến cách like (thích), comment (bình luận)… Cô cũng không quên nhắc mẹ: “Con không add friend (kết bạn) với mẹ đâu nha, mẹ khỏi mời”. Chị gỡ gạc: “Ai thèm! Mẹ cũng nhiều bạn vậy”. Thật lạ, thông qua Facebook con gái có thể chia sẻ suy nghĩ, tình cảm với bạn bè, nhưng với mình thì nó lại không sẵn sàng – chị nghĩ. Có phải trong cái thế giới nửa ảo nửa thực này, người ta lắm lúc “bốc” quá mức so với đời thực nên không muốn chia sẻ với những người vốn quá rành về mình – như mẹ với con?

Người bạn đồng nghiệp định cư bên Mỹ giờ đã đưa chị vào friend list (danh sách bạn bè) trên Facebook cá nhân của anh. Thông qua anh, chị đã gặp lại (trên mạng) khá nhiều người quen cũ, những đồng nghiệp hồi trước. Và, tất cả đã “add friend” để trở thành bạn bè của chị trên thế giới ảo sau khi đã là bạn bè trong thế giới thực. Cũng đỡ buồn. Tưởng rằng về hưu rồi sẽ ít điều kiện gặp nhau nhưng bây giờ thì có thể “gặp” nhau mỗi ngày, có thể trao đổi với nhau bao nhiêu là chuyện.

3. Trong nhà, có vẻ có anh là không mấy hào hứng. Có hôm anh đứng nhìn vợ con mà thấy ngồ ngộ. Sau bữa cơm tối, ba mẹ con ngồi “quây quần” bên nhau, và mẹ thì ôm máy tính bảng chăm chú đọc news feed (cập nhật câu chuyện) trên Facebook, còn con gái, con trai cũng đang cắm cúi vào smartphone, chắc lại Facebook hoặc chat chit gì đó.

Nhưng, hình như anh cũng vậy. Cơm nước xong xuôi là anh vẫn hay mở máy tính, lướt web xem tin tức nơi này nơi nọ, hết “lề phải” lại lật qua “lề trái”. Có vẻ, một không khí gia đình thật “êm thắm”, không chút ồn ào.

Chợt nhớ, trên mạng cũng từng chia sẻ một tấm ảnh khá ấn tượng. Tấm ảnh được chú thích “Họp gia đình em đó” và trong ảnh là 9 người – già trẻ, lớn bé, trai gái – không rõ đang đọc gì trên smartphone nhưng trông họ rất tập trung. Tấm ảnh có thể dàn dựng, có thể không. Nhưng qua đó, dường như muốn nói rằng nhiều người không khéo đang thu mình vào thế giới riêng và ảo nào đó mà quên đi đời thực, không khéo những người thân đang rất gần mà lại đang rất xa cách…

***

Có điều, anh nghĩ tiếp, hơn 25 năm làm việc giờ “về vườn” làm sao chị không khỏi thấy buồn. Vậy thì có công nghệ, có mạng miếc như thời nay con người sẽ phần nào bớt cảm thấy trống trải. Ít ra, cái TV box, cái dàn loa nghe nhạc cũng giúp chị thư giãn khi cả nhà đi vắng, đi làm; cái Facebook phần nào cho chị niềm vui giao lưu, gặp gỡ bạn bè.

Anh chỉ nói với chị: “Bà ạ! vẫn còn tò mò với cái mới như bà là quá hay, nó giúp bà không lạc hậu với thời đại. Nhưng cái gì cũng có hai mặt. Công nghệ chỉ là phương tiện, còn cứu cánh – mục tiêu cuối cùng – là phải hướng tới cuộc sống đời thực này”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nhà nước có cần giải cứu các dự án BOT giao...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại tám dự án BOT giao...

Trải nghiệm trekking, cắm trại trên đồi cỏ Phước Bình

0
(SGTT) - Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Ninh Thuận, Vườn quốc gia Phước Bình (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) nổi tiếng với...

Kích cầu du lịch nội địa dễ ‘mất đà’ khi vé...

0
(SGTT) - Mùa hè 2024 sắp đến, du lịch quí 1 có nhiều khởi sắc, tăng tưởng so với cùng kỳ năm ngoái, tuy...

Trưa nay ăn gì: Bữa trưa quốc tế với món Gaeng...

0
(SGTT) – Trong nhiều món ăn truyền thống của người dân Thái Lan, Gaeng Keow Wan Kai được nhớ đến bởi từng thớ thịt...

Thái Lan: Áo thun từ vảy cá, nội thất từ gỗ...

0
(SGTT) - Gom vảy cá làm chất liệu may áo thun, thu thập những chiếc áo khoác da cũ để thiết kế giày hay...

Danh thủ Dunga, Rivaldo đến Đà Nẵng giao lưu, cùng kích...

0
(SGTT) – Trong tháng 4 này, các danh thủ Brazil nổi tiếng một thời như Dunga, Rivaldo, Lucio, Ze’ Carlos, Giovanni, Kleberson, Edmilson, Paulo...

Kết nối