Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Bớt đi một cái like!

MỸ NGUYỄN –

Gửi con gái,

Hẳn cũng hơn 20 năm rồi ba không còn cặm cụi ngồi viết những lá thư tay. Những ngón tay từ lâu đã quen gõ, quẹt, bấm nay cầm bút mà cứ run run, từng con chữ như nhảy múa, chẳng ngay hàng thẳng lối như thuở nào. Thế nhưng hôm nay ba vẫn cố viết cho con những dòng chữ này, vì muốn nhắn nhủ với con một điều: cả nhà mình hãy bớt phụ thuộc vào chiếc điện thoại, vào cái máy tính để dành thời gian quan tâm đến nhau nhiều hơn.

Ba cũng không còn nhớ rằng từ lúc nào ba xem chuyện ba mẹ và chị em con mỗi người “ôm” một chiếc điện thoại “mọi lúc mọi nơi” là chuyện bình thường. Nhìn quanh mình, từ anh em đến bạn bè, đồng nghiệp, hầu như nhà nào cũng vậy.

52

Thế rồi hôm qua con làm cháy cái áo mới con mua tặng ba nhân ngày sinh nhật, chỉ vì con tay ủi áo mà mắt lại chăm chăm vào màn hình điện thoại, còn tay kia thì thoăn thoắt bấm. Lúc đó ba đã rất bực mình, muốn đập vỡ chiếc điện thoại nhưng rồi đã kịp kiềm chế cơn nóng giận. Một phần cũng hơi tiếc chiếc điện thoại đắt tiền, nhưng quan trọng hơn, trong cơn nóng giận đó ba chợt nhận ra mình cũng đã từng, thậm chí rất nhiều lần mắc phải những lỗi lầm như con.

Mới tháng trước đây thôi, ba đổi chiếc điện thoại mới và say sưa với nó. Một tối, sau khi xem chương trình thời sự, theo thói quen ba lại “ôm” điện thoại lên giường tiếp tục lướt web, rồi like, comment, inbox với bạn bè trên Facebook. Đang chăm chú thì em con bước vào nhờ giảng giúp bài toán, ba thản nhiên: “Con nhờ chị Hai nhé”. “Chị Hai đang chat mà ba”. “Vậy con nhờ mẹ đi”. “Mẹ đang làm gì trên iPad ấy”. “Ừ, con chờ ba chút nhé”. Một chút của ba là đến tận 10 giờ. Lúc ba sực nhớ thì em con đã ngủ gục tự lúc nào bên chiếc máy tính bàn với màn hình “game over”. Bài toán, nó vẫn chưa tìm ra đáp số. Mẹ thì đang chăm bẵm vào cái máy tính bảng, con thì vẫn miệt mài với chiếc điện thoại. Còn em con, chắc cũng đã chán chê với Angry Bird, Flappy Bird… Dù chuyện này chẳng phải thường xuyên xảy ra, nhưng đó là sự vô tâm khó có thể chấp nhận.

Con có nhớ là từ lúc nào nhà mình bỗng nói chuyện với nhau bằng những ứng dụng miễn phí không? Ba nhờ mẹ mở giùm máy bơm nước qua Viber; mẹ gọi ba ăn cơm qua Line; con giảng bài cho em với Zalo; ba trò chuyện với con trên Facebook, rồi khi ông Mark Zuckerberg cho gọi điện miễn phí thì ba con mình lại vô cùng hứng thú với trải nghiệm mới, tha hồ “phôn” dù chỉ ở cách nhau vài bước chân. Với ông bà thì nhà mình thưa dần những buổi thăm viếng vì đã có FaceTime hỗ trợ, đâu biết rằng ông bà rất muốn được hỏi thăm, chuyện trò trực tiếp với con cháu, chứ không phải qua cái màn hình. Chuyện như thế liệu có bình thường? Vì sao chúng ta – những thành viên một gia đình lại kiệm lời với nhau đến vậy?

Tuần rồi, con tâm sự với ba (cũng qua Facebook) rằng đám bạn thân cấp ba của con sau gần nửa năm không gặp, hẹn nhau đi dã ngoại. Gặp nhau, sau vài câu chào hỏi, đứa nào đứa nấy chúi mũi vào chiếc điện thoại, ngồi trước mặt nhau mà nói chuyện qua cái màn hình nhỏ xíu. Con “inbox” cho ba: “Gặp mặt mà như vậy thì gặp làm gì hả ba?”. Ba chẳng biết nên vui hay buồn. Con bức xúc với bạn bè, nhưng với những người trong nhà con lại hành xử y như vậy.

Là người nghiện smartphone nên mỗi ngày ba dành ít nhất sáu tiếng để “chơi” với chiếc điện thoại (ngày nghỉ có khi là mười tiếng). Dĩ nhiên, đi kèm với đó là quỹ thời gian ba dành cho mẹ, cho chị em con càng ít đi; thậm chí nhiều hôm không có cả thời gian để nịnh mẹ một câu, khen chị em con một tiếng. Cả mẹ, cả chị em con dường như cũng vậy. Chúng ta sao lại nỡ lạnh lùng với nhau đến thế? Chúng ta có thể bớt đi một cái comment, quên đi một cái like, chậm reply một tin nhắn… để dành thời gian quan tâm đến nhau, yêu thương nhau hơn một chút xíu thôi, có gì là khó đâu.

Viết đến đây ba thật sự giật mình. Nếu chúng ta suốt ngày say sưa với những sản phẩm công nghệ mà vô tình quên mất sự tồn tại bên nhau thì quả là nguy hiểm. Những chiếc điện thoại dù hiện đại đến mấy, nếu không biết “kiềm chế”, nó có thể sẽ là một trong những nguyên nhân chia cắt tình cảm giữa các thành viên gia đình.

Còn nhiều chuyện xung quanh chiếc điện thoại, cái máy tính liên quan đến gia đình mình, nói ra ba cũng thấy xấu hổ, nên thôi vậy. Con đọc rồi suy nghĩ, để cùng ba mẹ bàn xem nhà mình làm sao để thoát ra khỏi cái tình cảnh “thoải mái không dễ chịu” này. Ba sợ, nếu không, một ngày nào đó trên Facebook của con xuất hiện dòng trạng thái: “Khi mình còn nhỏ, ba mẹ không thể ở bên mình nhiều vì họ còn đang mải mê lướt điện thoại. Và có thể, đến thời con cái mình, chúng cũng chẳng có người lớn nào ở cạnh bên vì mình cũng quá bận rộn với những chiếc điện thoại…”.

Ba của con.

Bài trước
Bài tiếp theo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nghĩ về cuộc đấu giá 3 mỏ cát với mức trúng...

0
(SGTT) – Vụ đấu giá ba mỏ cát ở Hà Nội với giá trúng cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm đã trôi...

Học nấu món miền Tây bên dòng sông Tiền

0
(SGTT) - Nằm êm đềm bên dòng sông Tiền, du khách đến Mekong Riverside Boutique Resort & Spa (thành viên Sáng kiến Điểm đến...

Ngắm tulip nở rộ tại vườn hoa lớn nhất thế giới

0
(SGTT) – Vườn hoa tulip lớn nhất thế giới Keukenhof (Hà Lan) đang thu hút đông đảo du khách ghé thăm nhờ hàng triệu...

Trưa nay ăn gì: Đổi vị bữa trưa với món há...

0
(SGTT) – Bên cạnh sushi, sashimi hay các loại mì soba, udon, ramen… ẩm thực Nhật Bản còn có món há cảo với hương...

Về Quảng Nam xem lễ rước sắc phong và chánh tế...

0
(SGTT) - Nằm trong khuôn khổ lễ hội Kỳ Yên năm 2024, sáng 18-4 (nhằm mùng 10-3 Âm lịch), tại xã Tiên Châu, huyện...

TPHCM: sẽ đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm metro...

0
(SGTT) - Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM, để dọn mặt bằng làm tuyến metro số 2, hơn 400 cây xanh...

Kết nối