Thứ Năm, Tháng Năm 2, 2024

Về Duy Xuyên xem nghệ nhân trẻ “thổi hồn” vào gỗ

(SGTT) – Trở thành nghệ nhân điêu khắc gỗ khi còn khá trẻ, anh Nguyễn Tấn Quý (45 tuổi, trú thôn Hòa Bình, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) vẫn trau dồi tay nghề để “thổi hồn” vào những phôi gỗ vô tri, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật làm đẹp cho đời.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Quý trước gian trưng bày các tác phẩm điêu khắc gỗ của mình tại Festival Nghề truyền thống Quảng Nam 2022. Ảnh: Tiên Sa

Qua trao đổi, anh cho hay, lúc tuổi còn thơ, khi nhìn những bức tượng gỗ của các bậc nghệ nhân đang “tác nghiệp” anh thấy được nét đẹp độc đáo toát ra từ chúng. Đó là động lực lớn thôi thúc anh đam mê với nghề điêu khắc gỗ. Năm 16 tuổi anh đến thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) theo học nghề điêu khắc gỗ trên 10 năm với người thầy Nguyễn Văn Tiếp, Nghệ nhân Nhân dân và là Phó chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.

Anh nhớ lại những ngày học nghề cũng như lúc “ra trường” đi làm thuê để học thêm nghề từ các nghệ nhân điêu khắc gỗ nổi tiếng khác cùng với lòng đam mê, kiên trì, chăm chỉ và chịu khó rèn luyện tay nghề. Không phụ công, chỉ ít năm sau đó anh đã có tay nghề vững chắc và có thể “tạc” một gốc cây vô tri vô giác trở thành bức tượng sống động.

Anh Quý cho hay, trung bình mỗi tháng cơ sở cho xuất xưởng khoảng 10 tác phẩm có giá từ vài trăm ngàn đồng cho đến hàng chục triệu đồng, tùy theo yêu cầu của khách, loại gỗ, sự cầu kỳ, công phu trong từng sản phẩm.

Tác phẩm làm nhanh nhất cũng mất khoảng một ngày (có giá 500.000 đồng), tác phẩm làm lâu nhất mất khoảng 3-4 tháng (có giá 80 triệu đồng). Được chiêm ngưỡng các tác phẩm trưng bày nơi đây mới thấy hết những nét tinh tế, hài hòa của các bức tượng gỗ rất có hồn. Hình như “tượng” biết nói, biết cười, biết cả suy tư.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề, có lúc cũng thăng trầm, vất vả; lại thêm buổi đầu lập nghiệp vì khách hàng chưa biết đến và không tin tưởng vào tay nghề của anh nên sản phẩm làm ra ế ẩm, khó tiêu thụ. Nhưng anh Quý không hề nản chí, công việc càng vất vả càng hun đúc thêm niềm đam mê bởi mỗi tác phẩm ra đời khẳng định anh đã đi đúng hướng và tạo ra hằng trăm sản phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao vừa làm đẹp cho đời, vừa nuôi sống bản thân mình với thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.

Các tác phẩm của anh Quý trưng bày tại Lễ hội Lăng Bà Thu Bồn năm 2022. Ảnh: Tiên Sa

Những năm qua, sản phẩm điêu khắc gỗ của anh đã tham gia triển lãm và đạt các giải như Giải Ứng dụng kỹ thuật tại Hà Nội năm 2016, Giải Khuyến khích Đà Nẵng Apec… Đến nay anh đã truyền nghề cho khoảng 20 người và họ tự sống được với nghề. Hiện nay, xưởng gỗ mỹ nghệ của anh Quý tạo công ăn việc làm ổn định cho 3-6 thợ lành nghề với mức lương trung bình 9 triệu đồng/tháng.

Theo anh Quý, trong các công đoạn để hoàn thiện một sản phẩm, khâu ra phôi là quan trọng nhất. Từ khối gỗ, anh dùng các dụng cụ như máy cưa, máy tiện để cắt, gọt ra hình dáng đã tưởng tượng và phải biết sáng tạo ra những tác phẩm dựa trên hình dạng, màu sắc, lỗ thủng, hoa văn, vết nứt gãy của phôi gỗ. Từ đó ,tạo ra những chi tiết sống động trên mỗi tác phẩm, rồi chạm khắc tỉ mỉ và sơn xịt bảo quản.

Theo đó, chất liệu anh chọn chủ yếu là gỗ như sao, trắc, mít, cẩm lai, hương… Gỗ mít giá bán thấp, tuy dễ làm nhưng độ bền và đẹp thì không bằng gỗ trắc hoặc cẩm lai. Các sản phẩm làm từ gỗ trắc, tuy gia công khó và giá cao nhưng càng để lâu màu gỗ càng “lên nước” đẹp. Quá trình làm nghề đòi hỏi người tạc phải tự tìm tòi cách thể hiện, tạo dáng thế nào cho hợp lý, từng đường nét tinh tế, thẩm mỹ để tác phẩm thêm phần sinh động. Một bức tượng điêu khắc trên gỗ có hàng trăm chi tiết cần phải thể hiện chính xác, mỹ thuật.

Đĩa gỗ mỹ nghệ Khu đền tháp Mỹ Sơn. Ảnh: NVCC

Bên cạnh các sản phẩm thông thường như bàn, ghế, tủ, tranh gỗ, phù điêu, những tác phẩm điêu khắc anh tâm đắc nhất là các bức tượng: chân dung Bác Hồ, chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng hồ 12 con giáp, tượng Quan Công, Phước Lộc Thọ… Anh Quý cho biết, khi bắt tay vào làm bất cứ bức tượng nào, người nghệ nhân đều phải chú tâm, nhất là các tác phẩm về Bác Hồ, về tâm linh… Chỉ cần một tác phẩm “chưa ưng ý” xuất ra thị trường sẽ làm mất thương hiệu đã phấn đấu gầy dựng nhiều năm.

Hiện nay, trước sự cạnh tranh về thị trường tiêu thụ, anh Quý chọn hướng đẩy mạnh phát triển các dòng sản phẩm gỗ thủ công mỹ nghệ, làm quà lưu niệm phục vụ khách du lịch, góp phần quảng bá văn hóa, nghệ thuật của người dân Quảng Nam.

Ghi nhận “tay nghề” của anh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tặng danh hiệu Nghệ Nhân (năm 2018); Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam (năm 2016). Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tặng Thợ Giỏi (năm 2016). Hiện, anh đang được ngành chức năng đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú khi tuổi đời còn rất trẻ.

Tiên Sa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Người vực dậy nghề dệt lụa Phùng Xá

0
Ở xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội – nơi từng được mệnh danh là “thủ phủ dâu tằm của miền Bắc” –...

Thổi hồn Giáng sinh vào những vỏ trứng

0
(SGTT) - Ở tuổi 70, mặc cho cặp mắt đã kém đi nhiều, đôi tay bớt dần sự linh hoạt, nhưng hằng năm, cứ...

Du lịch giữa mùa dịch: Về Bắc Giang xem gốm làng...

0
(SGTT) - Gốm làng Ngòi, Bắc Giang vốn đã xuất hiện từ rất lâu, nhưng mới được gầy dựng lại cách đây gần 20...

Làng đóng xuồng nổi tiếng Đồng Tháp gặp khó vì dịch...

0
(SGTT) - Làng nghề đóng xuồng ghe tại xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, tồn tại trên 100 năm nay nhưng...

Mẹ đảm trổ tài làm bánh tạo hình vạn người mê

0
(SGTT) – Những loại bánh như bánh bao, bánh bông lan, bánh trôi nước, há cảo được chị Huỳnh Ngọc Mỹ Phương ở TPHCM...

Ở nhà mùa dịch: Nghệ nhân viết thư pháp tuyên truyền...

0
(SGTT) – “Ở nhà thở dài, còn hơn ra ngoài nằm dài thở máy”, “Đừng đợi nước tới chân mới nhảy, đừng đợi vô...

Kết nối