Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực ghép tạng, với quy định độ tuổi được phép hiến tạng là không được dưới 18 tuổi đã khống chế nguồn tạng hiến tặng từ người cho là trẻ em bị chết não. Sự cứng nhắc này đã khiến cơ hội để trẻ em được ghép tạng là vô cùng ít, trong khi đây là đối cần được ưu tiên hàng đầu.
- Cảnh báo nguy cơ suy thận do dùng thuốc giảm cân
- Ghép thận từ người hiến chết não, bệnh nhi 15 tuổi suy thận được hồi sinh
Rào cản về độ tuổi
Theo Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, kể từ ca ghép tạng đầu tiên vào năm 1992, đến nay các cơ sở y tế ở Việt Nam đã thực hiện được trên 6.500 ca ghép tạng. Trong số này, số người được ghép thận là hơn 6.100 ca, số người được ghép gan là 384 ca, ghép tim là 59 ca, ghép phổi là 9 ca và số người được ghép ruột là 2 ca. Ngoài ra còn có 2 ca ghép đa tạng gồm 1 ca ghép tụy, thận và 1 ca ghép tim, phổi.
Hiện ở Việt Nam có khoảng 10.000 người chờ ghép thận, vài ngàn trường hợp chờ ghép gan và hàng ngàn trường hợp chờ ghép các bộ phận khác. Nhu cầu ghép tạng ngày càng tăng cao nhưng nhiều chuyên gia cho rằng một số quy định trong Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được Quốc hội thông qua năm 2006 vẫn có những hạn chế, cũng như không còn phù hợp với điều kiện thực tế, cần được chỉnh sửa.
Về bất cập của luật, Giáo sư Trần Đông A, nguyên phó giám đốc, cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), cho biết điều 5 của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ghi rõ “Cấm trẻ em dưới 18 tuổi hiến tạng”. Như vậy, luật không cho phép trẻ em chết não hiến tạng, dù nhiều trẻ và phụ huynh có mong muốn hiến tạng.
Sự cứng nhắc này đã khiến nguồn tạng hiến tặng từ người cho chết não vốn đã ít ỏi càng khan hiếm hơn. Điều này đồng nghĩa với cơ hội để trẻ em được ghép tạng là vô cùng ít, trong khi đây là đối cần được ưu tiên hàng đầu.
Cùng quan điểm, một chuyên gia đang công tác tại một đơn vị ghép tạng ở TPHCM cho rằng, với quy định độ tuổi được phép hiến tạng là không được dưới 18 tuổi đã khống chế nguồn tạng hiến tặng từ người cho chết não. Trong khi đó số người chết não vì tai nạn giao thông mỗi năm lên đến hàng ngàn người, đây chính là nguồn tạng tiềm năng để ghép tạng.
So với các nước khác trên thế giới, việc quy định độ tuổi hiến tạng cởi mở nên đã tạo ra nguồn tạng hiến dồi dào. Tại nước Anh, người dưới 18 tuổi vẫn có thể đăng ký hiến tạng ở mọi lứa tuổi và có thể thay đổi hoặc cập nhật quyết định bất kỳ lúc nào.
Ngoài ra, tại Pháp, người chưa thành niên không được phép hiến mô, tạng khi còn sống. Tuy nhiên, người đủ 13 tuổi trở lên mới được quyền hiến tạng sau khi qua đời. Còn tại Hà Lan, luật hiến tặng nội tạng quy định những người từ 12 tuổi trở lên có thể đăng ký hiến tạng sau khi qua đời. Đối với người dưới 12 tuổi muốn hiến tạng phải có sự cho phép của cha mẹ hoặc người giám hộ.
Trong khi đó, tại Việt Nam quy định tuổi hiến tạng đối với người chết não là trên 18 tuổi khiến nhiều chuyên gia cho rằng luật vẫn còn cứng nhắc và gây ra một số khó khăn trong công tác ghép tạng. Theo Giáo sư Trần Đông A, trong ghép thận, từ trước đến nay chủ yếu là ghép từ nguồn tạng hiến của người lớn, điều này vô cùng khó khăn cho đội ngũ y, bác sĩ. Bởi ghép tạng của người lớn vào cơ thể trẻ em thì phải làm sao để trẻ không suy tim, không bị phù phổi cấp mà không vỡ thận. Luật cấm trẻ em chết não hiến tạng đã khiến cơ hội được ghép tạng của trẻ em ngày càng ít đi.
Việc lấy tạng của trẻ em để ghép cho trẻ em thuận lợi hơn nhiều so với việc lấy tạng của người lớn để ghép cho trẻ em. Nếu ghép tạng cho trẻ em từ nguồn hiến là người lớn thì nguy cơ thải ghép, các biến chứng sau ghép lớn hơn rất nhiều, thậm chí có nguy cơ phù phổi cấp, suy tim, nổ đường dẫn tiểu qua thận… Việc lấy tạng của trẻ chết não không những không vi phạm đạo đức mà còn an toàn và mang ý nghĩa nhân văn hơn, ông Đông A nhận định.
Sớm sửa luật để tăng số lượng tạng hiến
Theo quy định, người hiến mô hoặc bộ phận cơ thể người sẽ có những quyền lợi khác nhau. Cụ thể như người đăng ký hiến tạng được miễn phí khám sức khỏe định kỳ, hỗ trợ thuê phòng ngủ trong trường hợp phải lưu đêm tối đa không quá hai ngày là 450.000 đồng/ngày. Hỗ trợ tiền ăn trong những ngày khám sức khỏe định kỳ là 200.000 đồng/ngày không quá ba ngày và hỗ trợ chi phí đi lại.
Tuy nhiên, trên thực tế chưa có đơn vị nào áp dụng quy định trên. Công tác chi trả, thủ tục bồi hoàn chi phí còn rườm rà, làm phiền lòng gia đình.
Trước những hạn chế còn tồn tại trong hoạt động hiến, ghép tạng, một số chuyên gia kiến nghị luật cần sửa đổi không nên giới hạn về độ tuổi đối với người hiến chết não. Trong trường hợp chết não, người dưới 18 tuổi cần được xem xét chấp nhận khi được người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ hợp pháp của họ đồng ý. Bởi với mô, bộ phận cơ thể của người dưới 18 tuổi vẫn có thể dùng được để cấy, ghép cho người bệnh; đặc biệt với những bệnh nhân dưới 18 tuổi. Khi bản thân người chết hoặc những người thân trong gia đình có nguyện vọng muốn hiến tặng, pháp luật cần xem xét chấp nhận điều này.
Bên cạnh đó, để nâng cao số lượng tạng hiến, luật cần có quy định rõ ràng về chế độ đối với người thân, gia đình của người hiến tạng như chi phí khám chữa bệnh, cấp cứu, bảo hiểm y tế hoặc ưu tiên ghép tạng nếu suy tạng…
Minh Thảo
Theo Kinh tế Sài Gòn Online