Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Từ Cần Thơ, đi du thuyền ‘ngược dòng’ Mê Kông khám phá Campuchia

(SGTT) - Hành trình 5 ngày 4 đêm "ngược dòng" Mê Kông, đi từ Cần Thơ đến An Giang, sau đó khám phá Phnom Penh, Campuchia trên du thuyền Victoria Mekong để lại cho du khách nhiều trải nghiệm ấn tượng.
Được coi là “huyền thoại” đối với người Châu Âu, nên sông Mê Kông luôn là điểm đến mơ ước của du khách đến từ các nước này. Ảnh: Phan Đình Huê

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, trong những năm gần đây nhiều công ty du lịch đã phát triển đội du thuyền có phòng ngủ, chạy tuyến TPHCM – ĐBSCL – Campuchia; Mỹ Tho, Cần Thơ - Phnom Penh, Siem Reap hay đơn thuần chỉ đi trên sông Tiền, sông Hậu cùng các con sông nhỏ trong vùng.

Sau đại dịch Covid-19, các du thuyền này ngày càng hoạt động nhộn nhịp, tạo thành xu hướng du lịch mới ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Hành trình "ngược dòng" Mê Kông

Hành trình  “ngược dòng” khám phá Mê Kông trên du thuyền Victoria Mekong xuất phát từ TP Cần Thơ đến An Giang và sang nước bạn Campuchia. Du thuyền Victoria Mekong gồm 3 tầng nổi, 1 tầng hầm, sân thượng, hồ bơi, nhà hàng, quầy bar, phòng chiếu phim và 35 cabin (phòng ngủ). Trong mỗi cabin đều có phòng tắm, máy lạnh, điện thoại, tv và cửa sổ nhìn ra sông.

Du khách đa phần đến từ châu Âu và thêm vài khách Mỹ, Úc. Ông Phạm Hữu Nghĩa, Giám đốc điều hành đội tàu Victoria Mekong, cho biết “Tour thiết kế theo gu của khách Âu nên hơi kén khách nội địa”. Ảnh: Phan Đình Huê

Sau khi khi làm thủ tục, du khách có thể ngắm dòng Mê Kông hiền hòa, nhà cửa ven sông, ghe xuồng xuôi ngược, đến cảnh sinh hoạt của người dân địa phương và đặc biệt là cảnh mặt trời “chìm” dần xuống nước.

Du khách trên du thuyền sẽ được thưởng thức đờn ca tài tử, ăn tối với các món ăn đặc sản địa phương và ngủ đêm trong âm thanh nhè nhẹ của sóng nước, ghe xuồng.

Du thuyền Victoria Mekong gồm 3 tầng nổi, 1 tầng hầm, sân thượng, hồ bơi, nhà hàng, quầy bar... Ảnh: Phan Đình Huê

Hành trình sẽ đưa du khách đến Long Xuyên, tỉnh An Giang. Sau đó, du khách sẽ có dịp đi xuồng trên chợ nổi Long Xuyên để tìm hiểu hình thức buôn bán trên sông, được trực tiếp lên các ghe bán trái cây, sau đó vào bảo tàng An Giang xem các hiện vật khảo cổ Óc Eo, trở về tàu ăn trưa, chiều thăm nhà vườn ở Cù lao Ông Hổ và trở về tàu ăn tối, nghỉ ngơi.

Sáng ngày thứ ba, du khách sẽ đến Tân Châu thăm làng Chăm và xem dệt thổ cẩm, về tàu ăn trưa, chiều ghe đưa đi thăm bè cá nổi, sau đó thưởng thức múa lân, ăn tối và ngủ đêm ở vùng biên giới.

Du khách trên du thuyền sẽ được thưởng thức đờn ca tài tử trên du thuyền. Ảnh: Phan Đình Huê

Sau đó, tàu chạy thẳng về thủ đô Phnom Penh, dọc đường khách có thể ngắm cảnh sinh hoạt hai bên bờ, đọc sách hay xem phim trên tàu, tối đến thưởng thức điệu múa Apsara trước khi dự tiệc chia tay với thủy thủ đoàn.

Những trải nghiệm khó quên

Hầu hết du khách đều cho rằng tiện nghi trên du thuyền “đáng đồng tiền bát gạo”; món ăn ngon, đồ uống phong phú, nhân viên thân thiện và giao tiếp tốt bằng tiếng Anh.

Du khách nhận phòng ngủ trên du thuyền. Ảnh: Phan Đình Huê

Với sông Hậu thì “rộng như biển” và sinh hoạt hai bên bờ rất thú vị. “Tôi đã đọc và xem trước một số video về sông Mê Kông ở nhà, nhưng không có gì mô tả được hết sự hùng vĩ và đa dạng của nó như tôi vừa trải nghiệm. Chợ nổi với cảnh ghe xuồng và “vựa” dừa tươi mà tôi được vào xem trực tiếp thật tuyệt”, bà Hilary, một du khách lớn tuổi người Anh cho biết.

Bên cạnh đó, khí hậu mát mẻ buổi sáng, nhiều nắng buổi trưa, lộng gió buổi chiều và hơi se lạnh vào ban đêm cũng là “điểm nhấn” yêu thích của du khách đến từ xứ ôn đới.

Còn với cô Vanessa Runalls, người Mỹ, ngồi trên sân thượng (mui tàu) ngắm cảnh chính là những gì cô thích nhất, vì vậy cô đã dành cả giờ đồng hồ ngôi đây để quan sát TP Cần Thơ và Vĩnh Long trong ánh chiều hoàng hôn.

Văn hóa bản địa có lẽ là những hoạt động đem lại nhiều nụ cười và ấn tượng cho du khách. Ảnh: Phan Đình Huê

Văn hóa bản địa có lẽ là những hoạt động đem lại nhiều nụ cười và ấn tượng cho du khách. Nếu những tóm lược trước khi biểu diễn bài “Tình anh bán chiếu” làm cho khách hiểu mơ hồ về một câu chuyện tình trắc trở, thì khi tiếng “gà trống gáy” mở đầu bài hát và cảnh anh nông dân vác chiếu ra chào đã đem lại tiếng cười tràn ngập khán phòng.

Những bài ca mộc mạc cùng hoạt cảnh đánh cá, chèo xuồng “rặt nông dân Nam Bộ” của 6 nghệ nhân Đờn ca Tài tử đến từ huyện Tam Bình (Vĩnh Long) khiến du khách vỗ tay không ngớt.

Họ còn rất ngạc nhiên khi xem nhạc cụ một dây (đờn bầu), hai dây (nguyệt cầm) nhưng phát ra âm thanh du dương. Bên cạnh đó, múa lân và làng nghề truyền thống cũng là những điểm nhấn khác mà nhiều khách ưa thích, nhất là người trẻ.

Sản phẩm du lịch sang trọng từ những "nguyên liệu" bình dân

Cả vùng đồng bằng sông Cửu Long đi đâu cũng gặp sông nước, vườn cây, nhà ven kênh rạch và những người nông dân biết ca tài tử. Nhưng lâu nay nếu bán tour tham quan sông nước, kèm thưởng thức trái cây, ca tài tử và ăn trưa thì không mấy khi thu được một khách quá 500.000 đồng. Nếu khách ngủ đêm trong nhà vườn, trang trại thì có thêm tiền phòng, nhưng cũng rất ít cơ sở có thể thu 1-2 triệu/ngày tính trên đầu khách.

Với các du thuyền hạng sang trên sông Hậu, sông Tiền như Victoria, Bassac, Aqua, Heritage Line, Ms Amadara, RV Mekong… thì khách trả từ 5 triệu đến 10 triệu đồng/ngày , hay một tour từ 4 đến 5 ngày có giá từ 25 đến 35 triệu đồng là chuyện bình thường. Đây chính là sự khác biệt lớn của các nhà đầu tư du lịch chuyên nghiệp khi vẫn những nguyên liệu “bình dân” nhưng họ đã tạo ra sản phẩm cao cấp để đón khách hạng sang và nâng cao thương hiệu điểm đến cho vùng Châu Thổ.

Hiện nay các du thuyền lớn chủ yếu tập trung ở các cảng trên sông Sài Gòn; bến tàu Marina, Mỹ Tho, Cái Bè (Tiền Giang); bến Ninh Kiều (Cần Thơ) và sắp tới có thể được mở rộng sang nhiều tỉnh khác. Sản phẩm dành cho khách nội địa cũng bắt đầu được triểu khai, với các tour ngắn ngày, giá cả hợp lý với người Việt.

Phan Đình Huê (Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối