(SGTT) – Gân bò giòn sần sật, từng sợi bún tươi nằm hòa quyện trong phần nước dùng đậm đà... Đó là những dư vị khó quên mỗi khi mọi người thưởng thức món bún gân bò.
- Trưa nay ăn gì: Sum vầy nồi lẩu cuối tuần với thịt cua tuyết lạ miệng
- Trưa nay ăn gì: Bữa trưa quốc tế cùng món ăn truyền thống của người Brazil
- Trưa nay ăn gì: Lạ miệng cơm chiên vẹm trưa giữa tuần
Trong ẩm thực vùng miền, sợi bún tươi xuất hiện ở khá nhiều món ăn, từ món bún nước cho đến món bún khô (bún trộn). Tính theo ẩm thực ba miền, miền Bắc có món bún chả, bún thang; miền Trung có món bún bò Huế, bún hến hay miền Nam có bún thịt nướng, bún trộn. Tuy nhiên, bún gân bò lại có sự đặc sắc riêng và nhiều quán ăn chọn đưa vào thực đơn phục vụ thực khách mỗi ngày.
Qua ghi nhận, bún gân bò thường có mặt ở các quán bún bò, dù bán bún bò Nam bộ hay bún bò Huế. Theo đó, người bán sử dụng chung một nồi nước lèo cho các món bún của họ. Phần xương hầm phải là xương bò để tạo hương vị đặc trưng cho món ăn. Màu sắc nước lèo của bún gân bò hơi ngả nâu bởi gia vị nêm nếm và nhất có thêm mắm ruốc (thường thấy ở quán bún bò Huế). Đặc trưng của thịt bò khi nguội (dù là nạm, gân, gầu hay xương) dễ đóng váng mỡ nên hầu hết quán ăn đều để lửa liu riu nồi thịt và nước dùng.
Về sợi bún, có quán dùng bún sợi nhỏ, có quán dùng bún sợi trung tùy thuộc phong cách ẩm thực và nguồn hàng nhập. Dù là sợi bún nào, thực khách vẫn cảm nhận rõ độ ngon của tô bún. Cuối cùng, phần gân bò chính là “linh hồn” của món ăn hôm nay, tạo nên sự khác biệt so với các tô bún bò khác. Cụ thể, gân bò là phần thường ở giữa những khớp cơ, có độ dai giòn đặc trưng. Ngoài gân bò trong, một số quán còn nhập về bán gân bò sụn với đặc điểm là có sụn trắng, bao quanh là gân cũng như thịt nạm. Do gân bò dai giòn nên một số quán hầm nhừ để thực khách dễ dùng bữa.
Giờ trưa đầu tuần gần đến, mọi người nên thử qua món bún gân bò nếu từng là tín đồ của bún bò Huế. Tin chắc rằng, hương vị, độ thơm ngon và dinh dưỡng không khiến thực khách thất vọng.