Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Triển vọng ngành hàng không: Phụ thuộc lớn vào biến số vắc-xin

Trải qua năm 2020 đầy thách thức, ngành hàng không bước vào năm 2021 với kỳ vọng dần phục hồi. Tuy vậy, sự phục hồi này lại phụ thuộc rất lớn vào một biến số, đó là tiến trình phân phối vắc-xin.

Điêu đứng vì dịch bệnh

Trong số các ngành nghề, có thể nói hàng không là ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất từ tình hình dịch Covid-19 trong năm 2020.

Sự phục hồi của ngành hàng không phụ thuộc rất lớn vào tiến trình phân phối vắc-xin. Ảnh: TTXVN

Do các chuyến bay quốc tế gần như ngưng trệ ngay từ thời điểm đầu năm trong khi các chuyến bay trong nước cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi đợt cách ly xã hội lớn hồi tháng 4-2020 và các đợt cách ly trên quy mô nhỏ tại một số tỉnh thành miền Trung hồi tháng 8-2020, ước tính tổng số chuyến bay do ba hãng hàng không trong nước khai thác là Vietnam Airlines, VietJet và Bamboo trong năm 2020 chỉ đạt 337.000 chuyến bay, giảm gần 40% so với năm 2019.

Bamboo là hãng hàng không duy nhất có tốc độ tăng trưởng chuyến bay ở mức dương nhưng chủ yếu là do hãng này mới chỉ gia nhập thị trường vào tháng 1-2019 và dần nâng công suất cho đến tháng 12-2019. Nếu xét riêng trong tháng 12-2020 thì các chuyến bay của Bamboo cũng đã giảm 30% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh nhu cầu sụt giảm mạnh do dịch bệnh, ngành hàng không còn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gia tăng trong năm 2020. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, trong năm 2020, thị phần của hãng hàng không Bamboo ước tính đã tăng lên mức 13% (từ mức 5,9% trong năm 2019) bằng cách tăng nhanh đội bay thông qua hình thức “thuê ướt” tàu bay (hợp đồng thuê bao gồm cả máy bay và phi hành đoàn). Trong khi đó, Vietnam Airlines (HVN) lại giảm năm chiếc trong đội tàu bay (xuống 95 chiếc), còn VietJet Air (VJC) chỉ tăng một chiếc trong đội tàu bay (lên 72 chiếc).

Với những khó khăn chồng chất như trên, các hãng hàng không đều đang lỗ rất nặng. Kết thúc năm 2020, ước tính Vietnam Airlines ghi nhận khoản lỗ hợp nhất 14.000 tỉ đồng, làm vốn chủ sở hữu giảm đáng kể.

Trong chín tháng đầu năm 2020, VietJet Air cũng ghi nhận khoản lỗ lũy kế của công ty mẹ là 2.300 tỉ đồng và lỗ hợp nhất 924 tỉ đồng. Để giảm thiểu thiệt hại, tất cả các hãng hàng không đều gia tăng các biện pháp cắt giảm chi phí.

Trên nền hoạt động kinh doanh kém khả quan như vậy, diễn biến giá cổ phiếu nhóm ngành hàng không như HVN, VJC hiện đã giảm lần lượt 15% và 7,5% so với đầu năm 2020 nhưng nếu so với mức đáy hồi tháng 3-2020 thì mức phục hồi của nhóm cổ phiếu này lần lượt đạt 60% và 37%.

Triển vọng phục hồi phụ thuộc lớn vào vắc-xin

Trải qua một năm đầy thách thức, ngành hàng không bước vào năm 2021 với kỳ vọng dần phục hồi. Tuy vậy, sự phục hồi này lại phụ thuộc rất lớn vào một biến số, đó là tiến trình phân phối vaccin. Theo hầu hết đánh giá của giới chuyên gia, việc tiêm chủng vaccin trên diện rộng ở quy mô toàn cầu sớm nhất cũng phải đến nửa cuối năm 2021 mới thực hiện được.

Trong khi đó, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 mới xuất hiện ở Anh đã khiến các quốc gia EU phải ban hành lệnh cấm các chuyến bay đến/đi từ Anh. Tại châu Á, các ca lây nhiễm đang gia tăng trở lại ở Hàn Quốc, Hồng Kông, Trung Quốc, Thái Lan khiến ngành du lịch phục hồi chậm trễ, dẫn đến việc hủy “bong bóng du lịch” (travel bubble) giữa Hồng Kông và Singapore.

Do vậy, dự báo sớm nhất cũng phải trong nửa cuối năm 2021, Việt Nam mới mở lại chuyến bay thương mại quốc tế với quy mô hạn chế (một vài chuyến bay mỗi tuần đến một số điểm đến nhất định).

Trong bối cảnh như trên, thị trường nội địa nhiều khả năng sẽ vẫn là thị trường trọng tâm của các hãng hàng không trong năm 2021. Theo đó, chiến lược của các hãng hàng không có thể sẽ tập trung tối đa hóa thị trường nội địa bằng cách mở thêm đường bay, cung cấp nhiều dịch vụ giá trị gia tăng trên chuyến bay và tạo ra nhiều sự lựa chọn về giá hơn cho hành khách. Lợi nhuận của các hãng hàng không có khả năng phục hồi, nhưng có thể vẫn ở mức âm do sản lượng dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp trong năm 2021.

Theo kịch bản cơ sở của Công ty Chứng khoán SSI, ước tính ngành hàng không sẽ ghi nhận mức lỗ bằng khoảng một nửa của năm 2020 tại công ty mẹ và sản lượng hành khách trong nước phục hồi lên ngang bằng mức của năm 2019 (75 triệu hành khách). Lượng hành khách quốc tế dự kiến sẽ ở mức thấp 12 triệu hành khách (đạt khoảng 34% mức trước khi có dịch Covid-19).

Về các giải pháp hỗ trợ, Chính phủ gần đây đã công bố kế hoạch cho Vietnam Airlines huy động 8.000 tỉ đồng vốn chủ sở hữu, đồng thời cung cấp gói vay 4.000 tỉ đồng cho hãng hàng không quốc gia này. Các biện pháp này được đánh giá là đủ để Vietnam Airlines cải thiện cơ cấu vốn và giảm áp lực tài chính trung hạn.

Hiện có một số rủi ro đe dọa sự phục hồi của ngành hàng không trong năm 2021. Thứ nhất là rủi ro giá dầu tăng. Thứ hai là tình trạng cạnh tranh ngày càng gay gắt khi hãng hàng không Vietravel chính thức gia nhập thị trường trong năm nay.

Việc thiếu vắng các chuyến bay quốc tế sẽ buộc các hãng hàng không phải sử dụng tất cả các máy bay để cạnh tranh trên thị trường nội địa, gây sức ép giảm lên giá vé, qua đó khiến lợi nhuận của các hãng hàng không thu hẹp. Rủi ro thứ ba cũng là quan trọng nhất là sự chậm trễ trong tiến trình phân phối vắc-xin trên toàn cầu. Để tiêm chủng cho 70% dân số thế giới nhằm đạt mức độ miễn dịch cộng đồng, khoảng 5 tỉ liều vaccin phải được sản xuất, lưu trữ và vận chuyển trên toàn cầu.

Theo các nhà chức trách Mỹ, ngay cả sau khi tiêm chủng, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và các hành động phòng ngừa khác có thể vẫn là điều cần thiết. Do đó, những chính sách này đối với Mỹ và các quốc gia khác có thể sẽ làm giảm nhu cầu đi lại. Thậm chí, với nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu, cũng có thể phải mất hơn một năm mới có khả năng miễn dịch cộng đồng. Do đó, các hãng hàng không được dự báo vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm nay với nhu cầu yếu và các hạn chế về đường biên giới.

Một số rủi ro đe dọa sự phục hồi của ngành hàng không trong năm 2021: thứ nhất là giá dầu tăng; thứ hai là tình trạng cạnh tranh ngày càng gay gắt; thứ ba – quan trọng nhất – là sự chậm trễ trong tiến trình phân phối vắc-xin trên toàn cầu.

Linh Trang

Theo TBKTSG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Dù tăng chuyến nhưng vé máy bay Tết vẫn khan hiếm,...

0
(SGTT) - Dù các hãng bay đã tăng ghế cung ứng, tăng cường bay đêm nhưng giá vé Tết Nguyên đán 2024 vẫn ở...

Hàng không tiếp tục tăng hơn 66.200 ghế phục vụ cao...

0
(SGTT) - Vietnam Airlines Group gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO tiếp tục tăng hơn 66.200 ghế, tương đương hơn 310 chuyến bay...

Việt Nam chưa có hãng nào sử dụng máy bay B737...

0
(SGTT) - Cục Hàng không cho biết, Việt Nam chưa có hãng nào khai thác máy bay B737 MAX. Với các tuyến bay đến...

Giá vé máy bay sẽ ngày càng đắt đỏ

0
(SGTT) - Các hãng hàng không đang kiếm được lợi nhuận khổng lồ khi sự bùng nổ du lịch toàn cầu giúp giữ giá...

Các hãng hàng không mở lại đường bay đến Điện Biên...

0
(SGTT) - Các hãng hàng không nội địa đã công bố lịch hoạt động trở lại của các chuyến bay đến Điện Biên từ...

Sắp có đường bay thẳng Nha Trang – Ulaanbaatar (Mông Cổ)

0
Đường bay thẳng kết nối thành phố Nha Trang với thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ chính thức đưa vào khai thác từ ngày...

Kết nối