Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Trị liệu bằng âm nhạc

Phương Thảo –

Những phương pháp điều trị bệnh trong tương lai sẽ không thể thiếu vai trò của âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc cổ điển.

Thử hình dung một khung cảnh tại bệnh viện MedStar Georgetown University (bang Washington DC, Mỹ) vào một sáng mùa thu – một nghệ sĩ violin đang chơi một bản nhạc du dương giữa những vũ công trên hành lang đông đúc và tất cả cùng dập dìu tiến về khu hóa trị theo điệu nhạc. Ở một tầng khác, nhạc công đàn cello đang tấu một khúc nhạc dân gian Ireland trước những bệnh nhân ở khu chăm sóc đặc biệt. Nhiều người sẽ lấy làm lạ trước cảnh tượng này nhưng thực chất, âm nhạc đã và đang trở thành một phần của phương pháp chăm sóc bệnh nhân tại đây.

Âm nhạc tốt cho sức khỏe

“Trong chốc lát, âm nhạc có thể mang người bệnh đến một nơi xa xôi nào đó mà họ không cần lo nghĩ về những gì đang diễn ra”, nghệ sĩ đàn cello Martha Vance nói sau khi chơi nhạc cho riêng một bệnh nhân để giúp giảm bớt các tác động tiêu cực trong việc trị liệu.

Một nghệ sĩ violin ở bệnh viện MedStar Georgetown University tại bang Washington DC và những bệnh nhân đang nhảy múa theo điệu nhạc.

Với mục tiêu sử dụng âm nhạc để tối ưu hóa lợi ích về mặt sức khỏe, Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) đang thực hiện một dự án lớn hơn ở bệnh viện Georgetown – tập hợp các nhạc công, chuyên gia trị liệu bằng âm nhạc và nhà nghiên cứu thần kinh để tìm cách thâm nhập vào não bộ con người. Theo Francis Collins, Giám đốc của NIH và là một nhà di truyền học biết chơi guitar, đôi khi có khả năng chữa lành những thương tổn của bộ não con người bằng âm nhạc. Để biến khả năng này thành một liệu pháp thành công, NIH đang tìm hiểu xem phần nào của bộ não vẫn còn đủ khỏe mạnh để làm nhiệm vụ đó và nghiên cứu sâu thêm về các mạch máu để có phương án dự phòng.

Các nhà khoa học đã tìm ra những cơ sở khá thuyết phục cho cuộc nghiên cứu này. Họ thấy rằng việc học chơi một loại nhạc cụ sẽ giúp cho khả năng tư duy nhạy bén hơn, cải thiện khả năng đọc và các kỹ năng học tập khác của trẻ em. Một số bệnh nhân đột quỵ không nói chuyện được nhưng thỉnh thoảng họ lại có thể ca hát. Tương tự, bệnh nhân Parkinson đôi khi có thể bước đi vững hơn theo một nhịp điệu. Tuy nhiên, điều họ còn thiếu là một công trình nghiên cứu nghiêm túc để tìm hiểu xem nghe hay chơi nhạc có thể cải thiện sức khỏe, hay nói cách khác là tìm ra nguyên lý mà bộ não phản ứng với âm nhạc.

Nhạc công, nghệ sĩ cùng tham gia nghiên cứu

“Đây là một công trình nghiên cứu lớn và một mình tôi không thể đảm đương tất cả”, ngôi sao opera nổi tiếng Renee Fleming nói, không phải trong một buổi hòa nhạc mà từ bên trong một máy chụp cộng hưởng từ (MRI) của NIH. Fleming là một cộng sự của ông Collins trong việc khởi xướng sáng kiến chữa bệnh bằng âm thanh (Sound Health initiative). Cô đã dành hai giờ đồng hồ trong máy chụp để giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu xem hoạt động nào của não bộ là chìa khóa của việc ca hát. Để làm việc này, Fleming đọc lời bài hát, sau đó hát bài hát đó và cuối cùng là tưởng tượng mình đang hát chúng.

“Chúng tôi đang cố tìm hiểu về bộ não con người để không những giải quyết vấn đề như sự rối loạn thần kinh, bệnh tật hay sự chấn thương mà còn biết được chuyện gì xảy ra khi bộ não đang hoạt động tốt hay khi làm việc ở cường độ cao”, David Jangraw, một chuyên viên nghiên cứu của NIH, nói khi đang chia sẻ kết quả chụp MRI với phóng viên của The Associated Press.

Jangraw nói ông rất ngạc nhiên khi thấy nhiều vùng não trở nên linh hoạt hơn khi Fleming tưởng tượng mình đang hát hơn là khi cô ấy đang hát thật sự, bao gồm vùng trung khu cảm xúc và vùng điều khiển chuyển động và thị giác. Ông đặt ra một giả thuyết là việc theo dõi mình đang hát đến đâu khiến cho bộ não hoạt động nhiều hơn chứ không cần phải thật sự nghe được âm thanh. Trong khi đó, Fleming lại kết luận đơn giản hơn, rằng cô ấy vốn giỏi ca hát nên không cần suy nghĩ quá nhiều trong khi cất tiếng ca.

Nhận thấy những kết quả ban đầu, một dự án tương tự đang được tiến hành tại bang North Carolina, Mỹ. Ở đây, một nhà thần kinh học và một giáo sư biết khiêu vũ đang bắt đầu mở một lớp khiêu vũ ứng tác cho bệnh nhân Alzheimer để tìm hiểu xem liệu âm nhạc và nhảy múa có thể cải thiện hệ thống tế bào thần kinh của một bộ não đã bị suy thoái hay không. Trước khi hiện tượng mất trí nhớ trở nên trầm trọng, các bệnh nhân Alzheimer sẽ cảm thấy bị mất đi sự hứng thú với cuộc sống, bị trầm cảm, gặp trở ngại trong việc đi đứng và giữ thăng bằng vì khớp nối (synapse) giữa tế bào thần kinh và tế bào cơ trở nên lỏng lẽo. Nghiên cứu này, được NIH tài trợ và thực hiện tại trường đại học Wake Forest, sẽ chọn ngẫu nhiên các bệnh nhân đến tham dự lớp học để khiêu vũ một cách vui vẻ mà không cần nhớ tới điệu nhảy. Mặt khác, các nhà nghiên cứu có thể phải sử dụng sự can thiệp khác đối với những bệnh nhân này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bữa sáng Sài Gòn: Ghé quán cháo lòng gia truyền 80...

0
(SGTT) - Nổi tiếng với món cháo lòng gia truyền hơn 80 năm, quán bà Út nằm ngay trung tâm quận 1 là điểm...

EU thất thu lớn vì giá tín chỉ carbon giảm sâu

0
(SGTT) - Giá carbon ở Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh trong năm nay khiến doanh thu bán tín chỉ carbon của EU...

Tăng cường 2.000 chuyến bay đêm, giá vé ‘hạ nhiệt’ dịp...

0
(SGTT) - Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết đang mở bán tăng cường 2.000 chuyến bay đêm (từ sau 21:00 giờ) trên các...

Thơm lừng góc chợ Phạm Văn Hai với tô bánh đa...

0
(SGTT) - Bánh đa là sợi bánh thân quen trong một số món ăn của người dân Hải Phòng. Theo dòng chảy văn hóa...

Thảo Cầm Viên tổ chức lễ hội ẩm thực ba miền...

0
Với quy mô hơn 50 gian hàng, cùng 149 món bánh truyền thống, lễ hội ẩm thực "Non sông thống nhất" diễn ra từ...

Loạt sự kiện du lịch tại các địa phương dịp lễ...

0
(SGTT) - Lễ hội Diều khổng lồ tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hoà) hay...

Kết nối