Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Tranh tết: treo những mảng màu tươi mới

(SGTT) – Không ai rõ tục treo tranh tết của người Việt bắt đầu từ bao giờ, chỉ biết cái thú chơi tao nhã này cũng lắm thăng trầm theo thời gian.

Sau một thời gian dài lao động vất vả, bỗng một hôm gió chợt xoay chiều, trời đất bừng lên màu nắng thì lòng người cũng bỗng giật mình: một mùa mới đã sang. Trong tâm khảm của người Việt mình, Tết Nguyên đán là một chuỗi ngày được háo hức chờ đợi, bởi thế, không khí tết cũng bắt đầu rộn ràng từ ngày hai mươi ba tháng Chạp – tiễn ông Táo về trời.

Đàn heo âm dương.
Tìm phiên chợ tết để mua tranh

Sau ngày này, người ta bắt đầu dọn dẹp vườn tược, sắm sửa đồ đạc và trang trí lại nhà cửa. Quan niệm dân gian cho rằng nhà cửa phải sạch sẽ, tươm tất thì những điều may mắn, phúc lộc năm mới mới tìm đến. Tinh thần “tống cựu nghênh tân” là vậy. Ngày xưa nhà của lớp người bình dân đa số đơn giản, nên việc trang trí cũng giản dị, không mấy cầu kỳ. Ngoài bàn thờ ở giữa nhà được lau chùi sạch sẽ, trưng bày mâm ngũ quả, các loại hoa, cột nhà dán câu đối đỏ thì vách nhà xuất hiện thêm vài bức tranh mua ở phiên chợ tết.

Điều này đã được nhắc đến trong bài thơ Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ qua mấy câu:

Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ,
Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán.
Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản,
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân.
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm,
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ…

Tranh Đông Hồ – Hàng Trống

Nói đến tranh tết ngày xưa ở miền Bắc là phải nói đến dòng tranh dân gian Đông Hồ và tranh Hàng Trống. Nhà nhà đều muốn có vài bức của hai dòng tranh này để treo trong nhà cho đẹp, cùng với ước vọng năm mới gặp nhiều may mắn.

Chủ đề của những bức tranh này mô tả những điều may mắn, tài lộc như cá chép vượt vũ môn, tranh tứ bình, tranh ngũ hổ… nhưng được chuộng nhất là các bức Đàn gà, Đàn heo âm dương, những cậu bé mũm mĩm ôm gà, Vinh hoa hay Phú quý…

Ngày xuân, người nhìn bức “Đàn heo âm dương” mộc mạc trên giấy điệp mà lòng sáng bừng lên niềm hy vọng cái tốt, cái may mắn sẽ sinh sôi nảy nở. Đàn heo con no tròn quấn quýt bên heo mẹ mập mạp với những xoáy âm – dương mang tính ẩn dụ và biểu tượng sâu xa. Heo là một hình ảnh của sự sung túc, thịnh vượng, một năm mới phát tài phát lộc, như ông bà từng nói: “Giàu nuôi chó, khó nuôi heo”. Người ta treo bức tranh đàn heo trong nhà ngày tết để cầu mong điềm may mắn, phúc lộc, thịnh vượng sẽ đến với chủ nhà trong năm mới.

Dù là người không sành về tranh dân gian đi chăng nữa, nhưng nhìn những bức Vinh hoa, Phú quý sẽ thấy ngay sắc thái tươi vui của bức tranh. Cậu bé mũm mĩm ôm gà trống cũng là một hình ảnh ẩn dụ. Gà trống tên Hán Việt là đại kê, đồng âm với đại cát hoặc đại kiết, ngụ ý cầu chúc những điều tốt đẹp, hanh thông trong mọi việc.

Trong bộ tranh tứ quý này lại được chia làm hai cặp bé trai, bé gái: Lễ trí – Nhân nghĩa và Vinh hoa – Phú quý với hàm ý có con cái thì phải có đủ cả trai lẫn gái, hay “có nếp có tẻ” như cách nói của các cụ xưa, như vậy mới là tròn đầy.

Khi tranh thành bìa báo xuân

Không chỉ có tranh dân gian, thời còn đương lúc chiến tranh và bao cấp những năm 60-80 của thế kỷ trước, một dòng tranh tết mới đã xuất hiện, vừa mang tính trang trí phố phường, vừa làm nhiệm vụ cổ động, tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Nhà nước khi đó. Những bức tranh này được các đơn vị văn hóa “đặt hàng” các hoạ sĩ vẽ. Nội dung thể hiện xoay quanh các chủ đề lao động, cuộc sống hằng ngày nên người xem tranh rất dễ hiểu. Với những gam màu ấm nồng, tươi tắn làm chủ đạo, ai xem qua một lần cũng đều có tinh thần phấn chấn với niềm ước mong một năm mới với tinh thần mới, vận hội mới.

Ảnh bìa báo xuân ngày trước.

Ngoài ra, tranh tết còn len lỏi làm tranh bìa của những tờ báo, tạp chí số xuân. Năm cầm tinh con giáp nào thì hoạ sĩ thể hiện con giáp đó với nét vẻ khỏe khoắn, tinh nghịch. Như tờ Tin sớm, số xuân Tân Hợi 1971 có bìa vẽ những chú heo tròn nẫn, đáng yêu. Tựu trung lại, bìa báo xuân ngày xưa chủ đề khá đơn giản, nhẹ nhàng, có khi là tranh, có khi là ảnh. Trong đó, hình ảnh phụ nữ Việt Nam với tà áo dài thấp thoáng được các hoạ sĩ chăm chút thể hiện nhiều nhất.

Thú chơi tranh tết cũng có lúc rơi vào quên lãng, khi mà ngoài chợ bán đầy những miếng dán dề can in vi tính rực rỡ sắc màu, rất bắt mắt. Hay từ khi kỹ thuật đồ họa số, nhiếp ảnh lên ngôi thì ít tờ báo xuân nào chọn tranh vẽ làm bìa nữa. Tranh tết trải qua thăng trầm là thế, nhưng nó vẫn có sức sống riêng khi vài năm trở lại đây có sự trở lại đầy mãnh liệt. Những bạn trẻ với sức sáng tạo của mình đã thể hiện những bức tranh tết với nội dung mới mẻ. Tranh tết nhắc nhớ một phong tục gắn bó với nhiều thế hệ người Việt trong dịp đầu năm. Khi treo những bức tranh tết lên vách nhà, là người ta gửi gắm vào đó một ước vọng mới, một tinh thần mới và cầu mong điều may mắn sẽ tới.

Thành Nhân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thơm lừng góc chợ Phạm Văn Hai với tô bánh đa...

0
(SGTT) - Bánh đa là sợi bánh thân quen trong một số món ăn của người dân Hải Phòng. Theo dòng chảy văn hóa...

Thảo Cầm Viên tổ chức lễ hội ẩm thực ba miền...

0
Với quy mô hơn 50 gian hàng, cùng 149 món bánh truyền thống, lễ hội ẩm thực "Non sông thống nhất" diễn ra từ...

Loạt sự kiện du lịch tại các địa phương dịp lễ...

0
(SGTT) - Lễ hội Diều khổng lồ tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hoà) hay...

Nghĩ về cuộc đấu giá 3 mỏ cát với mức trúng...

0
(SGTT) – Vụ đấu giá ba mỏ cát ở Hà Nội với giá trúng cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm đã trôi...

Học nấu món miền Tây bên dòng sông Tiền

0
(SGTT) - Nằm êm đềm bên dòng sông Tiền, du khách đến Mekong Riverside Boutique Resort & Spa (thành viên Sáng kiến Điểm đến...

Ngắm tulip nở rộ tại vườn hoa lớn nhất thế giới

0
(SGTT) – Vườn hoa tulip lớn nhất thế giới Keukenhof (Hà Lan) đang thu hút đông đảo du khách ghé thăm nhờ hàng triệu...

Kết nối