Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Trải nghiệm ẩm thực người Thái để thấy tương đồng và khác biệt món ăn Việt

(SGTT) – Là món ăn bình dân và phổ biến trong nền ẩm thực Thái Lan, Pad Thai là tên gọi rất đặc biệt vì hiếm món ăn nào gắn liền với chữ “Thai” lại đi cùng một từ giản dị trong nấu nướng, “Pad” nghĩa là “xào”.

Pad Thai thể hiện chất Thái đủ đầy vì các nguyên liệu đến từ mọi vùng miền, như me và sốt me đến từ miền Bắc; tôm khô và tôm tươi đến từ miền Nam; sợi đến từ miền Đông; các loại rau (giá, hẹ), đậu hũ, đậu phụng đến từ miền Trung. Bí quyết để làm Pad Thai ngon nằm ở sợi và nước sốt me, tạo nên hương vị rất đặc trưng, hòa lẫn giữa một chút chua nhẹ của me, vị cay của ớt, bùi của đậu, mằn mặn của tôm.

Tôm sốt me.

Một điều rất lạ, bữa ăn từ lâu đời của người Thái gắn liền với cơm và xôi, thế mà xuất hiện một món sợi đặc trưng và được ưu ái trong tên gọi đến vậy. Có người cho rằng, Pad Thai theo chân người Hoa đến Thái, nhưng cũng có thuyết ghi rằng đó là sự giao thoa văn hóa khi người Việt dưới thời vua Minh Mạng có di cư đến Thái Lan.

Món Pad Cha.

Muốn món sợi ngon thì sợi phải ngon trước tiên. Chính điều này đã mang Pad Thai đến Sài Gòn. Ông Surasaek Jarupisanlert, vốn là một doanh nhân người Thái kinh doanh hoa lan ở Việt Nam từ những năm 2005. Cứ vài tháng, ông đến Việt Nam, sống một thời gian, chủ yếu ở Sài Gòn và Hà Nội. Vốn ham thích nấu ăn và mê ẩm thực, những chuyến bay với mục đích làm việc dần giúp ông xích lại với đời sống và văn hóa ẩm thực của dải đất hình chữ S.

Pad Thai

Ông chia sẻ người Thái không giỏi trong việc phân biệt các món sợi, nhưng qua bàn tay khéo léo của người Việt thì món sợi bày ra phong phú, nào bún, nào phở, miến, bánh canh, hủ tíu. Trong số đó, ông thích phở. Bao nhiêu lần đến Việt Nam thì bấy nhiêu lần ông đều tìm thưởng thức phở, để rồi phở níu chân ông bằng cái tên Pad Thai cho một nhà hàng món Thái xinh xắn nằm ở gần Thị Nghè (26A Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 19, quận Bình Thạnh).

Với ông, sợi phở ở Việt Nam làm món Pad Thai ngon hơn, và cuộc sống ở Việt Nam cũng khá tương đồng ở Thái, các nguyên liệu chính chỉ cần bước chân ra chợ là có.

Gỏi cá trê chiên xù.

Không chỉ Pad Thai, ông còn mang đến những món ăn phổ biến, đậm chất Thái với phong cách “street food” nhưng được lựa chọn và chế biến như Tom Yum (canh chua Thái), Som Tum (gỏi đu đủ)… Ấn tượng về độ kỳ công, phải kể đến món gỏi cá trê chiên xù. Cá tươi làm sạch, nướng trên bếp than, rồi lọc lấy phần thịt đem giã tơi, sau đó bỏ từ từ vào chảo dầu nóng cho đến khi thành một chiếc bánh tròn vàng ươm như tổ chim. Món ăn chỉ thành khi miếng cá không bị ngấm dầu, dòn tan và gói vào giữa là gỏi xoài chua ngọt vừa đủ hòa vị.

Ngoài ra, sự phối hợp các loại rau củ và gia vị trong ẩm thực Thái cho bữa ăn theo mùa là điều thú vị cho chúng ta học hỏi. Như thịt heo xào lá hương nhu cho những ngày chuyển mùa sụt sịt. Hay rất lạ là củ ngải có vị cay nồng rất ít thấy trong bữa ăn người Việt, lại được người Thái dùng cùng tiêu xanh để xào hải sản (tôm, mực hoặc chả cá) với tên gọi Pad Cha, Pad nghĩa là xào và Cha là tiếng món ăn vang trên chảo dưới ngọn lửa lớn, để giúp làm ấm bụng.

Rồi gốc ngò thường bị các bà nội trợ bỏ đi, lại trở thành một trong 5 nguyên liệu cần có cho món Tom Yum (canh chua Thái), thêm lá chanh Thái (gọi là lá Chúc ở miền Tây) làm nên món ăn rất được ưa thích khi trời chuyển gió.

Biết người Việt thích ăn lẩu, và thường gọi lẩu Thái vì có vị chua nhẹ, cay cay dễ ăn, trong khi ở Thái không hề có món lẩu Thái (không hiểu sao nhiều người Việt hay gọi lẩu Thái chua cay), chủ quán đã uyển chuyển để vị canh chua Tom Yum trở thành chủ đạo của món lẩu, phối thêm rau nấm theo mùa.

Thưởng thức ẩm thực Thái đừng quên chọn một món nước để cân bằng hài hòa với nét chua cay đặc trưng. Một ly trà sữa Thái đỏ hay trà hoa đậu biếc dành cho phái nữ, hay một lon bia Shingha, thương hiệu bia đầu tiên và nổi tiếng của Thái Lan dành cho phái mạnh. Vậy là vừa đủ tròn vị.

Xôi trứng hấp nước dừa.

Mananya Techalertkamol, một thạc sĩ người Thái Lan đang giảng dạy tại một trường đại học tại TPHCM bất ngờ cho biết một số người Thái qua Việt Nam thấy món lẩu, mang mô hình lẩu Việt về Thái mở quán khá nhiều. Cô cũng cho rằng ở Thái, người Thái có ăn lẩu nhưng chủ yếu nước trong hoặc lẩu kiểu Đài Loan. Lẩu Thái ở Việt Nam là một cách chế biến rất khác, rất khó ăn ở Thái.

Món ăn tương tự lẩu Thái của Việt Nam là canh chua Tum Yum (chua từ chanh) và Kaeng Som (canh màu cam).

Tương tự trong ẩm thực Việt hiện nay có món chè mà người Việt gọi là chè Thái thì bên Thái cũng không hề thấy.

Bảo Hướng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề