Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024

Trái cây nghịch vụ ăn bốn mùa

(SGTT) – Câu “mùa nào thức nấy” nói về việc mùa nào ăn loại thức ăn nấy nói chung, và trái cây nói riêng giờ đã phần nào thay đổi khi có nhiều loại trái cây người tiêu dùng có thể ăn suốt cả bốn mùa.

Từ một mùa đơm quả trong năm như trước đây, nhiều loại trái cây nay có thể cho quả suốt bốn mùa. Việc này thực tế mang lại nhiều lợi nhuận cho người trồng trọt (tăng sản lượng, tăng doanh thu) và cả người tiêu dùng. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại về chuyện trái cây nghịch vụ.

Người mừng…

Chôm chôm hầu như đã được cung cấp ra thị trường bốn mùa. Ảnh: Chí Hào

Ông Nguyễn Hồng Hoàng, người trồng thanh long trắng theo hướng VietGap tại Chợ Gạo, Tiền Giang, cho biết việc trồng thanh long nghịch vụ đem lại năng suất cao gấp bốn lần so với chỉ trồng chính vụ.

Cụ thể, với một héc ta thanh long trắng, nếu chỉ trồng một vụ chính từ tháng 5 tới tháng 9 sẽ cho năng suất 5 tấn/năm (tức 5 tấn/vụ), nhưng nếu trồng nghịch vụ (hai đợt) thì mang lại năng suất khoảng 20 tấn/năm. Từ đó, mức thu nhập từ trái nghịch vụ sẽ cao hơn khoảng 70% so với vụ thuận.

Dứa cũng là loại trái đã cho quả quanh năm.

Sở dĩ như vậy, theo ông Hoàng, trồng chính vụ khó kiểm soát dịch, năng suất thấp, giá cũng thấp khoảng 10.000 đồng/kg, nhưng cũng có khi giảm xuống còn 2.000 đồng/kg; trong khi đó trồng nghịch vụ quản lý tốt, chi phí sản xuất thấp trong khi năng suất cao, giá cao, từ 10.000-20.000 đồng/kg.

Bà Võ Thị Trang, một thương lái tại thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện nay có nhiều trái cây nghịch vụ như chôm chôm, bưởi Năm Roi, thanh long, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng cơm vàng hạt lép…

Các loại trái này nhờ người trồng áp dụng các kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc nên ra trái quanh năm, sản lượng cung ứng cho thị trường ổn định. Theo đó, giá cao, mang lại nguồn thu nhập tốt cho người trồng.

Trái cây nghịch vụ đem lại lợi ích cho người trồng vì năng suất cao hơn.

“Không chỉ người trồng được lợi, mà nhiều người tiêu dùng cũng hưởng lợi. Xưa muốn ăn thanh long phải đợi đến tháng 5, muốn ăn xoài cát Hòa Lộc phải chờ đến vụ thuận (tháng 4-5), hay vụ muộn (tháng 7-9) thì nay có thể dùng quanh năm”, bà Trang nói thêm.

Ví dụ, chôm chôm nghịch vụ có trên thị trường vào các tháng 11 – 12, tháng 1- 2 – 3, cùng với trái chôm chôm thuận vụ là tháng 5, rộ mùa vào tháng 6 – 7 – 8, chôm chôm muộn tháng 9 – 10.

Thị trường theo đó có chôm chôm quanh năm. Tương tự, bưởi da xanh hay sầu riêng cũng có để sử dụng quanh năm do nhà vườn áp dụng các phương pháp trồng trọt cho cây ra hoa rải vụ.

Người lo…

Chị Thu Dịu, Thủ Đức, TPHCM là người có thói quen thèm ăn loại trái cây nào thì mua loại ấy, nào xoài, thanh long, chôm chôm. Chị cho biết, cứ thèm thì mua về nhà dùng mà không để ý lắm đến mùa vụ, nhưng rồi chị cũng nhận ra là những loại trái cây này được bán quanh năm.

Từ một mùa đơm quả trong năm như trước đây, nhiều loại trái cây nay có thể cho quả suốt bốn mùa. Ảnh: Chí Hào

Tuy nhiên, thời gian gần đây chị hầu như bỏ hẳn việc dùng loại trái cây nghịch vụ, mà lại quay về với những loại trái cây theo đúng mùa vụ dạng mùa nào trái nấy để an tâm về chất lượng hơn.

Về việc sản xuất trái cây nghịch vụ, Tiến sĩ Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng nếu quy trình sản xuất an toàn, việc sử dụng các loại phân bón đúng quy định, liều lượng thì chất lượng sản phẩm cũng sẽ đảm bảo, người sản xuất được lợi do bán được giá cao, người tiêu dùng yên tâm sử dụng.

Trái cây nghịch mùa được cho là đem lại thu nhập tốt cho người trồng, tuy nhiên cũng gây lo ngại về chất lượng. Ảnh: Chí Hào

Và tất nhiên, dù là đúng vụ hay nghịch vụ mà không theo quy trình sản xuất an toàn thì chất lượng của quả cũng sẽ không được đảm bảo.

Đồng thời, vị tiến sĩ này cũng cho rằng, cách đây mấy năm Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) đã duyệt quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực tập trung và định hướng rải vụ cho 12 giống cây trồng như thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, chuối, dứa, cam, mãng cầu và quýt.

Đến nay, một số vùng chuyên canh trái cây nghịch vụ cũng đã được hình thành nhưng thực tế mới đang ở giai đoạn mô hình, hoạt động chưa đi vào ổn định. Việc trồng trọt nghịch vụ chủ yếu lẻ tẻ, tự phát do người nông dân tự làm là chính.

Theo bà Mai, việc sản xuất trái cây nghịch vụ cần phải có sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, của cơ quan quản lý nông nghiệp tại địa phương, cần tổ chức sản xuất trong hợp tác xã, tập thể cùng làm để có kế hoạch sản xuất phù hợp, tránh tình trạng cung vượt quá cầu.

 “Tôi lo ngại xảy ra tình trạng mạnh ai nấy làm, tất cả đều đổ xô vào sản xuất nghịch vụ. Khi đó nghịch vụ sẽ thành chính vụ, rồi sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu, rồi mất giá, đổ bỏ và khó mà tránh khỏi sự lộn xộn trong sản xuất” – Tiến sĩ Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam.

Theo ghi nhận, thị trường có khoảng 12 loại trái cây nghịch vụ: thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi Năm Roi, nhãn, chuối, dứa, cam, mãng cầu, quýt; được trồng tại Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Hậu Giang…

Vũ Yến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Mê mẩn vườn dâu da trĩu quả ở An Giang

0
(SGTT) - Dâu da là loại trái cây đặc trưng của miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là ở An Giang. Mặc dù không...

Trái cây rớt giá vào mùa thu hoạch rộ, nông dân...

0
Nhiều loại trái cây ở vùng ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch rộ, giá giảm so với đầu mùa nhưng nhà vườn vẫn gặp...
thanh long vàng

Gần 1,2 triệu đồng một kilogram thanh long vỏ vàng

0
(SGTTO) - Một cửa hàng chuyên bán trái cây nhập khẩu tại TPHCM rao bán thanh long vỏ vàng với giá gần 1,2 triệu...
Bưởi hồ lô

Lo ít người mua, nhà vườn không dám làm bưởi hồ...

0
(SGTTO) - Lo lắng thị trường mùa tết năm nay sẽ trầm lắng, sức mua không cao nên nhiều nghệ nhân làm bưởi kiểng,...

Kết nối