Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Tour ngắm chim rừng tại Campuchia: hy vọng vực dậy ngành du lịch

(SGTT) – Sikol San đang thuyết minh tự nhiên ngưng bặt. Đôi mắt của người hướng dẫn viên này hướng về phía ngọn cây dừa ở rìa cánh đồng lúa. Anh điều chỉnh tầm nhìn để theo dõi một con chim đen nhỏ với chiếc đuôi chẻ đang đậu trên một cây cọ.

Campuchia là quê hương của 636 loài chim đã được ghi nhận. Ảnh: South China Morning Post

Người đồng sáng lập Hiệp hội Hướng dẫn chim Campuchia (CBGA), Sikol San bắt đầu kể chi tiết về loài drongo đen di cư, sinh sống từ tháng Chín đến tháng Năm ở nơi này. Chúng là một trong số 40-60 loài chim thường xuyên được nhìn thấy ở vùng đất nông thôn ở ngoại ô Siem Reap này.

Nơi sinh sản của nhiều loài chim

Nằm ở chân đồi của núi Phnom Krom, cách thành phố khoảng 12km, đây là điểm dừng chân nổi tiếng trong các tour du lịch nửa ngày của CBGA. Môi trường sống ở đây bao gồm đất ngập nước, ruộng lúa, đầm sen, cây cao và cây bụi, thu hút nhiều loài chim khác nhau.

Là quê hương của 636 loài chim đã được ghi nhận – bao gồm hai loài đặc hữu, bảy loài cực kỳ nguy cấp và hơn 27 loài bị đe dọa – Campuchia được ví như một thỏi nam châm thu hút những tín đồ mê ngắm chim.

Hướng dẫn du khách trong tour xem chim. Ảnh: South China Morning Post

Campuchia là nơi sinh sản của  nhiều loại chim, trong đó khoảng một nửa là chim di cư, với môi trường sống đa dạng gồm rừng ngập nước, rừng rụng lá khô nguyên vẹn lớn nhất Đông Dương, những cánh đồng lúa trải dài, những hồ nước rộng lớn, bờ biển, rừng ngập mặn, rừng thường xanh…

Dự kiến nhu cầu của du khách muốn thực hiện các kỳ nghỉ bền vững, dựa vào thiên nhiên đến những nơi xa xôi, ​​sẽ tăng cao sau khi biên giới mở cửa trở lại. Campuchia chiếm lợi thế vì có nhiều điểm thích hợp để ngắm chim.

Mardy Sean là hướng dẫn viên tại Sam Veasna Conservation Tours (Tour tham quan bảo tồn Sam Veasna – SVC), đơn vị đã tổ chức các chuyến ngắm nhìn động vật hoang dã và ngắm chim trong nửa ngày hoặc thậm chí kéo dài đến 24 ngày kể từ năm 2006.

“Khách hàng của chúng tôi đa số có sở thích quan sát chim. Họ tham gia tour vì muốn tận mắt nhìn thấy loài chim quý hiếm nhất trên thế giới. Còn những du khách khác đều là những người yêu thiên nhiên, chỉ đơn giản muốn trải nghiệm sự hoang dã”, anh nói.

Loài cò quăm lớn ở Campuchia. Ảnh: South China Morning Post

Loài chim quốc gia của Campuchia – đồng thời là một trong những loài quý hiếm nhất trên thế giới là cò quăm lớn (ibis khổng lồ), loài chim lội nước cao tới một mét. Chúng được cho là đã tuyệt chủng, cho đến năm 1993, khi các nhà nghiên cứu của Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) phát hiện một nhóm nhỏ trên vùng đồng bằng phía Bắc. Đến nay, ước tính tổng số loài chim này trên toàn cầu có khoảng dưới 300 con, sống chủ yếu ở đây và ở vùng đồng bằng phía đông Campuchia.

“Điều đầu tiên mà du khách muốn thăm khi đến Campuchia là Angkor Wat. Còn đối với một nhà yêu thích chim nghiêm túc, thì đó chính là loài ibis khổng lồ”, anh Mardy Sean nói. Họ chấp nhận chi hàng ngàn đô la đến Campuchia để xem ba loài: cò quăm lớn, cò quăm cánh xanh và chích bông Campuchia – loài chim có kích thước nhỏ, đầu có chỏm đỏ và cổ đen được phát hiện ở Phnom Penh vào năm 2009.

Anh Sikol San cho biết: “Trong công tác bảo tồn, giáo dục và cùng làm việc với người dân địa phương là chìa khóa để thay đổi hành vi của họ. Chúng tôi phải giúp họ có nguồn thu nhập khác thay vì sống bằng săn bắn và chặt cây. Trước khi Covid-19 ập đến, chúng tôi đã làm được điều này thông qua du lịch sinh thái”.

Mang lại lợi ích cho cộng đồng

Cả CBGA và SVC đều tổ chức các chuyến tham quan mang lại lợi ích cho cộng đồng ở những nơi mà họ đặt trụ sở. Các homestay và nhà nghỉ sinh thái mọc lên ở các vùng sâu vùng xa, với những người dân địa phương được đào tạo để phục vụ du khách. Người dân trong làng cũng được tuyển dụng làm hướng dẫn viên du lịch và được yêu cầu theo dõi các loài chim trước mỗi chuyến tham quan.

Nhiếp ảnh gia Senglim Suy đã điều hành Hiệp hội Giáo dục và Bảo tồn chim Campuchia từ năm 2012. Lớn lên ở một ngôi làng cách Phnom Penh khoảng 40km, từ khi còn thiếu niên, Senglim Suy nhận thấy nhiều loài chim sặc sỡ từng thường xuyên lui tới khu vực này dần biến mất.

Nhiều người dự đoán rằng du lịch ngắm chim sẽ trở nên phổ biến với những người đam mê du lịch sinh thái trên thế giới. Ảnh: South China Morning Post

Ông rất buồn và nghĩ mình phải chụp những loài chim này trước khi chúng tuyệt chủng. Senglim Suy bắt đầu đăng ảnh lên trang Facebook và vui vẻ hẳn khi nhận được các phản hồi.

Ông nói: “Nhiều người vô cùng ngạc nhiên khi thấy những loài chim tại Campuchia. Trước kia, khi nhìn thấy những con chim họ thường có ý nghĩ: Chà, ngon quá. Bây giờ họ nhìn chúng và nghĩ: Chà, đẹp quá”.

Covid-19 đã khiến Senglim Suy phải tạm dừng các buổi nói chuyện tại một số trường học. Thay vào đó, ông đang viết cuốn sách về các loài chim ở Campuchia để phân phát cho các lớp học và thư viện.

Ông nói: “Chúng ta phải bảo tồn sự sống loài chim đặc biệt của Campuchia cho thế hệ tương lai. Khi mọi người du lịch trở lại, họ sẽ đóng vai trò lớn giúp chúng ta thực hiện điều này. Nguồn thu sẽ được tài trợ cho các dự án bảo tồn và cung cấp thu nhập cho cộng đồng địa phương để bảo vệ cuộc sống của các loài chim”.

Nhiều người dự đoán rằng du lịch ngắm chim sẽ trở nên phổ biến với những người đam mê du lịch sinh thái đang khát khao khám phá vùng đất mới sau dịch Covid-19. Theo một báo cáo gần đây của Trung tâm Du lịch có trách nhiệm, ngắm chim là một trong những xu hướng phát triển nhanh nhất trong du lịch sinh thái. Các nước đang phát triển nằm ở vùng nhiệt đới có nhiều tiềm năng thu được lợi nhuận từ xu hướng ​​này.

Các khu bảo tồn quan trọng ở Campuchia:Khu bảo tồn động vật hoang dã Kulen Promtep, tỉnh Preah Vihear, là nơi sinh sản của loài cò quăm lớn, cò quăm cánh xanh, bồ câu nâu, gõ kiến xanh hông đỏ và chiền chiện núi.Khu bảo tồn chim prek toal, trong rừng ngập nước Tonle Sap, gần Siem Reap, là xứ sở của hơn 100.000 cặp cò, cùng với bồ nông, diệc bạch, cò quăm…Khu bảo tồn thực vật Bengal nằm trong những vùng đất cỏ ngập nước theo mùa của các tỉnh Kampong Thom và Siem Reap, tự hào có số lượng lớn nhất trên thế giới loài ô tác bengal (floricans bengal) – một loài chim ô tác cực kỳ nguy cấp – chưa đến 1.000 con trên toàn cầu.Tại Khu bảo tồn động vật hoang dã Chheb, cũng ở Preah Vihear, du khách có thể phát hiện ba loài kền kền cực kỳ nguy cấp – kền kền đầu đỏ, kền kền bengal và kền kền mỏ nhỏ – cùng với chim gõ kiến xanh hông đỏ, diều cánh hung và cắt nhỏ họng trắng.Cùng với chim công xanh, phượng hoàng đất và gà so cổ da cam, Khu bảo tồn động vật hoang dã Keo Seima, trải dài thuộc các tỉnh Mondulkiri và Kratie, là một trong những nơi tập trung chim gõ kiến ​​lớn nhất trên thế giới, với 16 loài.

Thanh Thảo

Theo South China Morning Post

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề