Chủ Nhật, Tháng mười một 3, 2024

Thỏa thuận gì trước khi về với nhau?

(SGTT) - “Khi bước vào một môi trường mới, dù là trường học hay nơi làm việc, chúng ta đều được phổ biến qua những quy định chung. Hôn nhân cũng vậy, chúng ta cũng cần có những thỏa thuận với người bạn đời để có cuộc sống hôn nhân như ý”, thạc sĩ tâm lý Vũ Kim Ngọc chia sẻ về tầm quan trọng của “hợp đồng hôn nhân” cho các cặp đôi chuẩn bị kết hôn.

Thạc sĩ Tâm lý Vũ Kim Ngọc.

Thạc sĩ tâm lý Vũ Kim Ngọc hiện đang công tác tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung Ương TPHCM, chuyên giảng dạy và tư vấn về các vấn đề tâm lý giáo dục, hôn nhân gia đình. Chị cũng là gương mặt quen thuộc của nhiều chương trình truyền hình tư vấn tâm lý gia đình như: Lăng kính của con, Cơm ấm gia đình... Theo chị, các cặp đôi cần chờ đợi đến thời điểm thích hợp và dựa vào các chức năng của gia đình để cùng thảo luận về cuộc hôn nhân mà cả hai mong muốn.

Thuyết tam giác tình yêu

Theo thạc sĩ Kim Ngọc, thời điểm kết hôn ở mỗi người tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là cần phải đúng thời điểm thì hôn nhân mới viên mãn. “Thời điểm đó là khi tình yêu của hai người đạt đến đỉnh cao của “thuyết tam giác tình yêu” mà nhà tâm lý học Robert Sternberg cho rằng cần hội tụ đủ ba yếu tố: hiểu biết, đam mê và trách nhiệm”, chị Kim Ngọc giải thích.

Sự hiểu biết tức là thấu hiểu, nhận biết về bản chất đối phương; đam mê nghĩa là sự yêu thích về mặt thể xác. Sự đam mê cũng như sự hiểu biết sẽ dẫn đến thái độ trách nhiệm, hay còn gọi là sự cam kết của hai người dành cho nhau để duy trì mối quan hệ dù có khó khăn. Khi các cặp đôi cảm nhận mối quan hệ đã đạt được cả ba yếu tố này thì đó mới chính là thời điểm tuyệt vời nhất để về chung một nhà.

“Khi nào thì nên kết hôn?

Thứ nhất là hiểu biết về đối phương. Thứ hai là khi vẫn còn nhiều cảm xúc dành cho nhau. Thứ ba là khi cả hai cảm thấy tự hào và có trách nhiệm với nửa kia. Thiếu một trong ba yếu tố thì không nên kết hôn”.

Thạc sĩ tâm lý Vũ Kim Ngọc

Thạc sĩ Kim Ngọc giải thích, cảm xúc và đam mê nồng nhiệt sẽ mất đi theo thời gian. Chính vì thế, hai người phải có sự thấu hiểu về nhau và có trách nhiệm với nhau để cùng hàn gắn mâu thuẫn hay chỉnh sửa khuyết điểm để dung hòa. Theo chị, khi chọn người yêu, nhiều người trong chúng ta vẫn thường chọn theo cảm tính, mải mê tìm người mà chúng ta có cảm xúc hay nói chuyện hợp rồi kết hôn vội vàng, hoặc có trường hợp lại quen nhau trong thời gian quá dài dẫn đến mất cảm xúc và khi kết hôn thì không còn hứng thú nữa.

Vấn đề hôn nhân hiện nay cũng bị “xã hội hóa” khi nhiều người kết hôn vì thấy... bạn bè đều đã lập gia đình, hay kết hôn vì đó là một phần tất yếu trong đời người. Nhưng thạc sĩ Vũ Kim Ngọc nhấn mạnh: “Các bạn trẻ nên tập trung quan sát người yêu của mình để tìm được người có đủ nhân cách, đủ trách nhiệm để trở thành người chồng hoặc vợ, sau này là ba hoặc mẹ của những đứa con của mình. Yếu tố để duy trì một cuộc hôn nhân nằm ở tình cảm và trách nhiệm của cả hai người” .

Lập “hợp đồng hôn nhân”

Theo thạc sĩ Kim Ngọc, hôn nhân là kết quả của một tình yêu đẹp và bắt đầu một hành trình mới đầy trải nghiệm. Vì vậy, các cặp đôi cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về thể chất lẫn tinh thần để cùng nhau vượt qua những thử thách hôn nhân. Từ đó, chị khuyến khích các cặp đôi nên cùng nhau biên soạn một “hợp đồng hôn nhân” - cách nói vui về những quy định riêng mà cả hai cần tôn trọng và thực hiện khi bước vào đời sống gia đình. Và bản “hợp đồng” này nên được tiến hành trong thời gian tình yêu còn nhiều đam mê và cả hai vừa bắt đầu nghĩ đến việc kết hôn.

Để có một bản thỏa thuận tốt đẹp, thạc sĩ Kim Ngọc khuyên các cặp đôi nên dựa vào năm chức năng của gia đình để làm cơ sở thảo luận. Các chức năng này có thể là năm điều khoản, bao gồm: chức năng sinh sản, chức năng giáo dục – nuôi dưỡng con cái, chức năng kinh tế, chức năng nuôi dưỡng người già và chức năng tình cảm. Trong đó, các vấn đề liên quan đến chức năng kinh tế và nuôi dạy con cái cần được thảo luận chi tiết.

Và những điều khoản quan trọng

Ở chức năng kinh tế, chị Kim Ngọc chia sẻ: “Nhiều bạn trẻ yêu nhau thì rất ngại nói về kinh tế. Tuy nhiên, hai người cần phải ngồi lại và xác định rõ với nhau về tài chính sau hôn nhân: ai sẽ là người giữ tiền, chi tiêu trong gia đình ra sao…”. Bởi vấn đề tài chính sẽ liên quan trực tiếp đến việc phụng dưỡng cha mẹ hai bên và nuôi dạy con cái.

Tương tự, vấn đề nuôi dạy con cái cũng là một trong những nguyên nhân gây mâu thuẫn hàng đầu cho các cặp vợ chồng. Bởi khi hai người đã có những đứa con thì mối quan tâm chung lẫn quan tâm nhất chính là con cái. Cả vợ và chồng cần phải trau dồi các kiến thức nuôi dạy con trước khi kết hôn để cùng hỗ trợ và thống nhất với nhau trong vấn đề giáo dục con cái.

Trong bản “hợp đồng hôn nhân”, các cặp đôi cũng cần quy định rõ về chuyện chia sẻ công việc trong gia đình, từ việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa đến nuôi con. Chị Kim Ngọc diễn giải: “Nhiều chị em phụ nữ rất hay cam chịu và nhận nhiều phần việc về mình, khi sinh con lại nhờ người lớn hai bên giúp đỡ. Việc này vô tình tạo một thói quen xấu, khiến người chồng không biết cách chia sẻ khó khăn với vợ, dẫn đến mâu thuẫn gia đình”.

Bản thỏa thuận hôn nhân này cần được đánh giá và thay đổi tùy theo thời gian để phù hợp với điều kiện sống hay các tình huống phát sinh trong quá trình chung sống. Thạc sĩ Vũ Kim Ngọc cho rằng, cần thường xuyên xem lại các điều khoản trong “hợp đồng” để cùng bàn bạc và thay đổi cho phù hợp từng giai đoạn của hôn nhân. Theo chị, khi cùng nhau thảo luận, bàn bạc về những thay đổi trong “hợp đồng hôn nhân” cũng là cơ hội để vợ chồng có thời gian nói chuyện với một nửa kia của mình.

Ngoài ra, vấn đề giao tiếp trong hôn nhân cũng được thạc sĩ Kim Ngọc đánh giá cao: “Nhiều người cho rằng, khi đã vào cuộc sống hôn nhân thì chúng ta đã hiểu nhau rồi nên ngừng nói chuyện với nhau. Nhưng sự thật là chúng ta đều là phiên bản khác của mình so với ngày hôm trước, chúng ta cần phải duy trì thói quen giao tiếp để hiểu nhau hơn”.

Nhi Vũ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM: Dịch vụ cưới vào mùa làm ăn sôi động

0
(SGTT) - Tháng 11 năm nay đến tháng 2 năm sau được xem là mùa cưới hỏi, và cũng là mùa ăn nên làm...

Tổ chức tiệc ngoài trời: nhu cầu cao, giá đa dạng

0
(SGTT) – Không phải là mô hình quá mới mẻ, tuy nhiên vài năm gần đây xu hướng tổ chức sự kiện ngoài trời...

Cập nhật ngay xu hướng cưới 2019

0
(SGTT) - Mùa cưới là mùa rộn ràng của đôi lứa yêu nhau. Ngày cưới là ngày khởi đầu cho một hành trình vun...

Chụp ảnh cưới khi hoa dã quỳ nở

0
THANH DƯƠNG -   Mùa cưới cuối năm cũng vào lúc mùa hoa dã quỳ của Đà Lạt nở rộ. Nhiều cặp đôi chọn cho mình...

Mùa cưới, chuyện trầu cau

0
Hoàng Xuân Phương Tục ăn trầu ở nước ta đã có từ ngàn xưa, từ thời Hùng Vương dựng nước. Và nay, dù không mấy...

Kết nối