(SGTTO) - "Bao giờ mới có bộ quy tắc về du lịch an toàn?" là câu hỏi nhiều doanh nghiệp, chuyên gia ngành du lịch đặt ra tại hội thảo “Đi tìm diện mạo du lịch an toàn” diễn ra sáng 22-10 tại TPHCM. Sự kiện nằm trong chuỗi hội thảo do nhóm báo Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức, từ nay đến cuối tháng 11-2020.
- Chuỗi hội thảo “Đi tìm diện mạo du lịch an toàn”
- Nhiều đề xuất trong hội thảo "Đi tìm diện mạo du lịch an toàn"
Theo các chuyên gia, những tiêu chuẩn về du lịch an toàn cho du khách khi đi đến Việt Nam càng được xây dựng, phát hành càng sớm càng tốt, sẽ giúp ngành du lịch Việt Nam sẵn sàng tái khởi động sau khi dịch Covid-19 được khống chế. Du khách cũng sẽ an tâm lên kế hoạch du lịch Việt Nam.
Không nhanh chân sẽ thua cuộc
Ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng Lữ hành, Sở Du lịch TPHCM, cho biết sau khi dịch Covid-19 lần thứ 2 tạm thời được khống chế, ngành du lịch đã sẵn sàng quay trở lại đón khách. Thế nhưng, những thay đổi lớn trong thời kỳ dịch bệnh hoành hành đã khiến hành vi, suy nghĩ của người dân và khách du lịch thay đổi.
Điều này đặt ra thách thức lớn hơn cho ngành du lịch trong việc xây dựng diện mạo du lịch an toàn. Theo đó, không chỉ vài chương trình khuyến mãi, vài hoạt động quảng cáo… là có thể kéo được khách du lịch đến với mình. Thay vào đó, phải làm sao phải để khách cảm thấy được an toàn trước dịch bệnh. Doanh nghiệp nào không làm được việc này chắc chắn sẽ bị đào thải.
Đồng quan điểm, ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Công ty Outbox Consulting, cho rằng “du lịch an toàn” đang là từ khóa nổi bật trên thế giới hiện nay. Các khảo sát của Outbox Consulting cho thấy hai nỗi lo lớn nhất của du khách là nhiễm bệnh và phải cách ly.
Do đó, yêu cầu mới cho ngành du lịch là phải thiết lập một tiêu chuẩn an toàn chung với quy trình áp dụng rõ ràng và minh bạch. Có hơn 10 nước và vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới hiện đã thực hiện được việc này, trong đó có Thái Lan và Singapore.
Ông Phước gợi ý bộ tiêu chí an toàn với 4 mục tiêu cốt lõi, được triển khai đồng nhất tại tất cả các đơn vị cung ứng dịch vụ và đối với du khách. Bộ tiêu chuẩn này bao gồm những đặc tính cơ bản như nhằm mang đến trải nghiệm tích cực và nâng cao sự tự tin cho du khách, doanh nghiệp và nhân lực ngành du lịch, được thực hiện thống nhất ở cấp độ quốc gia, do cơ quan du lịch quốc gia quản lý. Bộ tiêu chí cũng có quy trình đăng ký, cấp nhãn, kiểm tra và thu hồi rõ rang cho các đơn vị, cá nhân tham gia.
Bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch HĐTV Pegas Touristik, nhận định từ tháng 10 đến cuối tháng 3 là thời gian cao điểm ngành du lịch đón khách Nga sang Việt Nam để trú đông. Khách Nga lưu trú tại Việt Nam trung bình khoảng 12 đêm và di chuyển, tham quan rất nhiều địa điểm khác nhau nhắp cả nước nên tạo ra doanh thu lớn cho ngành du lịch.
Theo bà Thu, hiện tại, Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, tạo điều kiện cho các ngành kinh tế hoạt động trở lại. Thế nhưng, cụ thể đến khi nào doanh nghiệp mới được đón khách? Khi nào mới có bộ quy tắc chuẩn xác, đồng nhất về du lịch an toàn cho du khách đến Việt Nam.
Việt Nam hiện được đánh giá đầu bảng khu vực châu Á về an toàn với dịch bệnh Covid-19. Các doanh nghiệp lữ hành, du lịch chuyên đưa khách từ nước Nga sang Việt Nam như Pegas cũng đã sẵn sàng để đón khách khi Việt Nam mở cửa.
“Doanh nghiệp đã gần như rơi tự do kể từ ngày 18-3-2020 đến nay và không thể chờ đợi thêm nữa, vì càng đợi mình càng khó. Dịch bệnh có thể còn diễn biến phức tạp trong tương lai, mình bỏ cuộc hoặc là phải tìm cách sống chung với nó!”, bà Thu nêu vấn đề.
Bắt đầu với những việc nhỏ
Bên cạnh tính cấp thiết, các ý kiến tham gia hội thảo cho rằng, nên bắt đầu từ những việc nhỏ nhất trong hành trình xây dựng diện mạo du lịch an toàn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Images Travel, trong thời điểm dịch bệnh xảy ra, lệnh giãn cách xã hội được ban hành, nhiều đoàn du khách bị mắc kẹt tại các điểm du lịch. Điều đáng nói là ở một số địa phương đã xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm đối với du khách khiến họ có cảm giác lo sợ, thậm chí hoảng loạn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến trải nghiệm của du khách khi sang Việt Nam.
Như tại Images Travel, thời điểm tháng 3 vừa qua, doanh nghiệp có khoản 200 đoàn du khách rải khắp Việt Nam. Khi Chính phủ ban hành lệnh giãn cách xã hội, một số đoàn kịp trở về TPHCM nhưng một số đoàn bị mắc kẹt lại các tỉnh. Việc không thể trở về, cũng không thể check-in ở khách sạn khiến họ có cảm giác không tốt.
“Dịch bệnh có thể còn diễn biến phức tạp. Nếu điều này lại xảy ra thì cần có cách ứng xử khéo léo hơn, không để du khách cảm giác bơ vơ trên đất. Vì cách chúng ta đón khách và đối xử với khách du lịch khi họ đến và lưu trú tại Việt nam cũng rất quan trọng trong việc quảng bá du lịch”, ông Toản gợi ý.
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Công ty Du lịch Viet Excursions, cũng đồng tình rằng doanh nghiệp du lịch muốn tồn tại và hoạt động trở lại sau dịch bệnh Covid-19 sẽ phải đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ thông tin, phục vụ cả những hoạt động nhỏ nhất trong chuỗi.
Cụ thể, mọi yêu cầu trong vận hành du lịch đều phải thực hiện qua các ứng dụng (app), trong đó bao gồm cả các yêu cầu về dọn dẹp vệ sinh, dịch vụ ẩm thực, thanh toán... Đồng thời, doanh nghiệp lưu trú phải tổ chức lại không gian kinh doanh như giãn cách khách, thực hiện thông gió tự nhiên…
Việc này đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, đây và việc sống còn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào không còn khả năng sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Theo ông Xuân Anh, có thể phải đến đầu tháng 10-2020, các doanh nghiệp mới có thể mong đợi sự tăng trưởng trong kinh doanh.
“Nhưng nếu không làm ngay bây giờ thì mình sẽ thua cuộc. Các nước hiện đã đã tính tới kế hoạch cho ngành du lịch năm 2023 rồi”, ông Xuân Anh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng Lữ hành, Sở Du lịch TPHCM, cho biết, trước những yêu cầu cấp thiết như trên, Sở Du lịch TPHCM cũng đang triển khai một số giải pháp để thực hiện du lịch an toàn.
Theo đó, trước hết phải xác định được các điểm đến an toàn. Theo tiêu chí của Bộ VHTTDL, Sở Du lịch TPHCM triển khai bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch Covid-19 và gởi đến các doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch cũng phải áp dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch bên cạnh việc xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn nhằm thu hút du khách.
Ra mắt chương trình "Sáng kiến Điểm đến an toàn"Tại hội thảo, đại diện Thời báo Kinh tế Sài Gòn giới thiệu tới khách mời chương trình “Sáng kiến điểm đến an toàn”. Đây là chương trình thu hút các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, bao gồm lữ hành, khách sạn, nhà hàng, hàng không, vận chuyển du lịch, điểm tham quan cùng mục tiêu xây dựng ngành du lịch xanh, an toàn và thân thiện.Chương trình hướng tới việc các thành viên tự nguyện áp dụng “Bộ tiêu chí đánh giá điểm đến an toàn trong phòng chống dịch bệnh”, nhằm thúc đẩy phát triển ngành du lịch an toàn trong trạng thái bình thường mới.Đây sẽ là diễn đàn để các thành viên đóng góp ý kiến xây dựng và phát triển thị trường du lịch và những vấn đề liên quan đến ngành nghề, môi trường kinh doanh, quy chuẩn, tiêu chuẩn xanh, an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái, có khả năng đối phó với những rủi ro do dịch bệnh gây ra.Chương trình cung cấp cho các thành viên trong chương trình những kiến thức, thông tin hữu ích cho việc kinh doanh, quảng bá thương hiệu, xây dựng tiêu chuẩn xanh – an toàn của các thành viên. Chương trình cung cấp chứng nhận “Điểm đến an toàn” cho các thành viên.
Nam Bình