(SGTTO) - Vào mỗi chiều thứ Ba và thứ Năm hàng tuần, bà con nông dân ở Cồn Sơn, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ bơi xuồng, chèo ghe hối hả ra bè cá của ông Bảy Bon giữa sông Hậu để học tiếng Anh. Lớp học này cũng là tâm huyết của thầy giáo trẻ Tạ Minh Khôi dành cho bà con Cồn Sơn, nơi du lịch đang phát triển.

Chuyện bắt đầu từ năm 2019, khi anh Lê Đình Tuyển, một nhà báo tại Cần Thơ, đã nói với thầy giáo tiếng Anh Tạ Minh Khôi, hiện là giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Huyền Lê, TP Cần Thơ về những khó khăn của bà con làm du lịch tại đây do hạn chế về ngôn ngữ khi giao tiếp với du khách quốc tế.

Cũng là dân Cần Thơ, thầy Tạ Minh Khôi (27 tuổi) từ lâu đã mong muốn được đóng góp công sức vào sự phát triển của quê nhà. Nay, ý tưởng lớn gặp nhau, vậy là kế hoạch tổ chức một lớp học giao tiếp tiếng Anh đầu tiên miễn phí cho cộng đồng làm du lịch ở Cồn Sơn đã được vạch ra và anh Lê Đình Tuyển là người kết nối lớp học với bà con nông dân.

Ảnh: Đất Chín Rồng Travel

Vài năm gần đây, những người đam mê du lịch trải nghiệm không còn xa lạ gì với các tour đến làng du lịch cộng đồng Cồn Sơn. Được biết đến nhiều ở đây là làng cá bè của các hộ ngư dân vùng sông Hậu. Du khách có thể tham quan quy trình nuôi cá trên bè, tìm hiểu về các loại cá đặc trưng của sông Mê Kông như cá bắn nước, cá hô (thủy quái sông Mê Kông), cá trê hồng..., tham gia cho cá ăn, chụp hình lưu niệm.

Ngoài ra, du khách còn biết đến các món ăn Nam bộ, thử làm bánh dân gian, tham quan và thưởng thức vườn trái cây theo mùa, dịch vụ homestay miền quê, đi đò ngắm cảnh ở cồn, mua nông sản, thực phẩm tại nhà dân...

Tuy nhiên, để giới thiệu sản phẩm đặc trưng của vườn, ao tại nhà, bà con nông dân lại phụ thuộc rất nhiều vào các hướng dẫn viên của các công ty du lịch. Trong khi không ai có thể hiểu rõ "sản phẩm" Cồn Sơn bằng chính những người nông dân ở đây.

Thầy Minh Khôi cho biết: "Cồn Sơn là điểm du lịch mới, đang rất phát triển tại Cần Thơ. Hằng năm, nơi đây đón hàng chục ngàn du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Tuy nhiên, ngoại ngữ đang là rào cản rất lớn để phát triển du lịch tại đây. Bà con Cồn Sơn rất mong muốn được gần gũi và giao tiếp trực tiếp, qua đó để lại ấn tượng tốt đẹp về du lịch Cồn Sơn trong lòng du khách. Đó là lý do tôi cùng các bạn đồng nghiệp muốn tổ chức lớp giao tiếp tiếng Anh để hỗ trợ bà con".

Ở Cồn Sơn, bè cá của ông Lý Văn Bon, tự Bảy Bon, được nhiều người biết đến. Ông Bảy Bon là kỹ sư thủy sản và là người nuôi cá hơn 10 năm trên dòng sông Hậu, chuyên sưu tầm và bảo tồn các loài cá độc, lạ trên dòng sông Mê kông để phục vụ du khách đến tham quan.

Ảnh: Nguyễn Tri

Cá thương phẩm tại đây có thể kể đến cá thác lác cườm. Bè cá Bảy Bon cũng là nơi sản xuất đặc sản Cồn Sơn là chả cá thác lác và cá thác lác rút xương. Đặc biệt, ông Bảy Bon còn nhân giống những loài cá nước ngọt bị xóa sổ và bảo tồn các loài cá có nguy cơ tuyệt chủng và thả vào tự nhiên. Ngoài ra, bè cá của ông còn được các chuyên gia quốc tế liên kết với Đại học Cần Thơ nhân giống và phát triển con cá tra đầu tiên tại Việt Nam. Ông còn trực tiếp hỗ trợ bà con tại Cồn Sơn về kỹ thuật nuôi cá nhằm phục vụ du lịch cộng đồng tại cồn.

Khi quyết định thực hiện dự án về lớp học tiếng Anh, bà con Cồn Sơn đã chọn bè cá của ông Bảy Bon là nơi tổ chức lớp học. Một phần vì bè cá của ông có không gian rộng, đủ chỗ cho bà con ngồi học với đầy đủ tiện nghi và thoáng mát. Mặt khác, bà con tại đây không muốn các thầy cô giáo phải đi một đoạn đường dài dưới cái nắng gắt để đến lớp trong khi chỉ cần 5 phút đi đò là tới bè cá ông Bảy Bon.

Lớp học tại bè cá của ông Bảy Bon. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Và cứ thế, tầm 15:00 thứ Ba và thứ Năm hàng tuần, sau khi tranh thủ việc nhà, bà con Cồn Sơn lại bơi xuồng, chạy ghe từ trong kênh ra bè cá ông Bảy Bon. Thầy Minh Khôi chia sẻ: "Tôi rất xúc động trước tình cảm của bà con dành cho chúng tôi vì không nỡ để chúng tôi đi xa và cũng vì sự nhiệt tình, ham học của người dân nơi đây nữa. Đó cũng là động lực để chúng tôi xây dựng và phát triển dự án này".

Theo thầy Khôi, lớp học không hề phân biệt độ tuổi, lớn nhất là 60 tuổi, nhỏ nhất là 8 tuổi, có cả hai vợ chồng đầu tóc bạc trắng. Ai cũng hào hứng đi học lớp tiếng Anh đặc biệt này.

Để theo sát nhu cầu học tiếng Anh của bà con, thầy Minh Khôi và các thầy cô đồng nghiệp đã soạn giáo trình với nội dung gồm những câu chào hỏi cơ bản, tự giới thiệu về bản thân, về Cồn Sơn và các hoạt động trải nghiệm du lịch cộng động tại đây, mô tả những sản phẩm đặc trưng của mỗi gia đình để phục vụ khách quốc tế, đồng thời hiểu được những cảm nhận từ phía du khách.

Ảnh: Nguyễn Tri

Thấy Minh Khôi cho biết: "Thật ra ban đầu lớp học cũng có nhiều khó khăn. Do công việc của mỗi gia đình khác nhau nên thời gian học phải sắp xếp thế nào cho phù hợp với mọi người. Học viên ở nhiều độ tuổi nên khả năng tiếp thu, năng khiếu học ngoại ngữ và kiến thức nền về tiếng Anh cũng chênh lệch. Đặc biệt, bà con lớn tuổi hay quên bài".

Để bà con tiếp thu bài học dễ dàng và hiệu quả hơn, phần lớn thời gian trong lớp học đều dành để luyện tập và ghi nhớ bài tại chỗ. Bên cạnh bài học, các giáo viên còn tạo nhiều hoạt động tương tác, giả định các tình huống tiếp đón du khách để bà con thực hành. Các giáo viên cũng hướng dẫn bà con cách tự học ở nhà để theo kịp chương trình học.

Ngoài ra, bà con còn tiếp cận cách học mới qua các tập tin hình ảnh, âm thanh, bài đọc mẫu để có thể học ở cứ lúc nào. Để giúp những người lớn tuổi nhớ bài, các học viên nhỏ tuổi chịu trách nhiệm "kèm cặp" ôn bài cho các học viên lớn tuổi. Sau mỗi buổi học, bà con tập hợp nhau lại để luyện tập, hỗ trợ chỉnh sửa cho nhau.

Ảnh: Nguyễn Tri

"Bà con học rất hăng say, siêng lắm", thầy Minh Khôi vui mừng nói, "Mặc dù rất bận rộn nhưng bà con vẫn cố gắng đến lớp vì họ rất muốn giao tiếp với du khách nước ngoài. Lớp học lúc nào cũng xôm tụ, mọi người chào hỏi nhau bằng tiếng Anh rôm rả lắm. Hôm nay, bà con đã tiến bộ nhiều khi có thể giới thiệu về Cồn Sơn bằng tiếng Anh với phát âm đúng và hay". Theo lời thầy Khôi, mọi người đang học đến phần giới thiệu về từng mô hình du lịch của các hộ gia đình. Người học ở lớp, rồi luyện thêm ở nhà và cố gắng sử dụng những gì đã học vào đời sống hằng ngày. Ví dụ khi gặp tình huống nào đã học là bà con nói ngay bằng tiếng Anh, đôi lúc vừa tiếng Việt vừa tiếng Anh xen lẫn nhau.

Đã gần hai tháng kể từ khi lớp học tiếng Anh ở Cồn Sơn bắt đầu, đến nay lớp học vẫn tiếp tục diễn ra đều đặn theo lịch học. Bà con luôn kiên trì, siêng năng đến lớp nên tiến bộ nhanh. Chẳng mấy chốc, bà con làm du lịch ở Cồn Sơn sẽ nói tiếng Anh lưu loát. Một tín hiệu vui cho du lịch Cồn Sơn.

Quỳnh Châu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây