Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024

Thấm đượm hồn quê nồi cháo lươn xứ Quảng

(SGTT) - Trong ký ức của tôi vẫn còn nhớ như in nồi cháo lươn mẹ nấu cho cả nhà ăn sáng ở một miền quê xứ Quảng. Cho đến bây giờ vẫn dậy một mùi hương “cũ”, vẫn nóng hổi thơm nồng.
Mát lòng tô cháo lươn xứ Quảng. Ảnh: Tiên Sa

Mặc dù xa quê đã nhiều năm nhưng tôi vẫn nhớ mùi củ nén và rau răm thơm “nức mũi”, mùi nghệ tươi ngai ngái cùng các loại gia vị khác quyện lại, thấm sâu vào từng tế bào khứu giác. Hồi đó, nồi cháo lươn mẹ nấu tỏa hương gạo lúa mới vụ Đông Xuân thơm ngào ngạt điểm xuyết mấy hạt sen màu vàng ngà ăn bùi bùi, chỉ một chốc đã thưởng thức xong hai tô cháo lươn.

Món cháo lươn miền Trung xứ Quảng là một món ngon nổi tiếng bởi nơi đây, sẵn nguồn nguyên liệu dồi dào lại dễ kiếm, người dân thường tự “bẫy” được nhiều lươn chia cho cả xóm cùng ăn. Lại nghe dân gian truyền miệng lươn là liều thuốc bổ hữu hiệu, “ăn lươn không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”, vừa ngon lại dễ chế biến, nên các gia đình thường xuyên nấu món cháo lươn vào bữa sáng như món điểm tâm.

Có điều chắc rằng chính nhờ những con lươn nơi chốn đồng sâu sình lầy đó, mà người dân quê tôi vất vả một nắng hai sương nhưng sức khỏe vẫn dẻo dai bền bỉ, những đứa trẻ con nhà nghèo vẫn mạnh khỏe đùi đụi, hay ăn chóng lớn ít khi bị bệnh lặt vặt.

Những ngày ở quê, hầu như ngày nào cha tôi cũng ra vườn bắt ít giun đất băm nhỏ rồi cho vào ống trúm (ống lồ ô) làm hom một đầu, đầu kia để mắt cây lồ ô lại. Tôi theo ông đem số ống trúm đó ra ruộng hoặc mấy chỗ sình lầy nơi có lươn sống cắm xuống nước. Lươn đánh hơi nghe mùi giun chui vào ống rồi không ra được nữa vì có hom giữ lại. Ngoài đặt ống trúm ông còn dùng cần câu lươn, hoặc tìm hang lươn nơi nước cạn để đào.

Ngày nào cha con tôi cũng bắt được những con lươn vàng ươm nhìn hết sức đã mắt, nên thức ăn cho bữa cơm hằng ngày lúc nào cũng có món lươn, mẹ cũng “vận dụng” tài nấu nướng để chế biến đủ kiểu hết nấu cháo, nấu lẩu, um chuối đến xào sả ớt, xào lăn…

Lươn sau khi sơ chế. Ảnh: Tiên Sa

Thịt lươn dai có vị béo và mang hương thơm đặc trưng, không lẫn với bất cứ thịt loài vật nào khác, nhưng ăn riết cũng ngán nên thỉnh thoảng mẹ bán bớt kiếm tiền đổi qua thịt, cá, thay đổi thực đơn cải thiện bữa ăn cho cả nhà.

Duy chỉ có món cháo lươn buổi sáng là tôi yêu cầu mẹ đừng thay thế vì tôi chỉ còn ăn thêm được mấy ngày nữa là hết ngày phép, quay về lại miền Nam nơi tôi công tác, món cháo lươn mẹ nấu chưa mang ra khỏi bếp mùi thơm đã lan tỏa khắp xóm sẽ là món “xa xỉ” luôn nằm trong ký ức tôi và không biết đến bao giờ mới có dịp được thưởng thức lại hương vị ngày xưa.

May mắn biết bao khi mỗi con người có một miền quê, một gia đình, một nguồn cội và những món ăn dân dã quê hương để nhớ tìm về. Lòng luôn hướng về quê hương cũng là một lẽ tự nhiên của con người, ví như một mạch ngầm, âm ỉ cháy trong tâm trí những đứa con đồng quê xa xứ, mà nhớ nhất là nồi cháo lươn mẹ dậy nấu mỗi bữa khi gà chưa gáy sáng trong cái chái bếp ngày thơ.

Về quê tôi, mọi người sẽ nghe các cô thôn nữ ở vùng chợ Ái Nghĩa (Đại Lộc, Quảng Nam) vừa mang cháo lươn cho khách hàng vừa ngâm nga câu ca:

Mời anh ăn bát cháo lươn

Đậm đà hương vị vấn vương quê nhà

Mai nầy dẫu có đi xa

Nhắc anh nhớ lại Đại Hòa quê em

Tiên Sa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối