Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Thách thức của sinh viên học ngành du lịch trong đại dịch Covid-19

(SGTT) - Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp khiến nhiều hoạt động kinh doanh gần như “đóng băng”, các nhà hàng đóng cửa, các công ty du lịch cũng tạm dừng hoạt động hoặc giải thể. Đó cũng chính là thách thức đối với các bạn sinh viên ngành du lịch đang theo học và có những học phần phải thực tập, kiến tập tại doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Du lịch Images Travel, đang chia sẻ kiến thức về một hoạt động chuyên Inbound cho sinh viên khoa Du lịch, Đại học Văn Lang.

Trong chương trình đào ngành du lịch, sinh viên sẽ có ít nhất là vài học phần, môn học phải đi kiến tập và thực tập tại các công ty lữ hành, khách sạn, nhà hàng… tùy theo chuyên ngành học.

Theo đó, đối với chuyên ngành du lịch, quản trị du lịch, quản trị lữ hành ở bậc đại học hiện nay ở các trường như Đại học Văn Hóa, Đại học Công nghệ TPHCM (Hutech), Đại học Văn Hiến, Đại học Công Nghiệp, Đại học Văn Lang... có các tour miền Tây cho sinh viên năm 2, tour miền Trung hay xuyên Việt cho sinh viên năm 3 và thực tập tốt nghiệp tại các doanh nghiệp du lịch cho sinh viên năm 4.

Tùy theo quy định của mỗi trường mà sinh viên có thời gian thực tập ở đơn vị (công ty du lịch) nhiều hay ít. Thông thường từ 2 đến 3 tháng để sinh viên có thể thực hành tất cả các kiến thức nghiệp vụ chuyên môn đã được học ở nhà trường vào thực tiễn.

Sinh viên thực tập tại công ty du lịch và báo cáo thiết kế đường tour.

Hiện nay, nhiều trường đã và đang thực hiện chương trình Học kỳ doanh nghiệp, tức là đưa sinh viên về doanh nghiệp để doanh nghiệp dạy và hướng dẫn sinh viên các môn học thay thế cho một số môn học tốt nghiệp tại trường. Tuy nhiên, với tình hình dịch Covid-19 buộc doanh nghiệp phải ngưng hoạt động, việc thực hiện Học kỳ doanh nghiệp của sinh viên đang gặp nhiều khó khăn vì nhân lực, quy mô đơn vị và mỗi doanh nghiệp có một cách thức hoạt động khác nhau.

Đối với sinh viên hệ cao đẳng và trung cấp, hiện có trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn là đơn vị có chương trình giảng dạy và thực tập nhiều nhất và bắt buộc sinh viên tham gia.

Các trường theo hệ trung cấp, nghề thì số lượng sinh viên theo học và việc thực tập khác hơn so với chương trình đại học. Tuy nhiên, hầu hết các trường cao đẳng và trường nghề trong thời điểm hiện tại đều dừng lại các chương trình thực tập để chờ đến thời điểm thích hợp sẽ tiến hành các hoạt động tiếp theo.

Trong tình hình dịch Covid -19 như hiện nay, nhiều trường có đào tạo du lịch đang đau đầu nghĩ các biện pháp để giúp sinh viên thực tập nghề nghiệp của mình.

Việc thực tập không chỉ giúp cho sinh viên được cọ sát với thực tế công việc, thực hành những kiến thức đã được học ở trường mà còn mở rộng mối quan hệ với xã hội. Chính vì vậy, nhu cầu đi thực tập tại đơn vị là nhu cầu thực tế, chính đáng và bắt buộc đối với sinh viên.

Từ các hoạt động thực tập của sinh viên, doanh nghiệp cũng có cơ hội tiếp cận nhân sự, tìm được các em sinh viên có tố chất tốt trong hoạt động, hành nghề du lịch; đồng thời việc thực tập cũng góp phần giúp đơn vị sử dụng lao động đỡ đào tạo lại nhân sự khi tuyển dụng.

Sinh viên du lịch thực tập tại doanh nghiệp là một học phần bắt buộc.

Theo như tìm hiểu của người viết, hiện tại các trường chọn giải pháp thực tập online, tức là các doanh nghiệp sẽ hỗ trợ sinh viên thực tập tại nhà. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng hỗ trợ các trường thực hiện việc này vì nhân sự không có, đối tác cũng không có dẫn đến việc thực tập trực tuyến công ty không mặn mà hoặc không thực hiện được.

Điều này đã phần nào làm xuất hiện thực trạng sinh viên thì chán nản do không thể thực tập thực tế nên cũng muốn dừng việc thực tập để đến khi hết giãn cách, du lịch được hoạt động bình thường. Nhưng nếu như vậy, tiến độ học tập của sinh viên sẽ bị ảnh hưởng. Và toàn bộ chương trình của nhà trường sẽ bị chậm lại.

Chính phủ, chính quyền đang nỗ lực dập dịch, nhân dân đang thực hiện giãn cách và sinh viên du lịch của các trường Đại học đang mong muốn có chỗ thực tập để ra trường. Đó là mong muốn lớn nhất của tất cả chúng ta trong cơn đại dịch này, mong muốn cuộc sống trở lại bình thường mới, để hoạt động giáo dục, đào tạo và hoạt động du lịch trở trở lại sự nhộn nhịp như xưa.

Khó khăn cần một giải pháp căn cơ, tốt nhất để nhà trường cũng thuận lợi, sinh viên được hài lòng chuẩn bị cho tương lai công việc, doanh nghiệp cũng không đào tạo lãng phí nguồn nhân lực du lịch. Câu hỏi lớn cần sự tham gia của nhiều người, nhiều cấp trong tình trạng dịch bệnh còn khó khăn như hiện nay.

Thạc sĩ Vũ Nhật Tân

Ngành Việt Nam học, Khoa Khoa học xã hội và Quan hệ công chúng, Đại học Hutech

Mời đón xem tọa đàm: Đào tạo nhân sự du lịch trong mùa dịch: Khó khăn và giải pháp

Vào lúc 9:30 Chủ nhật, ngày 5-9-2021, Sài Gòn Tiếp Thị cùng Sáng kiến Điểm đến an toàn sẽ tổ chức chương trình Chat với doanh nhân du lịch xoay quanh chủ đề Đào tạo nhân sự du lịch trong mùa dịch: Khó khăn và giải pháp. Chương trình được phát livestream trực tiếp trên fanpage Sài Gòn Tiếp Thị.

Chương trình do Sài Gòn Tiếp Thị cùng Sáng kiến Điểm đến an toàn thực hiện và nằm trong loạt nội dung “Họ sống thế nào trong đại dịch” của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, có sự đồng hành phát trên kênh fanpage VTC News và fanpage Đài Truyền hình Hậu Giang.

Trong chương trình này, Thạc sĩ Lê Hòa Hiệp, Giám đốc một công ty du lịch với hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch và hiện cũng đang là giảng viên dạy du lịch của một trường đại học ở TPHCM sẽ là người dẫn chuyện.

Khách mời của chương trình hôm nay là Tiến sĩ Trương Thị Hồng Minh, Trưởng khoa Du lịch trường Đại học Hoa Sen và Thạc sĩ Nguyễn Minh Thạnh, Trưởng bộ môn Lễ tân, trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối