Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Tạo cuộc đời mới cho nội y cũ

(SGTT) - Theo thống kê của các tổ chức về môi trường trên thế giới, quần áo đã qua sử dụng là nguyên nhân phổ biến thứ 2 gây ra ô nhiễm môi trường. Để giảm bớt tình trạng ô nhiễm môi trường bởi nội y cũ, thương hiệu BOM Sister đã khởi động dự án Mảnh Xanh - Mạng lưới Tái chế Nội y Việt Nam nhằm thu gom và tái chế nội y cũ thành vật liệu xây dựng và không gây phát thải.

Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, tại Việt Nam hiện có hơn 900 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, trong đó chưa đến 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Có hơn 80% quần áo cũ đều được xử lý tại các bãi chôn lấp. Thời gian phân hủy của quần áo còn tùy thuộc vào chất liệu, một số chất liệu vải như vải polyester cần tới 200 năm để phân hủy.

Tủ thu gom nội y cũ của dự án Mảnh Xanh được đặt tại một số trường đại học. Ảnh: NVCC

Chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Đăng Thiện, CEO Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Bạc Hà Xanh sở hữu thương hiệu BOM Sister, cho biết “Nội y là loại quần áo không thể thiếu và được mọi người thay mới thường xuyên để đảm bảo sức khỏe. Từ lúc hoạt động đến giờ, BOM Sister có hơn 1 triệu khách hàng, số lượng nội y cũ thải ra môi trường rất nhiều. Đồ nội y thường có sự kết nối với người phụ nữ chặt chẽ hơn so với trang phục bên ngoài, do đó họ sẽ ngại việc xử lý nội y và thường chọn cách đốt hoặc chôn lấp”.

Trước những hệ lụy nghiêm trọng do nội y cũ gây ra, các hoạt động thu gom và tái chế nội y thành vật liệu xây dựng và không gây phát thải đã mở ra những cách thức mới để người dân có thể hành động vì môi trường một cách thiết thực hơn.

Dự án Mảnh Xanh bắt đầu khởi động từ tháng 12-2023 và thử nghiệm đặt tủ thu gom ở chính các cửa hàng nội y của BOM Sister. Từ tháng 5-2024, dự án bắt đầu đẩy mạnh truyền thông để tạo được hiệu quả thu gom nhiều hơn, đồng thời tìm kiếm thêm các đơn vị chia sẻ nguồn lực trong việc thu gom nội y cũ.

“Tới thời điểm hiện tại, Mảnh Xanh đã thu gom được khoảng 200kg nội y cũ. Mục tiêu đầu tiên của dự án là tái chế được 1 tấn nội y cũ thành xi măng với công nghệ không gây phát thải cho môi trường”, ông Thiện cho biết.

Các bạn sinh viên đóng góp nội y cũ cho dự án Mảnh Xanh. Ảnh: NVCC

Ông Thiện chia sẻ rằng “Tất cả nhân sự của dự án Mảnh Xanh đang nỗ lực với mong muốn có thể mang dự án đến gần hơn với chị em phụ nữ, đặc biệt là các bạn sinh viên, phá vỡ những rào cản tâm lý liên quan đến việc tái chế nội y. Từ đó, nội y cũ có thể tạo thêm được giá trị thay vì trở thành gánh nặng cho môi trường”.

Trong thời gian sắp tới, Mảnh Xanh có kế hoạch phát triển trạm thu gom nội y ở một số khu dân cư, chung cư và các thương hiệu mỹ phẩm, thời trang tại TPHCM và nhân rộng ở những khu vực khác. “BOM Sister đang có kế hoạch nhân rộng dự án Mảnh Xanh ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, hiện đang có ở Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk”, ông Trần Hoàng Lân, Giám đốc Marketing thương hiệu BOM Sister cho biết.

Dự án Mảnh Xanh - Mạng lưới Tái chế Nội y Việt Nam có trạm thu gom nội y ở tất cả các cửa hàng của BOM Sister. Người dân có thể đến trực tiếp hoặc gửi nội y đến cửa hàng để đóng góp cho dự án.

Bích Duy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối