Đức Tâm
“Mẹ, mẹ mang đậu về xào cho con ăn nhé”, bé Mina vừa hái những trái đậu vừa nói với mẹ trong một buổi sáng Chủ nhật làm vườn trên sân thượng trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist (STHC). Bên cạnh hai mẹ con bé Mina, cũng trong khu vườn rộng khoảng 400 m2 với hơn 50 loại cây, rau, hoa, củ, quả, là một bé trai đang háo hức tưới nước cho những luống rau cùng người thân.
Từ hai tháng gần đây, mỗi sáng Chủ nhật, khu vườn này luôn là điểm hẹn của các bạn sinh viên thích làm vườn, của những phụ huynh cùng con trẻ với mong muốn cho bé có những trải nghiệm cùng thiên nhiên.
Gieo hạt
Nhìn khu vườn rợp một màu xanh, ít ai biết rằng cách đây hơn sáu tháng, sân thượng này chỉ là một mảng bê tông dầm mình dưới mưa nắng và chắc chắn nó vẫn sẽ như vậy nếu không có sự gặp nhau giữa hai ý tưởng từ thầy Trần Văn Hùng, Hiệu trưởng nhà trường và cô sinh viên ngành bếp đam mê trồng rau Phạm Thùy Dương.
Tại sao mình không làm một khu vườn tại đây, vừa để phủ xanh mái trường, vừa để sinh viên ngành bếp hiểu cây rau, củ quả mà họ dùng được trồng như thế nào; để sinh viên ngành quản lý khách sạn hiểu rằng mọi thứ đều có thể tái sử dụng và không có gì là rác cả; hoặc để sinh viên ngành du lịch có thể tự tin khi giới thiệu thế nào là nông nghiệp xanh, thế nào là sống xanh...? “Tôi ấp ủ ý tưởng này và khi em Dương đề nghị trồng rau trên sân thượng là tôi đồng ý ngay”, thầy Hùng nhớ lại và giới thiệu cô sinh viên đang theo học ngành bếp tại trường.
Trước mắt tôi là Thùy Dương, một cô gái có làn dan ngăm đen, cái màu đen có lẽ được cô gái trẻ đánh đổi với nắng và gió cùng thời gian để có những khoảng xanh cho mọi người có may mắn đến khu vườn này.
Nói vậy có lẽ cũng chưa đủ với những gì Thùy Dương đã trải qua. Với đam mê và niềm tin, Dương đã dũng cảm tạm ngưng việc học sáu tháng để đi tìm hiểu các phương cách làm vườn khác nhau, theo học làm vườn từ những người nông dân. Và rồi khi trở về, đi cùng Dương không chỉ là những kinh nghiệm mà còn có cả những người bạn cùng sở thích đến từ khắp nơi để cùng với những sinh viên tại trường chung tay xây dựng khu vườn.
Nói về đứa con tinh thần của mình, Dương nhiệt tình giới thiệu, đây là giàn nho được các bạn sinh viên ngành du lịch lấy giống đem về từ Phan Rang trong một chuyến thực tập, đây là hồ nước được chính tay các bạn sinh viên cùng tình nguyện viên quốc tế xây, trong hồ là cây đước được mang về từ rừng ngập mặn Cần Giờ, còn đây là luống rau được ghép lại từ những tấm thớt đã hết hạn sử dụng trong lớp bếp của trường...
Đặc biệt nhất, có lẽ là chiếc thùng phuy nhựa được khoét các lỗ để ươm đủ loại hạt, cây giống từ cải, húng quế, đến ngò, mồng tơi... Chính giữa thùng phuy là một ống nhựa, được đục các lỗ nhỏ ở khắp thân từ trên xuống dưới, đồng thời được cấy trùn quế bên trong. Thức ăn, vật liệu rau quả thừa sau chế biến được cho vào ống nhựa, trùn quế sẽ phân hóa lượng rác hữu cơ này thành phân, dưới dạng dung dịch lỏng, thẩm thấu đều qua các lỗ nhỏ cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Phía dưới đáy thùng phuy là một chiếc khay để đựng dung dịch lỏng còn thừa sau khi thẩm thấu vào lớp đất trồng. Dung dịch này được pha loãng làm thành phân bón cho các loài cây khác trong khu vườn.
[box type="bio"] Sáng kiến xanh
Sau một thời gian hoạt động, các viên gạch trong sân trường STHC bị nứt, vỡ cần thay mới. Nhà trường quyết định trải cỏ nhân tạo cho sân trường thay vì dùng những loại gạch granite. Ban đầu, các thành viên trong ban lãnh đạo nhà trường khá lo lắng nhưng sau khi hoàn thành, một mảng không gian xanh hiện ra mang lại cảm giác thật sự tươi mát cho ngôi trường, và thỉnh thoảng ngay cả những chú chim sẻ cũng sà xuống vì tưởng đây là bãi cỏ thiên nhiên, theo ông Trần Văn Hùng, Hiệu trưởng trường STHC.[/box]
Lan tỏa
Sau một thời gian trồng trọt, thành quả đã đến. Ngoài lượng rau, đặc biệt là các loại rau thơm dùng cho sinh viên ngành bếp thực tập, lượng rau, củ còn lại được bán cho sinh viên. Tại bàn bán rau có đặt một con heo đất, sinh viên tùy ý chọn sản phẩm và trả tiền theo định giá của mình. “Việc bán rau chỉ mang tính tượng trưng. Tụi em muốn lan tỏa ý thức sống xanh đến với tất cả các bạn sinh viên”, Thùy Dương nói.
Bên cạnh rau, những hạt giống hoa quả khác được chọn lọc từ chính khu vườn, rồi ươm mầm thành cây con và mang tặng đến sinh viên, khách tham quan và tất cả những ai quan tâm yêu thích, cô gái trẻ Thùy Dương tự hào chia sẻ.
“Mỗi sáng Chủ nhật, tụi em có tổ chức ngày Chủ nhật làm vườn, miễn phí cho tất cả mọi người tham gia. Mọi người sẽ được hướng dẫn để có thể tự tay chuẩn bị đất để trồng rau, để hiểu tro, trấu, sơ dừa, đất thịt, phân bò... được trộn với nhau theo tỷ lệ nào. Người tham gia cũng sẽ được học cách làm giàn cho loại cây leo, học cách ươm hạt, chuyển cây con từ hộp sữa qua chậu lớn và nếu có thời gian, sẽ cùng các bạn ăn bữa cơm thân mật với những dĩa rau, đậu bắp... do chính tay mình thu hoạch và chế biến”, Thùy Dương kể và mời tôi tham gia vào hoạt động ngày Chủ nhật sắp đến.
Được biết khu vườn cũng từng được dùng hỗ trợ dự án GetGreen, một dự án thúc đẩy tiêu dùng bền vững tại Việt Nam, thực hiện chương trình tá điền thành thị vào cuối năm 2014. Đồng thời, khu vườn này cũng là nơi học tập và trải nghiệm cho các học sinh trung học do nhóm Green Youth Collective đưa đến.