(SGTT) – Theo các chuyên gia y tế, sau khi điều trị khỏi Covid-19, mọi hoạt động thể thao nên thận trọng để đề phòng các rủi ro nguy hiểm. Thời gian vận động của người bệnh tùy thuộc vào từng cơ địa, lứa tuổi, tiền sử bệnh, mức độ tổn thương phổi nặng hay nhẹ để có bài tập luyện đúng cách.
- Tự luyện yoga tại nhà mùa dịch, hiệu quả đến đâu?
- Thắc mắc mùa dịch: Làm gì để hóa giải bệnh lười vận động tại nhà?
- TPHCM ban hành bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong hoạt động thể dục thể thao
Quá trình mắc Covid-19 làm cho phổi bị viêm, xơ hóa, cũng như khiến các hệ thống hô hấp khác bị tổn thương, dẫn đến thiếu oxy. Đây là một trong những lý do dù làm xét nghiệm RT-PCR có kết quả âm tính nhưng nhiều bệnh nhân đã khỏi Covid-19 vẫn thường xuyên tức ngực, mệt mỏi, đau nhức xương khớp, ít ăn uống, lười vận động và chất lượng cuộc sống bị giảm đi rõ rệt.
Sau khi khỏi Covid-19, tập luyện thể dục đóng vai trò rất quan trọng giúp người bệnh cải thiện tinh thần, tăng sức đề kháng cho cơ thể và phổi nhanh được hồi phục. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân đang tự hỏi thời điểm nào thích hợp để hoạt động thể chất trở lại.
Theo các nhà nghiên cứu của Viện Y học Thể thao của Mỹ, sau khi hồi phục, thời gian vận động của bệnh nhân sẽ tùy thuộc vào từng cơ địa, lứa tuổi, tiền sử bệnh, các triệu chứng trước đó và mức độ tổn thương phổi nặng hay nhẹ để có bài tập luyện đúng cách.
Một số phân tích chỉ ra những người từng bị các triệu chứng về hô hấp liên quan đến phổi như viêm phổi nên nghỉ ngơi ít nhất một tuần sau khi các triệu chứng thuyên giảm. Sau đó, người bệnh có thể trở lại hoạt động thể chất như bình thường và theo dõi nhịp thở để kiểm soát tình trạng sức khỏe
Với nhóm người có triệu chứng về tim như tim đập nhanh, tức ngực… nên đợi ít nhất từ 2-3 tuần kể từ khi tình trạng bệnh thuyên giảm. Đặc biệt, những người đã từng bị viêm tim nên hết sức cẩn trọng, đợi khoảng 6 tháng để hoạt động thể chất trở lại.
Những người có các vấn đề về huyết học (liên quan đến máu) như cục máu đông, có thể bắt đầu tập luyện thể chất với cường độ thấp như đi bộ bước ngắn với tốc độ thong thả, thoải mái vì hoạt động này có thể làm giảm tình trạng đông máu ở người bệnh.
Đối với nhóm đối tượng có triệu chứng cơ xương khớp như mệt mỏi, đau nhức cơ thể, các nhà nghiên cứu đưa ra lời khuyên nên đợi cho đến khi tình trạng bệnh giảm bớt thì bắt đầu hoạt động thể chất. Còn với tình trạng bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng, các nhà nghiên cứu vẫn khuyên bệnh nhân nên tập thể dục ở mức khoảng 50% so với khả năng tập luyện trước khi mắc bệnh.
Tuy nhiên, người đã khỏi Covid-19 cần kiểm soát cơ thể và dừng ngay việc tập luyện nếu xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, đau ngực, tim đập nhanh, khó thở, sưng ở tứ chi… Các trường hợp xuất hiện triệu chứng nặng, người tập nên có sự tham vấn của các bác sĩ để đánh giá tình trạng sức khỏe trước khi tham gia vận động trở lại.
Sau khi điều trị khỏi Covid-19, người tập không được chủ quan, cần theo dõi kỹ càng để đề phòng các rủi ro nguy hiểm. Mọi hoạt động thể thao nên thận trọng, tránh tình trạng gắng nhiều sức, đồng thời việc chọn bài tập phải phù hợp với thể trạng, bệnh lý hoặc các chấn thương xảy ra thời gian trước đó.
Minh Thảo
Theo Healthline, Woman’s World
Sài Gòn Tiếp Thị phát động chương trình “Chèo SUP sau giãn cách”. Chương trình sẽ là nơi đăng tải những câu chuyện, kinh nghiệm của bản thân, người thân hoặc bạn bè về những khó khăn và thuận lợi trong quá trình làm quen, tham gia môn chèo SUP, giới thiệu các cung chèo SUP ở TPHCM và các tỉnh, thành phố khác trên mọi miền đất nước.Để tham gia chương trình, bạn đọc gửi thông tin trực tiếp đến tòa soạn tổ chức qua email admin@sgtiepthi.vn, ghi rõ chủ đề: “Chèo SUP sau giãn cách”_ tên tác phẩm hoặc truy cập vào facebook Sài Gòn Fit và Sáng kiến Điểm đến an toàn để đăng tải thông tin, hình ảnh, video clip do bản thân hoặc đồng nghiệp thực hiện.