Chủ Nhật, Tháng Năm 12, 2024

Số người mất việc làm ở Việt Nam quí 3 cao nhất trong vòng 10 năm

Tổng cục Thống kê cho biết, do ảnh hưởng đợt dịch Covid-19 lần thứ tư tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế đã khiến cho tình hình lao động mất việc làm quí 3-2021 nặng nề nhất từ trong 10 năm gần đây.

Lực lượng lao động trong quí 3 giảm 2 triệu người

Công bố hôm 11-10 của Tổng cục Thống kê về Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm quí 3 năm nay đã cho thấy những bức tranh màu xám.

Số người có việc làm giảm sâu so với quí trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức cao nhất chưa từng thấy. Thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng so với quí trước và cùng kỳ năm trước.

Nhiều lao động từ TPHCM bị mất việc làm trên đường quay về quê, được tiếp tế thức ăn, nước uống ở gần cầu Cần Thơ. Ảnh: Phạm Đỗ Minh Trung.

Dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và kéo dài đã làm tăng tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi (từ 15 tuổi trở lên) trong quí 3 lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quí 3-2021 là hơn 1,8 triệu người, tăng hơn 700.000 người so với quí trước và tăng 620.000 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quí 3-2021 là 4,46%, tăng 1,86 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,74 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 5,33% và 3,94%). Điều này khác với xu hướng thị trường lao động thường được quan sát ở nước ta với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường nghiêm trọng hơn so với thành thị.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quí 3-2021 là 49,1 triệu người, giảm 2 triệu người so với quý trước và giảm 2,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lực lượng lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn (giảm 1,4 triệu) và ở nữ giới (giảm 1,1 triệu người). So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn (giảm gần 2,3 triệu người) và lực lượng lao động nam (giảm hơn 1,2 triệu người). Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ tư đã làm lực lượng lao động ở mức thấp nhất kể từ khi dịch xuất hiện.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quí 3-2021 là 65,6%, giảm 2,9 điểm phần trăm so với quí trước và giảm 3,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Xem xét theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở hầu hết các nhóm tuổi, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 55 tuổi trở lên (thành thị: 33,3%; nông thôn: 47,2%) và nhóm từ 15-24 tuổi (thành thị: 33,3%; nông thôn: 44,1%). Điều này cho thấy, người dân tại khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị. Đây là đặc điểm điển hình của thị trường lao động với cơ cấu lao động tham gia ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao.

Trong quí 3-2021, lao động có việc làm trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 14,5 triệu người, tăng 673.100 người so với quí trước và tăng 479.000 người so với cùng kỳ năm trước; ngành công nghiệp và xây dựng là 15,7 triệu người, giảm 952.500 người so với quí trước và giảm 960.100 người so với cùng kỳ năm trước; ngành dịch vụ là 17,1 triệu người giảm 2,3 triệu người so với quí trước và cùng kỳ năm trước.

Giãn cách xã hội kéo dài trong 3 tháng của quí 3 đã làm trầm trọng hơn thị trường lao động và ảnh hưởng mạnh tới ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, số lao động trong hai ngành này đều giảm mạnh chưa từng có trong nhiều năm gần đây. Ngược lại, lao động trong ngành nông nghiệp lại có xu hướng tăng, trái ngược với những xu hướng thường thấy trước đây, chủ yếu là do số lao động mất việc tại các tỉnh thành phía Nam quay trở về địa phương và làm việc trong ngành nông nghiệp.

Lao động phi chính thức cũng không tìm được việc làm

Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến khu vực chính thức làm số lao động trong khu vực này giảm mà còn lan rộng sang cả khu vực phi chính thức khiến người lao động không còn cơ hội tìm được việc làm phi chính thức như thường thấy trước đây.

Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người lao động không thể tìm được việc làm, kể cả việc làm tạm thời trong giai đoạn này. Trong quí 3, số lao động có việc làm chính thức là 15,1 triệu người, giảm 468.900 người so với quí trước và giảm 657.000 người so với cùng kỳ năm trước; số lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông lâm nghiệp thủy sản là 18 triệu người, giảm 2,9 triệu người so với quí trước và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập bình quân tháng của lao động quí 3 năm nay là 5,2 triệu đồng, giảm 877.000 đồng so với quí trước và giảm 603.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao hơn lao động ở khu vực nông thôn 1,35 lần (6,2 triệu đồng so với 4,6 triệu đồng).

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến đời sống của người lao động. Thu nhập bình quân của người lao động quí 3 thấp hơn đáng kể so với quí 2-2020 (5,2 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng), trong khi quí 2-2020 được ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Quí 3-2021, hầu hết các ngành kinh tế đều ghi nhận mức sụt giảm thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước. Người lao động làm việc trong khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng thu nhập nặng nề nhất với mức thu nhập bình quân tháng là 6,2 triệu đồng, giảm 1 triệu đồng, tương ứng giảm 14,3% so với quý trước.

Lao động khu vực công nghiệp và xây dựng có mức thu nhập bình quân là 5,8 triệu đồng, giảm 906.000 đồng, tương ứng giảm 13,5% so với quí trước. Những diễn biến khó lường của dịch Covid-19 lần thứ tư đã tác động tới khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Đây là khu vực có nhiều yếu tố khởi sắc và ghi nhận tốc độ tăng trưởng ổn định về thu nhập bình quân người lao động tương trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, đến quí 3-2021 thu nhập bình quân của người lao động chỉ là 3,4 triệu đồng, giảm 340.000 đồng, tương ứng giảm 9,2% so với quý trước.

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quí 3-2021 là hơn 1,7 triệu người, tăng 532.200 người so với quí trước và tăng 449.600 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quí 3 là 3,98%, tăng 1,36 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ tư và thời gian giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều địa phương đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp quí 3-2021 vượt xa con số 2% như thường thấy. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 5,54%, tăng 2,18 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Lan Nhi

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM sẽ dành biên chế tuyển công chức, viên chức từ...

0
(SGTT) - TPHCM sẽ điều động, luân chuyển hoặc tinh giản những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, hạn chế...

Tiêu chuẩn hưởng ưu đãi quá cao, doanh nghiệp hàng hải...

0
(SGTT) - Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường thuỷ cho rằng, mức vốn đầu tư để doanh nghiệp được...

‘Bền vững’, ‘thủ công’ – 2 từ khóa chính ở triển...

0
(SGTT) - Sáng ngày 20-3, hội chợ "Style Bangkok 2024" - triển lãm quốc tế quy mô lớn về các sản phẩm thiết kế...

Kỹ năng làm việc và kỹ năng hạnh phúc

0
(SGTT) - Khi thế giới thay đổi, các kỹ năng cần thiết để thành công tại nơi làm việc cũng thay đổi, do đó...

Cơ hội việc làm cho gần 30.000 người lao động dịp...

0
(SGTT) - Vừa qua, TPHCM diễn ra phiên giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến nhằm tuyển dụng lao động với nhu...

Robot giao hàng tạo làn sóng mới cho kinh tế Hàn...

0
(SGTT) - Robot giao hàng đã trở nên quen thuộc trên vỉa hè đường phố ở thủ đô Seoul và các đô thị lớn...

Kết nối