Thứ Hai, Tháng Năm 13, 2024

Sau đại dịch, ngắm Bình Dương ngày cuối năm

(SGTT) – Năm vừa qua, khoảng thời gian căng thẳng của cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng vì Covid 19 trở lại và bùng phát dữ dội. Là tỉnh tâm dịch phải ở nhà gần nửa năm sau, khi được gỡ bỏ giãn cách, tôi hào hứng và lên kế hoạch trải nghiệm mọi thứ. Dịp cuối năm, tôi tự thưởng cho bản thân đón khoảnh khắc giao thời cùng với bạn bè của mình thay vì mọi năm đón năm mới ở bên gia đình.

Ngày cuối cùng của năm, chỉ mất 30 phút đi xe máy, tôi và đám bạn kéo nhau từ thành phố Dĩ An lên thành phố Thủ Dầu Một đón năm mới. Băng băng qua các con đường, tôi bị níu lại bởi vườn hoa chưa trổ bông trên Đại lộ Bình Dương, các chậu hoa được xếp thẳng hàng, màu xanh tỏa dưới nắng vàng, tạo nên không gian rộng lớn và xanh tươi, chú nông dân đang chăm chút từng chậu cây, với ước mong một cái Tết “trúng mùa” để có một mùa xuân ấm no và sum vầy.

Nông dân tất bật tưới hoa để kịp nở đúng dịp tết.

Tiếp tục hành trình, nhìn chung phố xá năm nay không rực rỡ như năm trước. Nhưng khung cảnh vẫn được trang hoàng đầy màu sắc để chào mừng Tết Nhâm Dần 2022. Dù không phải là tết truyền thống âm lịch nhưng không khí ở Thủ Dầu Một rất náo nhiệt. Hai bên đường các cửa hiệu đã bày trí các phụ kiện trang trí tết, nhộn nhịp người ra vào. Công viên và các điểm ăn uống đều tấp nập, có lẽ sau dịch, đây là thời điểm đông nhất khi mọi người xuống đường để chào đón dịp lễ quan trọng.

Giống như năm ngoái, năm nay Bình Dương không tổ chức bắn pháo hoa vào Tết Dương lịch, vì dịch vẫn đang còn hoành hành. Dù có chút tiếc nuối nhưng tôi hiểu tình hình của tỉnh mình và vui mừng hơn vì đã được trở lại cuộc sống thường nhật.

Các cung đường được trang hoàng đầy sắc màu giữa màn đêm buông xuống.

Khám phá các con đường lớn, chúng tôi kéo nhau ra sông Bạch Đằng – địa điểm vui chơi không thể bỏ qua khi đến Bình Dương. Để tận hưởng không khí sôi nổi và tươi vui, chợ đêm Bạch Đằng có nhiều thứ để chúng tôi khám phá. Muốn “lên đồ” chơi tết thì ghé vào các gian hàng quần áo với giá “sinh viên”, muốn phong cách đường phố thì tấp vào các giang hàng đồ ăn, các quán vỉa hè, hoặc muốn ấm áp hơn thì chọn các quán nước ngắm sông Bạch Đằng về đêm.

Tối nay thời tiết chiều lòng người, dạo quanh khu Bạch Đằng, đâu đâu cũng kín người, thế nên tôi và đám bạn rủ nhau vào con đường “ăn chơi” khác chỉ cách phố khoảng 100m mà mọi người hay kêu là “bờ bao”. Bị thu hút bởi chiếc xe bán nước di động nằm bên đường với sắc vàng nổi bật, cả đám chúng tôi tấp vào gọi nước và thưởng thức. Tuy ngồi ghế xếp và một chiếc bàn nhỏ, thế nhưng ấm cúng, ngồi hướng về bờ sông tôi cứ ngỡ rằng đang ngồi ở Hồ Xuân Hương (Đà Lạt).

Khu ăn uống chợ đêm Bạch Đằng náo nhiệt gọi mời thực khách dừng chân.

Điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi là chùa Thiên Hậu Thánh Mẫu (hay còn gọi là chùa Bà Lái Thiêu). Đây là nơi mà cộng đồng người Hoa xây dựng, cứ 15 tháng Giêng hằng năm sẽ diễn ra lễ hội rước Bà, nên khung cảnh được trang trí rực rỡ với những lồng đèn với tông màu chủ đạo đỏ và vàng đặc trưng, không gian trở nên sáng rực giữa màn đêm buông xuống, sắc đỏ sắc vàng làm tôi chợt nhớ Tết Nguyên đán của dân tộc mình đã sắp đến gần, bao lì xì đỏ, cây mai vàng.

Cung đường ngập tràn sắc màu của chùa Bà Lái Thiêu rực rỡ giữa màn đêm.

Cả đám chúng tôi ngồi nhấm nháp ly sữa nóng bên bờ kè Lái Thiêu, ngắm nhìn cung đường lung linh đầy màu sắc, tán gẫu đủ thứ trên đời giữa tiết trời se lạnh, năm nay lần đầu tiên đón năm mới bên bạn bè cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc.

Gác lại một năm nhiều khó khăn, vất vả, khoảnh khắc giao thời thật sự thiêng liêng, chúng tôi cùng nắm tay nhau với ước mong một năm mới  đầy an vui, hạnh phúc, quên đi những mất mát mà Covid-19 gây ra. Dù đang ở đâu, ở với bất kỳ ai, tôi luôn mong rằng các bạn sẽ có những giây phút tươi vui bước sang năm mới với nhiều điều may mắn và bình an.

Tuyết Nhung

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Khám phá nghề làm Hẩu của người Hoa ở Bình Dương

0
(SGTT) - Hẩu được xem là linh vật của người Hoa Phước Kiến ở Bình Dương. Theo dòng chảy thời gian, người Hoa Phước...

Thăm làng nghề guốc mộc trăm tuổi ở Bình Dương

0
(SGTT) - Trải qua hơn 100 năm thăng trầm, nghề guốc mộc ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương không chỉ tạo...

Nghề tô điểm cho heo đất tại Lái Thiêu

0
(SGTT) - Làng nghề heo đất tại phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương ra đời cách đây hơn 50 năm....

Cặp rồng được làm từ 14.000 lu, hũ ở Bình Dương...

0
Với chiều dài khoảng 29m, mô hình hai con rồng được lắp ghép từ hơn 14.000 lu, hũ gốm nung truyền thống ở thành...

Thăm làng nghề sơn mài hơn 100 năm ở Bình Dương

0
(SGTT) - Với lịch sử phát triển hơn một thế kỷ, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp là một trong những làng nghề...

Ấn tượng khung cảnh đập tràn Phước Hòa ở Bình Dương 

0
Thuộc địa bàn xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, đập tràn Phước Hòa là điểm check-in “mới nổi”, được nhiều du...

Kết nối