Chủ Nhật, Tháng Tư 28, 2024

Ra quốc tế, phim Việt bước vào đường dài ‘xuất khẩu’ văn hóa

Có nhiều con đường để đưa phim Việt khai thác thị trường nước ngoài. Tuy vậy, để quảng bá nghệ thuật phim ảnh đến khán giả thế giới, đây là hành trình cần thêm nỗ lực đầu tư chất lượng, nội lực sản phẩm từ nhà sản xuất và cả sự “gan dạ” bước vào thị trường toàn cầu từ nhà phát hành. Dù thắng hay thua, giới làm phim nhận định đưa phim ra khỏi “sân nhà” vẫn là bước đi cầu thị của điện ảnh Việt.

Đi tìm “sân chơi” cho phim Việt ở thế giới

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, phim Hàn Quốc đã thành công xâm nhập vào thị trường Việt Nam khi liên tục có các sản phẩm “ăn khách” từ mọi nền tảng truyền hình, phim rạp. Sự đón nhận của khán giả Việt với các thể loại phim nước ngoài đến từ việc quốc gia đó có nhận diện thương hiệu riêng. Đây cũng là một trong những rào cản của phim Việt khi bước ra thế giới vì độ nhận diện sản phẩm chưa cao, từ đó nhu cầu xem phim của khán giả ở các nước khác với Việt Nam chưa mạnh mẽ.

Chị Hằng Trịnh, đại diện Skyline Media, đơn vị phân phối bản quyền phim hoạt động ở Việt Nam, cho biết để phát hành phim ra quốc tế, công ty tìm kiếm những thị trường mà người dân bản địa có nhu cầu với phim Việt Nam như Đông Nam Á, rộng hơn là ở châu Á hoặc hướng đến những khu vực có cộng đồng người Việt đông đúc. Về tiêu chí để thương mại, phim không quá nặng yếu tố văn hóa như đề tài kinh dị, hành động rồi đến phim gia đình, tình yêu thì sẽ dễ “chào hàng” và phù hợp với số đông thị hiếu nước bạn hơn.

Tại hội chợ phim ACFM 2023 vừa qua, Skyline Media đã thành công phân phối bản quyền của tựa phim kinh dị Việt Kẻ Ăn Hồn đến nhiều thị trường quốc tế, bao gồm Đài Loan (GaragePlay), Lào và Campuchia (Westec Media) cùng 9 nước còn lại của khu vực Đông Nam Á, trước khi tiếp tục giới thiệu những tựa phim Việt mới nhất đến các hội chợ phim lớn như TIFFCOM, AFM, và TCCF.

Skyline Media tại hội chợ phim vừa qua ở Busan, Hàn Quốc. Ảnh: DNCC
Skyline Media tại hội chợ phim vừa qua ở Busan. Ảnh: DNCC

Bên cạnh đó, tại ACFM 2023, Skyline Media đã hợp tác với The World Pictures để phát hành bộ phim kinh dị Việt năm 2022 Chuyện Ma Gần Nhà đến 9 nước thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS) trong thời gian tới, bao gồm Nga, Armenia, Azerbaijan, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Tajikistan, và Uzbekistan. Đơn vị cũng đại diện phát hành hơn 100 tựa phim Việt đến với hơn 49 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tựa phim Kẻ Ăn Hồn ra thị trường quốc tế. Ảnh: DNCC

Ông Thiên A. Phạm, Giám đốc của 3388 Films, một công ty có trụ sở tại Bắc Mỹ chuyên sản xuất và phát hành phim châu Á ở thị trường quốc tế, cho rằng yếu tố cốt lõi của bất kỳ bộ phim nào cũng phải là một câu chuyện chân thực. Tính chân thực của một câu chuyện sẽ giúp khán giả đánh giá cao và có sự gắn kết hơn với phim. Yếu tố này cũng như “đôi cánh” giúp phim vượt qua rào cản ngôn ngữ và văn hóa trên trường quốc tế. Dựa vào tình hình chung của phim Việt vài năm qua, ông đánh giá số lượng phim Việt có tiềm năng xuất ngoại nhiều nhưng chưa đủ.

Đại diện 3388 Films ông Thiên A. Phạm và đạo diễn Khương Ngọc (phải). Ảnh: DNCC

Những thể loại phim comedy hoặc rom-com (phim lãng mạn hài hước) phục vụ khán giả trong nước nhiều khi lại không phù hợp với khán giả nước ngoài. Những thể loại phim kinh dị, hồi hộp hay hành động thì khi sang nước ngoài lại dễ bị so sánh với các phim bom tấn của Hollywood. Một điểm rất quan trọng nữa là khi một phim Việt Nam, dù thành công cách mấy ở Việt Nam, khi đến thị trường Bắc Mỹ cũng là một bộ phim “bé bỏng” của điện ảnh Châu Á, mà một bộ phim Châu Á cũng vẫn còn là một bộ phim “bé bỏng” trong thị trường điện ảnh Hollywood.

Nhà phát hành nói thêm phim Việt để có thể đi xa thì cần cả hai yếu tố nâng cao chất Việt trong phim và quốc tế hoá phim Việt. “Và để phim Việt đạt được hai điều này thì tôi nghĩ có 3 yếu tố quan trọng: câu chuyện, thể loại phim và đối tượng khán giả”, ông Thiên A. Phạm nói.

Khi đã có một câu chuyện chân thực, phim nên xác định rõ ràng thể loại phim. Một bộ phim không nên cố gắng đáp ứng hết mọi đối tượng khán giả bằng cách pha trộn nhiều thể loại vì như vậy phim sẽ không đáp ứng được đối tượng khán giả nào cả. Ngoài ra, ở vị trí nhà phát hành, khi phim có một thể loại rõ ràng thì việc xác định đối tượng khán giả của phim trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Câu chuyện của những người đi “mở đường”

Được biết, 3388 Films phụ trách phát hành tại các rạp chiếu phim ở Mỹ phim LIVE (Phát Trực Tiếp) của đạo diễn Khương Ngọc bắt đầu từ 17-11, sau một buổi ra mắt thành công với khán giả Bắc Mỹ trong khuôn khổ phim Việt Nam Tiêu Điểm, được lựa chọn chính thức của Liên Hoan Phim Newport Beach năm 2023.

Hoạt động ra mắt giới thiệu phim Live (Phát Trực Tiếp) ở nước ngoài. Ảnh: DNCC

Không ít bộ phim thay đổi số phận doanh thu khi phát hành ra nước ngoài. Thực tế, có những bộ phim khi trình chiếu trong nước thì thua lỗ nhưng lại được ưa chuộng ở nước ngoài và ngược lại. Đại diện phát hành đều nhìn thấy tiềm năng cho thị trường phim Việt ở quốc tế, tuy nhiên điều thách thức nhất là làm thế nào để xây dựng lộ trình “bình thường hóa” việc cung cấp một lượng phim Việt ổn định đến với khán giả Bắc Mỹ và thế giới cũng như có nhiều bên làm cầu nối đưa phim đi xa.

Đại diện 3388 Films nhìn nhận cách đây chỉ khoảng 6 năm, việc chiếu một bộ phim Việt ở 8-10 rạp tại 1-2 tiểu bang đã là một kỳ công. Cách đây gần 3 năm, 3388 Films là công ty đầu tiên phát hành phim Việt tại 50 rạp trên 30 tiểu bang Hoa Kỳ. Hơn một nửa trong số 50 rạp này thì đây là lần đầu tiên trong lịch sử họ chiếu phim Việt.

“Về vấn đề phim Việt cần làm gì để khai thác thêm thị trường nước ngoài thì đối với tôi cũng tượng tự với quả trứng có trước hay con gà có trước. Các nhà sản xuất, hãng phim và nhà phát hành có xu hướng thận trọng khi phát hành phim Việt ở nước ngoài vì có nhiều rủi ro và chi phí tài chính liên quan”, ông nói. Mặt khác, khán giả nước ngoài trước đây không được tiếp cận nhiều với phim Việt nên chưa tạo được thói quen xem ở rạp.

Theo đại diện nhà phát hành, để thúc đẩy phim Việt tìm đường ra quốc tế, tất cả những đối tượng liên quan cần làm việc cùng nhau để mở rộng cơ hội xuất khẩu nội dung và nâng tầm phim. Nhà sản xuất cần tin tưởng và chọn đúng nhà phát hành để đưa phim của họ ra toàn cầu. Nhà phát hành cần can đảm và chấp nhận mạo hiểm để mở ra thị trường mới cho phim.

Ở sân chơi toàn cầu, giá trị cộng thêm này cho phim Việt có rất nhiều ý nghĩa. Bất kể nhà làm phim, người sáng tạo nghệ thuật nào cũng mong muốn truyền tải thông điệp của mình càng xa càng tốt, vượt ra ngưỡng nội địa. Điều này không những giúp quảng bá danh tiếng cá nhân, thương hiệu phim Việt, mà còn nâng cao thêm doanh thu, thu hút đầu tư vào điện ảnh Việt.

Hoàng An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Kỹ xảo điện ảnh với phim trong nước bị ‘chê’, vì...

0
(SGTT) - Kỹ xảo điện ảnh có mặt ở Việt Nam từ khoảng hai thập niên qua, nhưng chỉ được biết đến là làm...

‘Bền vững’, ‘thủ công’ – 2 từ khóa chính ở triển...

0
(SGTT) - Sáng ngày 20-3, hội chợ "Style Bangkok 2024" - triển lãm quốc tế quy mô lớn về các sản phẩm thiết kế...

Gặp gỡ bếp trưởng người Việt của tập toàn đa quốc...

0
(SGTT) – Kinh qua nhiều vị trí trong ngành bếp hơn 20 năm, đầu bếp Trịnh Minh Thành vẫn nhớ ngày đầu khó khăn...

Phim Việt nỗ lực ‘dò tìm’ thị trường quốc tế phù...

0
(SGTT) - Năm 2023, phim Việt đã xuất hiện ở các phòng vé nhiều quốc gia, đây không chỉ là dư địa kế tiếp...

Nhà làm phim ‘chạy nước rút’, phim kinh dị tạo cú...

0
(SGTT) - Tổng doanh thu của ngành công nghiệp phim ảnh Việt Nam đã vượt qua con số 1.100 tỉ, phòng vé năm nay...

Phòng vé năm 2023 ‘lập đỉnh’ doanh thu, nhưng vẫn còn...

0
(SGTT) - Trong năm 2023, phòng vé liên tiếp xuất hiện các dự án đạt trăm tỉ, tuy số lượng phim Việt ra rạp...

Kết nối