(SGTT) – Cho rằng giá đền bù chưa thỏa đáng, lo ngại thi công kéo dài gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, chưa tìm được nơi định cư mới là những lý do nhiều người dân vẫn chưa chịu trao trả mặt bằng nằm trên diện tích quy hoạch tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Tuy nhiên, phần lớn người dân cũng đã chấp thuận phương án xử lý giải phóng mặt bằng, nhanh chóng sửa chữa nhà cửa để tiếp tục kinh doanh, buôn bán.
- Ngắm cầu Thủ Thiêm 2, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên từ trên cao
- Tuyến metro của TPHCM tiếp tục lùi tiến độ đến cuối 2023
Vừa qua, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM đã đề nghị UBND quận 3, 10, Tân Bình nhanh chóng hoàn thiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) để sớm có toàn bộ mặt bằng giao cho nhà thầu trong tháng 12-2021.
Theo quyết định 4880 năm 2019 của UBND TPHCM về phê duyệt điều chỉnh dự án, metro số 2 sẽ tổ chức thi công từ năm 2022 và đưa vào vận hành khai thác năm 2026.
Tuyến metro số 2 đi qua địa bàn 6 quận như 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú với tổng diện tích thu hồi 251.136 m², với 603 trường hợp ảnh hưởng. Tổng số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho dự án này là hơn 4.353 tỉ đồng.
Dự án sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 xây dựng đoạn tuyến Bến Thành - Tham Lương. Giai đoạn 2 sẽ đầu tư kéo dài thêm 2 đoạn tuyến Bến Thành - Thủ Thiêm, Tham Lương - Bến xe Tây Ninh. Giai đoạn 3 đầu tư kéo dài tuyến từ bến xe Tây Ninh - Tây Bắc Củ Chi
Theo số liệu ghi nhận, tại quận 3 có 113 trường hợp bị ảnh hưởng, đến nay chủ đầu tư mới nhận được mặt bằng của 47 hộ; tại quận 10 hiện vẫn còn 1 trường hợp. Còn quận Tân Bình có 17 trường hợp không đủ điều kiện lập phương án bồi thường và 35 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng.
Ông Nguyễn Hữu Việt, 52 tuổi, ở quận Tân Bình, TPHCM, cho biết sau hơn 5 năm thương lượng tháng 6 vừa qua ông đã nhận được chi phí bồi thường mặt bằng ngôi nhà của gia đình ông.
"Trước đây nhà tôi dài hơn 18m với diện tích khoảng 90m² và hiện nay chỉ còn khoảng 40m², việc diện tích nhà ở bị thu hẹp cũng gây không ít khó khăn cho gia đình khi phải tập sinh hoạt trong một không gian nhỏ hơn. Bên cạnh đó, gia đình tôi cũng mất khoảng 14 triệu đồng mỗi tháng khi cho thuê mặt bằng phía trước", ông Việt nói.
Theo ông Việt, trong thời gian sắp tới nếu tình hình không khả quan gia đình sẽ bán luôn phần nhà còn lại để tìm một nơi khác để sinh sống vì ông Việt lo rằng việc thi công sẽ ảnh hưởng đến đời sống. Tuy nhiên, ông Việt cũng vui mừng vì thành phố có thêm nhiều tuyến giao thông cộng cộng cho người dân di chuyển nếu tuyến metro số 2 được hoàn thiện và đi vào sử dụng.
Mặt khác, một người dân có nhà nằm trong diện tích bị quy hoạch chia sẻ ngôi nhà của ông này sẽ hoàn toàn bị "xóa sổ". Theo vị này, việc đền bù hiện nay so với ngôi nhà chưa thực sự thỏa đáng. "Hiện nhà tôi đang được đền bù với giá hơn 10 tỉ đồng nhưng so với giá trị trường thì con số 10 tỉ với ngôi nhà nằm trên tuyến đường lơn, thuận tiện cho việc kinh doanh buôn bán là chưa phù hợp", người này nói.
Tương tự, nhiều người dân cũng cho rằng việc chưa thống nhất được phương án đền bù và sự việc kéo dài nhiều năm qua khiến người kinh doanh đều không dám đến thuê nhà khiến họ mất đi một nguồn thu lớn về việc cho thuê mặt bằng kinh doanh. Ngoài ra, một số người dân cũng lo ngại việc thi công kéo dài khiến cuộc sống bị đảo lộn.
Theo ghi nhận của phóng viên, bên cạnh việc một số hộ dân chưa đồng ý thỏa thuận trao trả mặt bằng thì tại đoạn đường từ ngã tư Bảy Hiền đến số nhà 936, phường 5, quận Tân Bình, những gia đình chấp nhận đền bù đều đã tổ chức sửa chữa lại nhà cửa và tiếp tục cho thuê, kinh doanh buôn bán.
Một số hình ảnh ghi nhận về hiện trạng giải phóng mặt bằng trên tuyến metro số 2
Minh Hoàng