Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Phim đề tài về gia đình tiếp tục ‘ăn khách’ trong nhiều năm tới

Năm nay, phim điện ảnh và truyền hình Việt tiếp tục “bội thu” các giải thưởng, thành tích về doanh thu khi khai thác đề tài về gia đình, tình yêu. Có thể thấy, đây là chủ đề chưa hạ nhiệt và sẽ tiếp tục “ăn khách” trong nhiều năm tới. Các nhà sản xuất vẫn mạnh tay chi tiền và đầu tư cho phim nếu tìm được góc khai thác phù hợp thị hiếu cũng như cách thể hiện mới từ câu chuyện tưởng như cũ.

Đề tài không mới, nhưng vẫn “tỏa nhiệt”

Trong 6 tháng đầu năm 2023, phòng vé thu về doanh thu hàng trăm tỉ đồng qua phim điện ảnh xoay quanh câu chuyện mâu thuẫn từ gia đình như Nhà Bà Nữ của đạo diễn Trấn Thành, Con Nhót Mót Chồng của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng… Mới đây tại lễ trao giải Cánh Diều Vàng 2023, phim Mẹ Rơm với diễn xuất chính của nam diễn viên Thái Hòa đã giành giải “Phim truyền hình hay nhất năm”.

Ngoài rạp, phim Chạm Vào Hạnh Phúc của đạo diễn Nguyễn Mai Long đang khởi chiếu với câu chuyện lấy cảm hứng từ đời sống gia đình đậm văn hóa miền Bắc hứa hẹn đem đến nhiều thước phim mới lạ. Cùng nhiều dự án phim tương tự khác có thể thấy rằng phim về gia đình Việt đang là nguồn cảm hứng dồi dào cho nhiều nhà làm phim tham gia vào đường đua sản xuất hiện nay.

Theo nhà sản xuất phim Nguyễn Cao Tùng, bản chất tổ chức xã hội của Việt Nam cùng đa phần các nước châu Á lân cận như Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc… vẫn theo kiểu đại gia đình (con cái sống chung với ba mẹ). Chính vì thế, “tính gia đình” chiếm giữ phần lớn trong tâm hồn và suy nghĩ của người xem phim Việt Nam, chứ không phải như khán giả Tây Âu, châu Mỹ.

Phim điện ảnh khai thác về chủ đề gia đình Chạm Vào Hạnh Phúc của đạo diễn Nguyễn Mai Long. Ảnh: ĐPCC

Người Việt Nam vẫn sống và lớn lên trong sự suy nghĩ cảm nhận về ảnh hưởng, tác động của gia đình xã hội nhiều hơn là đặt cái tôi cá nhân làm chủ thể. Do đó chủ đề này sẽ còn sức hút khá lâu dài với khán giả xem phim, ít nhất là 10-20 năm nữa. Dù hiện nay ở nhóm gen Z đã bắt đầu có sự chuyển biến lớn khi đặt cái tôi cá nhân họ cao hơn tập thể và gia đình, nhưng chừng nào các bạn trẻ quen với nhận thức 18 tuổi ra độc lập ở riêng như ở các nước Tây Âu và châu Mỹ thì chủ đề này mới hạ nhiệt.

Ông cũng nhấn mạnh rằng chủ đề gia đình không thể gọi là “trend” mà gọi đề tài, thể loại này là món ăn buộc phải có và sẽ xuất hiện với tỉ lệ cao trong tổng số lượng phim ảnh phục vụ cho khán giả Việt hằng năm. “Nếu nhìn vào tỉ lệ phim gia đình, drama của VFC, là đơn vị phục vụ trên dưới 500 tập phim cho đại chúng 1 năm thì ta sẽ thấy rõ. Chúng tôi khi làm kịch bản phim thường hay đùa ở Việt Nam để làm một phim “quốc dân” bán vé tốt thì buộc phải pha vào trong đó tình yêu nam nữ hoặc yếu tố gia đình”, ông nói.

Cũng theo đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp, sở dĩ đề tài gia đình vẫn luôn có sức hút là vì một trong những sức mạnh của điện ảnh là kể câu chuyện mà người xem thấy mình trong đó. Họ như thấy cha mẹ mình đó, anh chị em mình trên màn ảnh, với những nỗi niềm sâu kín mà trong đời sống thật chúng ta vì vô tình, vì non dại mà không đủ chú tâm để nhận ra. Bộ phim giúp ta nhận thức được đau khổ cũng như hạnh phúc tột cùng trong gia đình, tự soi chiếu mình và sẽ biết cách hành xử như thế nào cho phù hợp hơn với người thân.

“Giá trị của một bộ phim gia đình, thường không chỉ là giải trí, mà còn là khả năng ôm ấp chính ta và gia đình ta. Nên chủ đề gia đình sẽ luôn là một thứ “vitamin tinh thần” mà chúng ta còn cần mãi”, ông nhấn mạnh.

Câu chuyện cũ “ăn khách” nhờ cách làm mới

Từ chủ đề gia đình tưởng chừng như quen thuộc, nhà làm phim cho rằng vẫn luôn có nhiều cách khai thác và thể hiện, tránh sự nhàm chán lặp lại hay dễ đoán trước cái kết của tác phẩm. Trong quá trình làm, các nhà sản xuất thường “nêm nếm, pha trộn” thêm các yếu tố, chủ đề như sau để thu hút khán giả.

Thứ nhất, những câu chuyện mang tính thời sựhơi thở xã hội tức thời trong năm đó (new/trendy). Thứ hai, các chủ đề, dạng phim đang thu hút của các nước lân cận như Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… nhất là đối với các đơn vị như VFC, VieOn, K+ hay đặt mua kịch bản remake (làm lại từ kịch bản gốc). Thứ ba, biên kịch, đạo diễn pha trộn thêm những thể loại mới như khoa học viễn tưởng, kỳ ảo (Người Mặt TrờiBến Phà Xác Sống) hay cổ trang (Đất Rừng Phương Nam, Tiếng Sét Trong Mưa), thriller (Chiếm Đoạt)…  Ngoài ra kĩ năng kể chuyện, xử lý của đạo diễn cũng sẽ thổi vào cùng chủ đề này những “tính mới” do nhân sinh quan, trải nghiệm, vốn sống khác nhau của họ.

Ông dẫn ra, sự thành công từ Nhà Bà Nữ của đạo diễn Trấn Thành là kết quả cách tiếp cận với đề tài cũ, nhưng chọn lựa những nội dung đồng cảm với số đông khán giả trẻ và thổi vào bộ phim suy nghĩ thời sự.

Chia sẻ với nhóm báo KTSG, đạo diễn Nguyễn Mai Long, khai thác đề tài gia đình với phim điện ảnh mới ra mắt, nhấn mạnh câu chuyện về tình thân luôn phù hợp với nhiều đối tượng khán giả trong và ngoài nước hơn là khi làm các đề tài khác, phải cạnh tranh khốc liệt với các nền giải trí lân cận như Thái Lan, Hàn Quốc. Việc đưa văn hóa Bắc vào phim thị trường, làm thương mại ngoài rạp trước đây ít thấy.

“Lẽ đó đây là cơ hội tôi tìm góc khai thác để tạo ra những mâu thuẫn cùng cách giải quyết khác nhau mà không cần làm điều gì đao to búa lớn. Tôi cũng mong muốn phim thành công để tạo đà cho điện ảnh thương mại phía Bắc đi lên, thêm nhiều nguồn cảm hứng cho nhà sản xuất, làm phim tư nhân “cất cánh”, ông Mai Long bộc bạch.

Một cảnh trong phim Chạm Vào Hạnh Phúc đang chiếu rạp. Ảnh: ĐPCC

Chưa có nhiều “bom tấn” hay mạnh tay khai thác thể loại mới tại Việt Nam như điện ảnh nước ngoài, nhà làm phim chỉ ra những khó khăn ở thị trường nước ta. Cụ thể, giới chuyên môn có rất nhiều rào cản khi thử nghiệm những chủ đề mới từ việc không có đủ vốn và ngân sách để làm ra một sản phẩm đủ chất lượng cạnh tranh với cái tương tự của Mỹ, Hàn Quốc trong các chủ đề khoa học viễn tưởng, hành động, giật gân ly kì, cho đến việc không có đủ nguồn nhân lực chất lượng và kinh nghiệm cao trong hoá trang, kỹ xảo, hiệu quả cháy nổ, vũ khí… để xử lý các chủ đề mới này.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng không có đủ phim trường để đáp ứng yêu cầu quay các phân cảnh phức tạp. Ngoài ra hạn chế về kiểm duyệt cũng khó khiến đoàn phim làm ra những sản phẩm táo bạo đột phá mà khán giả đã quen coi hằng ngày trên Netflix.

Đoàn phim sau hậu trường. Ảnh: ĐPCC

“Với 1 nền điện ảnh chỉ chưa đến 40-50 phim một năm, hay số lượng phim dài tập, series, sitcom đếm trên đầu ngón tay có thể cạnh tranh với Netflix, cùng quá nhiều rào cản như vậy, thì nói thật chúng ta vẫn cứ loay hoay, tập tễnh vừa làm vừa học chứ chưa có giải pháp đột phá biến nền công nghiệp và nhân sự điện ảnh Việt Nam tiến lên chuyên nghiệp”, ông Tùng bộc bạch.

Ngược lại cũng chính vì vậy mà về phía khán giả, có một bộ phận lớn công chúng đánh giá rằng Việt Nam chưa thể làm các phim kiểu loại mới, nên khi những thể loại này được giới thiệu ra công chúng thì họ đánh giá và kỳ vọng không nhiều.

Hoàng An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối