(SGTT) - Là người gắn bó với du lịch xanh, nông nghiệp sạch ở Phú Yên, chị Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp, Du lịch Cộng đồng An Mỹ luôn khát khao tạo ra các sản phẩm du lịch riêng biệt, đậm đà bản sắc 'xứ Nẫu'.
- Hướng dẫn viên VQG Cát Tiên: Vượt qua thử thách từ tình yêu núi rừng
- Hướng dẫn viên nỗ lực vượt khó, chờ ngày trở lại đường tour
Đưa văn hoá bản địa gần hơn với du khách
Cũng giống như rất nhiều doanh nghiệp du lịch khác ở Phú Yên, cơ sở kinh doanh du lịch của chị Thủy bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 trong thời gian qua. Nhưng với tinh thần vượt khó và ý chí bền bỉ, chị Thủy đã tái đầu tư, mở rộng một số khu vực, xây mới lại homestay Mộc Miên của mình để phục vụ khách du lịch.
Để thu hút nhiều du khách hơn, ngoài việc nâng cấp chất lượng phục vụ, hệ thống phòng ốc, cơ sở du lịch của chị Thủy còn tiến hành các hoạt động huấn luyện về cách chăm sóc vật nuôi, cây trồng bằng cách liên kết với các kỹ sư nông nghiệp tại địa phương để hướng dẫn cho các gia đình có con nhỏ muốn trải nghiệm vào cuối tuần.
Đặc biệt, thông qua hình thức “Một ngày làm nông dân trên ruộng rau nhà mình”, chị Thủy cho khách thuê một khoảnh đất trồng rau, quả theo ý thích, dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của nhân viên HTX, trong thời gian 1 đến 1,5 tháng. Đến mùa thu hoạch, khách có thể mang về dùng hoặc bán lại cho HTX để cung cấp cho chuỗi hệ thống HTX đang vận hành.
Tại hội nghị kết nối phát triển du lịch Phú Yên năm 2022 do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Phú Yên và Hiệp Hội Du lịch TPHCM, Hiệp Hội Du lịch tỉnh Phú Yên phối hợp tổ chức mới đây, chị Thủy hào hứng chia sẻ chuỗi homestay Mộc Miên của chị hoạt động rất hiệu quả, các gói sản phẩm dịch vụ mới đưa ra đã được khách hàng đón nhận nhiệt tình.
Chị Thủy lý giải để có được những thành công đó, chị đã lập kế hoạch kinh doanh rõ ràng, chọn ngách thị trường phù hợp và trên hết là tâm huyết muốn phát triển du lịch cộng đồng, đưa văn hoá bản địa gần hơn với du khách.
Mô hình “Làng du lịch văn hoá cộng đồng An Mỹ”
Là một người có nhiều ý tưởng trong kinh doanh du lịch, trong thời gian qua, chị Thủy đã sớm bắt tay làm và xây dựng quy trình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, phục vụ đông đảo khách du lịch. Các sản phẩm nông nghiệp của HTX sẽ được đưa lên bàn ăn cho các khách hàng trực tiếp thưởng thức và đánh giá.
Mục tiêu của hình thức trải nghiệm này là giới thiệu văn hoá bản địa, duy trì, bảo tồn nét truyền thống tại địa phương, đưa ẩm thực bản địa từ những món ăn dân dã lên bàn ăn cho khách du lịch thưởng thức một cách tinh tế.
Song song với đó, mô hình Làng du lịch văn hoá cộng đồng An Mỹ tại thôn Giai Sơn, xã An Mỹ, huyện Tuy An cũng sắp được chị Thủy đưa vào hoạt động.
Đây sẽ là khu vực trưng bày nông đặc sản địa phương và các sản phẩm OCOP dưới hình thức chợ phiên, phục vụ trải nghiệm văn hoá, giới thiệu nét truyền thống bản địa. Nơi đây cũng sẽ có khu nhà làm việc và khu chế biến bảo quản các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, khu lưu trú dưới hình thức nhà vườn, tạo thành một làng trải nghiệm cho du khách khi đến đây.
Tất cả tạo thành quần thể liên kết nhau, để du khách, khách hàng có thể trải nghiệm, có thể hình dung về một làng quê thu nhỏ.
Nếu thành công và được đón nhận, khu làng Văn hóa du lịch cộng đồng An Mỹ, chuỗi hệ thống sẽ được triển khai thêm một khu vực với diện tích lớn hơn, gần 3,5 héc ta, có mặt biển dài hơn 200m tại bãi Than, vịnh Xuân Đài.
“Chúng tôi tập trung phát triển du lịch xanh, nông nghiệp sạch, sinh thái, trải nghiệm, tôn tạo và gìn giữ nét bản địa. Phú Yên phát triển du lịch chậm hơn so với một số địa phương khác nên chúng tôi cần có các sản phẩm thật riêng biệt, chuyên biệt, đậm đà, mặn mòi như con người Phú Yên vậy, rất hào sảng, đôn hậu, đầy chất tình”, chị Thủy tâm sự.
Đinh Nam