Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Nông dân thay kỹ sư chế tạo máy

Thái Ngọc

Hàng chục năm trời mày mò để cho ra đời những sản phẩm hoàn toàn “made in Vietnam”, là công cụ sản xuất cho người nông dân, đến nay, ông Phạm Hoàng Thắng (TPHCM), gốc gác cũng là một nông dân, đã bán ra thị trường nửa triệu sản phẩm từ cơ sở thủ công của mình. Trong đó có một số lượng lớn bán cho nước ngoài.

Hồi giữa tháng 5-2015, ông Thắng là một trong 63 nhà sáng chế chân đất đã gặp Thủ tướng Chính phủ trong buỗi lễ vinh danh các nhà sáng chế không chuyên nghiệp do Bộ Khoa học-Công nghệ tổ chức.

Cơ duyên từ chiếc máy sạ lúa

Kể về hành trình của mình, ông Thắng cho biết, năm 1988, ông rời Cần Thơ lên Sài Gòn lập nghiệp với nghề ban đầu là sản xuất các sản phẩm gia dụng từ nhựa. Qua vài năm làm ăn, ông thất bại và thất nghiệp. Đến năm 1999, trong lúc vẫn còn thất nghiệp không biết làm gì, ông về lại quê nhà ở huyện Long Mỹ, lúc bấy giờ trực thuộc tỉnh Cần Thơ.

Lúc đó, qua các câu chuyện thôn quê, ông nghe người thân nói hiện nông dân nơi đây có sử dụng máy sạ lúa nhưng máy toàn bằng sắt, rất nặng và khó sử dụng. Thấy điều này là tiềm năng, ông quay lại TPHCM và lao vào nghiên cứu sản xuất chiếc máy sạ lúa bằng nhựa. Sau đó, ông mang bốn chiếc máy sạ bằng nhựa về Cần Thơ. Hai bộ ông chuyển cho Trung tâm Khuyến nông huyện Long Mỹ thử nghiệm và hai bộ ông trực tiếp cùng một người em thử nghiệm tại ruộng lúa gia đình.

Ông Thắng (bìa trái) đang giới thiệu về máy sạ lúa cho các nhà khoa học nước ngoài.
Ông Thắng (bìa trái) đang giới thiệu về máy sạ lúa cho các nhà khoa học nước ngoài.

Tất cả những khiếm khuyết cần cải tiến đã có sau một thời gian miệt mài tại Cần Thơ, ông tiếp tục quay lại TPHCM để hoàn chỉnh sản phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm mới chưa xong thì cũng trong năm 1999, huyện Long Mỹ đặt ông 300 bộ máy và sau đó, tỉnh Cần Thơ đặt thêm 500 bộ. “Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lúc đó là ông Lê Huy Ngọ đã đến tận xưởng của tôi tìm hiểu, khuyến khích phổ biến cho nông dân các địa phương trên cả nước”, ông Thắng kể.

Được khuyến khích động viên cũng như thấy được sức tiêu thụ của thị trường, ông Thắng chào hàng ở tỉnh Vĩnh Long nhưng bị từ chối. Dù vậy, các nhà khoa học tại Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long ở Cần Thơ và các cán bộ của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Đồng Tháp Mười ở Long An lần đi hội thảo nào ở các địa phương đều gọi ông Thắng đi cùng để giới thiệu máy sạ lúa. Những chuyến đi đó cũng góp phần giúp thành quả của ông Thắng được phổ biến.

PGS.TS. Mai Thành Phụng, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Đồng Tháp Mười, người có nhiều gắn bó với máy sạ lúa của ông Thắng nhận xét: “Máy sạ lúa là bước đột phá về cơ giới hóa cho nông dân. Việt Nam tiếp nhận máy sạ lúa từ Viện Lúa quốc tế (IRRI) từ năm 1994, nhưng phải qua sự cải tiến của ông Thắng mới giúp ích và phổ biến được cho nông dân. Thiết bị của ông Thắng giúp giảm 50% khối lượng giống so với sạ bằng tay, năng suất tăng 5%”.

Vừa sản xuất vừa gặt thuê

Năm 2004, biết thông tin nhiều nông dân bị nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật khi xịt thuốc cho lúa, ông Thắng nghĩ đến việc chế tạo một thiết bị có thể giúp nông dân tránh được nguy cơ nhiễm độc hơn. Cụ thể, từ bộ bánh xe của chiếc máy sạ lúa, ông lắp thêm bộ bình xịt thuốc và sự dịch chuyển của bánh xe giúp bơm áp suất vào bình qua bộ chuyển đổi. Quan trọng hơn, chiếc máy này giúp nông dân không còn bị thuốc phun vào mặt theo kiểu vai đeo bình xịt như truyền thống. Miệt mài sản xuất và cải tiến, đến nay đã có khoảng 7.000 máy xịt thuốc được bán ra. Theo ông Thắng, giá một máy loại không động cơ là 1,8 triệu đồng, loại có động cơ 3,5-6 triệu đồng, tùy loại.

Mọi việc cứ như vậy đến năm 2006, trong lần đi cùng PGS.TS. Dương Văn Chín, Phó viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL để xem máy gặt đập liên hợp lần đầu xuất hiện trên đồng ruộng trong vùng. Chiếc máy do một đơn vị của Việt Nam chế tạo đã hoạt động không hiệu quả. PGS.TS. Chín thuyết phục Viện Lúa mua một cái máy loại này, giao cho ông Thắng tìm ra nguyên nhân và cải tiến theo kiểu sửa được mới lấy tiền công. “Lúc đó thấy chưa có kinh nghiệm, tôi tính từ chối nhưng trước niềm tin của thầy Chín nên tôi đã nhận lời”, ông Thắng nhớ lại.

Mang máy về ông trực tiếp vận hành để tìm hiểu nguyên nhân. Hơn một năm sau, ông cho ra lò chiếc máy gặt đập liên hợp có cơ cấu đập, truyền lực theo cách nghĩ và làm của riêng mình. Năm 2007, chiếc máy gặt đập liên hợp của ông đạt giải khuyến khích tại hội thi máy gặt đập liên hợp ở Kiên Giang. Đến năm 2010, máy của ông đã đạt giải nhất tại hội thi ở Sóc Trăng. Nói về điều này, PGS.TS. Dương Văn Chín cho rằng, máy gặt đập liên hợp do ông Thắng cải tiến gặt được lúa ngã, lúa ướt sương và cả trời mưa, tỷ lệ hao hụt chỉ có 1%. Tuy nhiên, điểm yếu của chiếc máy này là không dùng vật liệu tốt, thiết bị thích hợp để chế tạo, do đó máy có tuổi thọ kém, dễ hỏng.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Thắng cho rằng hiện nay cơ sở của ông vẫn sản xuất theo cách thức thủ công chứ không phải dây chuyền hiện đại nên sản phẩm thiếu sự đồng nhất, chính xác tuyệt đối. Thêm vào đó, Việt Nam cũng không có được vật liệu đủ tốt, để sử dụng, chế tạo các chi tiết máy. Đó cũng là lý do những chiếc máy gặt đập liên hợp của ông không cạnh tranh được với các loại máy của Nhật Bản. Độ bền vật liệu, cách thức vận hành của máy trong nước không thể nào bằng máy nhập ngoại. “Vật liệu sản xuất không đủ chuẩn khiến máy móc có độ bền kém, khó khăn trong việc thay thế, sửa chữa, điều này làm cho máy của Việt Nam khó cạnh tranh được với máy nước ngoài”, ông nói.

Thừa nhận mình là nhà sáng chế may mắn, nhưng không nhận được nhiều sự hỗ trợ để sản phẩm đến được với nhiều nông dân hơn, có chất lượng cao hơn. Ông Thắng nhớ lại, khi máy sạ lúa ra đời, vốn nhỏ nên ông phải tự đi giới thiệu cho nông dân tại các tỉnh trong vòng ba năm. Ông luyến tiếc rằng nếu lúc đó có máy móc sản xuất nhiều hơn cũng như có sự quảng bá thì con số không dừng lại ở nửa triệu sản phẩm. Hiện nay, cơ sở của ông Thắng không sản xuất tiếp máy gặt đập liên hợp khi con số máy bán ra vừa tròn 110 chiếc. Để duy trì sản xuất các loại máy móc và nuôi công nhân, ông sử dụng 30 chiếc máy gặt đập liên hợp cho họ đi gặt thuê mỗi khi đến mùa thu hoạch lúa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thẩm định máy móc cũ để không nhập “rác”

0
ANH ĐÀI - Theo quy định mới tại thông tư vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, từ ngày 1-7-2016 sẽ cấm...

Kết nối