Chủ Nhật, Tháng Tư 28, 2024

Nội lực đến từ nỗ lực cá nhân

(SGTT) – Nội lực tinh thần của một người trẻ vững vàng giúp họ đối diện với một đời sống hiện đại nhiều áp lực, thử thách. Thế nhưng nội lực tinh thần vốn dĩ không sẵn có, cũng không dễ có được nếu không biết cách xây dựng và trau dồi.

Lạc lõng, hoang mang, nhiều áp lực, thậm chí là bi quan về tương lai… đó là những gì mà một độc giả trẻ đã bộc bạch trong buổi giao lưu với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và Tiến sĩ vật lý, nhà văn Nguyễn Tường Bách tối 27-12-2023 vừa qua tại TPHCM với chủ đề “Cân bằng trong khủng hoảng”.

“Vậy làm sao để có nội lực vượt qua những điều đó?”, vị độc giả này hỏi.

Tiến sĩ vật lý, nhà văn Nguyễn Tường Bách (trái) và bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc (giữa) tại buổi giao lưu “Cân bằng trong khủng hoảng”. Ảnh: FB

Những cuộc khủng hoảng riêng của tuổi trẻ

Lớn lên trong một môi trường gia đình thiếu tình thương, ở một miền quê thiếu thốn vật chất và điều kiện giao lưu không được mở mang, độc giả trên bộc bạch rằng có lúc cô đã hoang mang không biết tương lai sẽ đi về đâu. Khi bước chân vào trường đại học, đến với thành phố sôi động và được tham gia vào các diễn đàn sách vở tri thức – những thứ mà khi còn ở trung học tại quê nhà, được coi là xa xỉ – thì cô mới nhận ra những vấn đề mình từng đi qua được gọi thành tên là “khủng hoảng”.

Có lẽ nhiều người trẻ đã có hoàn cảnh tương tự. Sống trong khủng hoảng, tổn thương, thậm chí là trầm kha trong stress và những áp lực, hoang mang ở giai đoạn trưởng thành của cuộc đời nhưng họ chưa từng nhận diện đúng hoặc gọi tên được cái bóng đen nặng nề trong tâm trí mình và chưa tìm thấy cơ hội được chia sẻ, hướng dẫn để vượt qua.

Trong một buổi giao lưu về đề tài tìm thế cân bằng trong khủng hoảng nói chung, ta lại thấy dưới các hàng ghế độc giả, khán giả tham dự đa số là người ở lứa tuổi “gió heo may về”, theo cách nói của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Bất chợt một ý kiến “lạc lõng” của người trẻ khiến nhà văn Nguyễn Tường Bách – tác giả của cuốn Mùi hương trầm trầm tư.

Ông Bách nói: “Tôi rất xúc động khi nghe những chia sẻ đầy băn khoăn của một người trẻ. Tôi nghĩ sẽ không có một câu trả lời chung quyết cho vấn đề củng cố nội lực. Nhưng không lẽ vì không có một câu trả lời chung mà chúng ta lại lặng im, không nói gì. Vậy thì tôi sẽ nói về việc củng cố nội lực trước những cuộc khủng hoảng riêng của tuổi trẻ, theo cách nghĩ của tôi”. Và nhà khoa học, nhà văn đã có nhiều năm sống làm việc tại Đức – trong một nền văn hóa coi trọng lý tính – và cũng dành nhiều năm du hành về phương Đông, suy tư về Phật pháp đã đưa ra một bức tranh chung cùng những lời khuyên từ sự thấu hiểu.

Trau dồi nội lực cá nhân

Ông Bách nói rằng, không chỉ tại Việt Nam, mà ngay cả tại Đức, các phụ huynh cũng thường than thở về chuyện con cái họ ngày càng xa rời việc đọc sách. Bọn trẻ chỉ đọc và xem những thứ ngắn, dễ trên màn hình điện thoại thông minh hay những câu văn ngắn, cụt, ngôn ngữ thông tin trực tiếp trong các truyện hình, truyện tranh. Về giải trí thì không có gì sai, nhưng lệ thuộc vào cách đọc dễ dãi đó, dần dần cái mà chúng ta gọi là “văn hóa đọc” bị thay đổi, triệt tiêu việc đọc sách thực thụ. Đọc sách – cách thức để người ta hiểu sâu về thế giới, nhận thức về bản thân và hun đúc giá trị sống – đã không còn được coi trọng.

Nhà văn Nguyễn Tường Bách – tác giả những văn phẩm hòa quyện tri thức khoa học với chiêm nghiệm giáo pháp nhà Phật chỉ ra rằng, một trong ba con đường để giúp cho nội lực một người trẻ đủ mạnh mẽ để đứng vững trước những áp lực của đời sống riêng lẫn thời đại, đó là đọc sách. Ở đây bao hàm cả việc thay đổi thói quen đọc, thực đọc, đọc những gì giúp cho đời sống tinh thần lành mạnh, nâng cao hiểu biết.

Lần trở về quê nhà này, khi đến thăm một nhà xuất bản tại TPHCM, ông bất ngờ vì sách hay, sách bổ ích được in rất nhiều. Nhưng đứng trước những kệ sách giá trị đó, ông lại tự hỏi, không biết người trẻ có đọc chúng hay không?

Đọc thực sự và biết chọn sách hữu ích để đọc là một nền tảng giúp trau dồi nội lực cá nhân, ông khẳng định.

Ngoài ra, là một người đã để lại nhiều dấu ấn du hành trong những cuốn sách được bạn đọc yêu mến, nhà văn Nguyễn Tường Bách cho rằng, việc đi, quan sát rất cần cho sự phát triển đời sống tinh thần của người trẻ. “Hãy lên đường khi có thể được. Ở đây, lên đường, đi du lịch không phải là đi chơi thuần túy, mà đi để nhìn ra bên ngoài, quan sát cuộc sống muôn màu, thu nạp nhiều vốn liếng cho bản thân. Đi nhiều sẽ thay đổi nhãn quan và học hỏi được nhiều điều từ cuộc sống, để từ đó xác định và chọn lựa giá trị sống vững chắc cho mình”. Và ông trích dẫn câu nói của đức Đạt Lai Lạt Ma: “Mỗi năm ít nhất một lần, hãy đến một nơi mà bạn chưa từng đến trước đó”.

Một chân kiềng nữa cần cho một nội tâm vững vàng, theo Tiến sĩ Bách, là “chánh kiến”. Chánh kiến là nội dung nền tảng đầu tiên trong bát chánh đạo, theo Phật pháp (gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định). Chánh kiến là nhìn đúng đắn, chân thật. Thấy đúng mới biết đúng. Điều này gần với quan điểm của Thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki: “Không thể có biết nếu không có thấy, tất cả mọi cái biết đều phát xuất từ cái thấy”.

Như vậy, ba chân kiềng: đọc, đi và thấy đúng tưởng là ba “công phu” rèn luyện riêng, mà thực ra lại liên đới là một để làm nên nội lực tinh thần của một người trẻ để đối diện với một đời sống hiện đại nhiều áp lực, thử thách.

Từ hành lang buổi giao lưu nói trên, một người chuyên tổ chức không gian sự kiện đã nói với người viết bài này rằng, một kinh nghiệm của chị khi làm các sự kiện đọc sách đó là nhìn thấy các bạn trẻ tìm đến với sách, mua sách, và tới với các sự kiện giao lưu tác giả thường là nhờ tiếp cận thông tin qua các trang mạng xã hội. Và điều lạ là họ mua sách cầm trên tay, tới với các sự kiện để hy vọng được nghe tác giả hay chuyên gia tóm lược các cuốn sách đó và họ hy vọng gặt hái ngay từ các buổi nói chuyện này mang lại. Họ mong những buổi trò chuyện như thế sẽ giúp giải quyết ngay các khó khăn mà họ đang gặp phải. Những thông điệp trực tiếp, những công thức được các diễn giả truyền đạt để mang lại bài học thực dụng có vẻ hợp với họ hơn việc sau đó tĩnh tại mở sách ngồi đọc. Vì cuộc sống của họ đang mất tập trung, không còn sự chú tâm cho những trang sách.

Dĩ nhiên, đó không phải là tất cả. Và biết sao được, nếu đúng như vậy thì cũng dễ hiểu, đây là thời của thông tin và sự kiện, họ bị bủa vây và nhào nặn trong thế giới thông tin, sự kiện.

Nội lực không dễ đến từ các buổi tọa đàm, nếu không có những nỗ lực tự thân, xây dựng mối liên kết trong việc đọc, du hành hay nhìn nhận chân thực về đời sống.

Nguyễn An Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Giúp chợ truyền thống giữ vững vị thế

0
(SGTT) - Bối cảnh kinh doanh thật khốc liệt khi các siêu thị và chuỗi cửa hàng dần lấy đi thị phần của chợ...

Đã là phong tục mới?

0
(SGTT) - Cuối năm vừa qua, lúc kinh tế khó khăn, nhiều chủ doanh nghiệp đã chật vật xoay xở tiền thưởng Tết tượng...

Đừng gán ghép mê tín dị đoan cho Phật giáo!

0
(SGTT) -  Cách đây 2613 năm, Ngài Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhārtha Gautama), khi đó 35 tuổi, đã giác ngộ dưới gốc Bồ...

Giám tuyển nghệ thuật: Hấp dẫn, mới mẻ và đầy thách...

0
(SGTT) - Việc nhà đấu giá nổi tiếng Sotheby’s tổ chức 2 cuộc triển lãm trong 2 năm liên tiếp tại TPHCM, với sự...

Áo Bà Ba: Sự kết nối để giữ gìn bản sắc...

0
(SGTT) - Sinh ra, trưởng thành, học tập, làm việc rồi thành danh ở nhiều miền đất khác nhau của Việt Nam và nước...

Nhiều hoạt động tại Lễ hội Việt Nam – Hàn Quốc...

0
(SGTT) – Trong 3 ngày, từ ngày 7-9 đến 9-9, tại công viên biển Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, Sở Ngoại...

Kết nối