Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Người trẻ ‘ôm’ nhiều việc, tập thích nghi trước làn sóng sa thải lao động

Không ngại làm thêm ngoài giờ bên cạnh công việc chính, chủ động nâng cấp bản thân để đáp ứng thị trường công việc tự do (freelancer) trong tình huống bị cắt giảm việc làm. Đây là một xu hướng mà không ít bạn trẻ, đặc biệt trong nhóm Gen Z, đang tìm kiếm thêm cho mình nhiều đầu việc giữa thời kỳ kinh tế khó khăn để “ăn chắc, mặc bền” giữa các đô thị lớn chi phí sinh hoạt đắt đỏ.

Yêu cầu mới, áp lực mới trên thị trường lao động

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, số lượng thế hệ Z (Gen Z) trong độ tuổi lao động (từ 15 tới 24 tuổi) vào năm 2019 là khoảng 13 triệu người. Tới năm 2025, Gen Z dự kiến sẽ đóng góp vào một phần ba lực lượng trong độ tuổi lao động tại Việt Nam và sẽ có ảnh hưởng lớn tới thị trường lao động trong nước.

Báo cáo tình hình việc làm quí 2-2023 của cơ quan thống kê cũng cho thấy số lượng lao động đang làm việc có sự gia tăng so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, những khó khăn và thách thức vẫn đang gia tăng trên thị trường việc làm. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng so với quí trước đó, tình trạng lao động buộc nghỉ do giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp diễn. Đáng lưu ý, trong quí 2-2023, cả nước có hơn 1,4 triệu thanh niên 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 11,3% tổng số thanh niên).

Bà Nguyễn Thái Hà của John Hunt, một đơn vị tư vấn và tuyển dụng nhân sự, cho biết nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp sụt giảm mạnh, thông qua việc nhiều doanh nghiệp hạn chế tuyển dụng người cho các vị trí mới, họ chỉ tuyển người khi cần thay thế hoặc bổ sung nhân sự cho các vị trí đã có sẵn. Tính cạnh tranh cao trên thị trường lao động tạo thêm áp lực không chỉ cho những người mới ra trường mà còn cả với những người đã có kinh nghiệm trong công việc.

Nhiều vị trí tuyển dụng yêu cầu chất lượng ứng viên cao hơn so với mọi khi. Ảnh minh họa: Hoàng An

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng các vị trí mà ứng viên đã có nhiều kinh nghiệm và tạo ra hiệu quả trực tiếp trong công việc. Có khoảng 80% các vị trí John Hunt đang hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng đều yêu cầu năng lực từ cấp chuyên viên cao cấp trở lên.

Trong thời điểm hiện tại, những vị trí nào không tạo ra kết quả sẽ bị cắt giảm không phụ thuộc vào ngành nghề hay lĩnh vực nào. Khi tài chính của doanh nghiệp bị thu hẹp, hoạt động tuyển dụng cần được siết chặt về ngân sách, tinh giản bộ máy, cắt giảm những chi phí không cần thiết. Tỷ lệ cạnh tranh tranh cao giữa các ứng viên với nhau và giữa các ứng viên mới ra trường hoặc ít kinh nghiệm với các bạn đã có kinh nghiệm. Từ những thực tế nêu trên, người lao động thuộc thế hệ trẻ như Gen Z cần trau dồi kiến thức và kinh nghiệm, kỹ năng kịp thời để đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng hiện nay của doanh nghiệp.

Lao động trẻ tập thích nghi với những biến động của thị trường

Báo cáo của Tổng cục Thống kê chỉ ra lao động trong khu vực dịch vụ vẫn tiếp tục tăng mạnh trong quí 2-2023 và lao động phi chính thức trong khu vực này cũng tăng khá mạnh. Số lao động phi chính thức ở khu vực dịch vụ là 11,6 triệu người, tăng 498.900 người so với quí trước.

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc nhiều đơn vị sản xuất công nghiệp cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng cũng đang tạo ra tác động, đẩy những lao động thất nghiệp của ngành này chuyển dịch sang khu vực dịch vụ, tuy nhiên, họ phải chấp nhận làm công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định.

Trước tình hình biến động của thị trường, những người lao động trẻ trong độ tuổi từ 15 tới 24 tuổi có xu hướng chuộng công việc tự do ở lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ. Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI), nhu cầu tìm nhân lực 6 tháng cuối năm theo khu vực kinh tế thì thương mại – dịch vụ chiếm 64,57%, tiếp đến công nghiệp – xây dựng chiếm 34,62%, còn lại là lĩnh vực nông – lâm nghiệp – thủy sản.

Nguyễn Thị Hoa Mai, hiện vừa tốt nghiệp cao đẳng được một năm vẫn đang thử sức với nhiều vai trò mới của người làm tự do. Cô cho biết mình đi thực tập ở công ty và được giữ lại sau đó. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, những nhân sự ít kinh nghiệm bị cắt giảm giờ làm. Nhận thấy tình hình khó khăn, Hoa Mai quyết định nghỉ việc, học thêm nhiều kỹ năng để chuyển hướng kinh doanh trực tuyến (online).

Nhiều sinh viên mới ra trường chọn làm nhiều công việc cùng một lúc để thêm thu nhập. Ảnh: Hoàng An

Với số vốn ít ỏi ban đầu, cô nhập hàng số lượng ít rồi đăng bán trên nhiều kênh để khảo sát thị hiếu khách hàng, sau khi có lượng đơn ổn định từ 5-15 đơn hàng/tuần, Mai nhập thêm mẫu mã phụ kiện thời trang bán vào ban ngày, ban đêm cô làm ngoài giờ tại cửa hàng tiện lợi gần nhà, kiếm thêm khoảng 100.000-120.000 đồng/ca, cuối tuần cô đăng ký làm nhân viên phục vụ tiệc cưới tại nhà hàng.

Công việc tự do cho Mai sự thoải mái về thời gian, chủ động học tập cũng như sắp xếp được cuộc sống. “Tuy công việc không có chế độ ổn định như trước nhưng thu nhập sẽ tăng dần nếu sáng tạo trong việc kinh doanh, chịu khó kiên trì làm nội dung thú vị”, cô bộc bạch.

Đặng Minh Phú, 24 tuổi, là lập trình viên, ngoài giờ làm hành chính, Phú làm thêm 2-3 công việc như gia sư, nhận dự án bên ngoài để lo toan thêm chi tiêu của gia đình. Phú kể mình đã thất nghiệp khoảng 4 tháng, trước khi tìm được công việc đúng chuyên ngành tại nơi làm hiện tại vì công ty cũ cắt giảm nhân viên có ít năm kinh nghiệm. “Dù lương cơ bản hiện tại giảm khoảng 15% so với thời điểm trước nhưng tôi chấp nhận mức hiện tại để giữ tay nghề, ngoài ra chủ động làm thêm việc khác theo mùa để phòng hờ bị mất thu nhập giữa thành phố lớn chi phí đắt đỏ”, Phú chia sẻ.

Từ phía nhà tuyển dụng cũng đưa ra lời khuyên trong thời điểm hiện tại, lao động trẻ nên tìm hiểu và có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, cho mình một lộ trình và mục tiêu (tham khảo một số công cụ hỗ trợ thấu hiểu bản thân, tìm kiếm người dẫn đường có chuyên môn trong lĩnh vực theo đuổi để nhận tư vấn, tham gia các sự kiện về hướng nghiệp…)

Đồng thời, người trẻ cũng nên xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, trải nghiệm công việc thực tế tại các doanh nghiệp, hoặc tham gia vào các hoạt động bổ trợ cho ngành học của mình như hoạt động Đoàn trường, hoạt động câu lạc bộ. Ngoài ra, họ nên chủ động trong chuyện tìm kiếm việc làm từ chuẩn bị các loại hồ sơ xin việc, tìm kiếm tin tức tuyển dụng từ các nguồn uy tín, chuẩn bị tâm thế phỏng vấn.

Hoàng An

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối