Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

“Nín thở”… đợi tháng Giêng

Hơn hai tuần nữa, những chuyến bay thương mại quốc tế đầu tiên sẽ vận hành trở lại, mở ra cơ hội cho mảng du lịch quốc tế sau hơn 21 tháng phải “đóng băng” vì đại dịch. Từ đây, các điểm đến cần hành động nhanh và mạnh mẽ hơn nữa thì mới có thể bắt kịp các đối thủ đang đi trước.

Tuần qua, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã “nín thở” chờ quyết định của lãnh đạo chính phủ về kế hoạch nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ đưa khách đến Việt Nam và sự chờ đợi ấy đã được đền đáp. Tối thứ Sáu vừa rồi, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo, Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã đồng ý thí điểm nối đường bay quốc tế từ ngày 1-1-2022.

Du khách tại TPHCM trước khi xảy ra dịch. Ảnh: Đào Loan

Sẵn sàng vào cuộc

Trong giai đoạn đầu, các đường bay được nối lại là Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnôm Pênh (Campuchia) và San Francisco/Los Angeles (Mỹ).

Ngay lập tức, những dòng tin về việc Việt Nam nối đường bay quốc tế đã trở thành tin chính, được rất nhiều doanh nghiệp chia sẻ trên mạng xã hội. “Du lịch sẽ sớm trở lại bình thường”, ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Indochina Unique Tourist viết trên tài khoản cá nhân ở mạng xã hội Facebook, kèm với đường dẫn của bài báo nói về nối đường bay.

Trao đổi với KTSG, vị doanh nhân này cho biết đã bắt tay ngay vào chuẩn bị để có thể mở bán tour cho khách Thái Lan từ tháng 1-2022, kỳ vọng sẽ có khách du lịch sớm vì Thái Lan rất gần với Việt Nam.

“Ban đầu chắc sẽ bán chậm nhưng sẽ tăng từ tháng 3, đến tháng 4 có thể sẽ phải mở thêm các chuyến bay thuê bao vì khách từ Thái Lan, Lào và Campuchia đây là mua cao điểm du lịch, thời điểm người dân các nước này nghỉ lễ Songkran”, ông nói. Indochina Unique Tourist là công ty có thế mạnh về thị trường Thái Lan.

Nhiều doanh nhân nhận định, tuy số lượng các điểm đến được nối đường bay chưa nhiều và tần suất bay trong giai đoạn thí điểm còn hạn chế nhưng đây là một bước tiến lớn trong quá trình khởi động lại mảng du lịch quốc tế sau gần hai năm phải “đóng băng” vì dịch Covid-19.

Dự kiến, khách Việt kiều là những khách hàng sẽ về trước, mảng tour cho khách ra nước ngoài cũng khởi động lại và từ ba đến sáu tháng sau sẽ bắt đầu có khách nước ngoài. Hiện tại, những công ty như Lữ hành Saigontourist, Vietravel đã chuẩn bị các sản phẩm để phục vụ khách Việt kiều sau khi về nước.

Các đường bay thương mại được nối từ đầu năm tới cũng sẽ giúp mảng du lịch quốc tế, đặc biệt là mảng tour cho du khách từ các thị trường xa không mất mùa đông khách vào vào cuối năm 2022 đầu năm 2023 như lo ngại trước đây.

“Chúng tôi đang làm mọi thứ để có thể khởi động sớm. Đặc biệt, bộ phận bên Thái Lan sẽ xin phép bay TPHCM – Hà Nội – TPHCM”, ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch HG Holdings nói.

Theo ông, hiện tại chỉ lo là có thể sẽ có các hàng rào kỹ thuật được dựng lên khi biên giới mở cửa, nếu không thì “sẽ khởi động được” vì vừa có đường bay quốc tế lại vừa được gỡ bỏ quy định buộc hành khách quốc tế phải cách ly y tế tập trung.

Đánh giá về cạnh tranh điểm đến, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam sẽ phải đối mặt với cuộc chiến khó khăn vì mở cửa muộn hơn. Để có thể bắt kịp các nước trên con đường thu hút khách quốc tế, không chỉ ngành du lịch và nhiều ngành khác cùng với các địa phương phải hành động thực sự ngay từ bây giờ.

Trong đó, các địa phương cần phải áp dụng chính sách chống dịch nhất quán, mở rộng dịch vụ để du lịch vận hành lại và ổn định. Cơ quan quản lý du lịch cần tăng cường truyền thông cho quốc tế biết Việt Nam đã an toàn, mở cửa thu hút khách quốc tế làm ăn, du lịch và đặc biệt, Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để cho doanh nghiệp.

Đến lúc Nhà nước đưa “cần câu” xịn

Về truyền thông, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường thuộc Tổng cục Du lịch, cho biết cơ quan này đã có kế hoạch. Hình ảnh điểm đến sẽ được tiếp thị mạnh mẽ qua chương trình quảng bá du lịch Live fully in Việt Nam (sống trọn vẹn ở Việt Nam) trên các kênh trực tuyến và mạng lưới đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài. Cơ quan này cũng đang hợp tác với doanh nghiệp tổ chức gian hàng tại hội chợ du lịch lớn của thế giới là ITB Berlin sắp tới.

Để cạnh tranh với các điểm đến khác thì chỉ truyền thông là chưa đủ mà cần có một lực lượng doanh nghiệp mạnh để đem khách đến và phục vụ du khách tại Việt Nam. Tuy nhiên, lực lượng này đang rất yếu, rất cần nhà nước góp tay vực dậy.

Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, sau gần hai năm dịch, số lượng doanh nghiệp lữ hành quốc tế của cả nước đã giảm hơn một phần năm, từ 2.667 vào năm 2019 xuống còn chừng 2.000 nhưng phần lớn vẫn đang đóng cửa. Tình hình ở mảng lưu trú, nhà hàng… cũng tương tự, đa số doanh nghiệp vẫn chưa thể hoạt động.

Đánh giá về thực trạng của doanh nghiệp trong ngành du lịch, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, hiện có ba nhóm. Nhóm đầu tiên và rất ít, là những công ty bị phải tạm dừng hoạt động nhưng vẫn giữ được người lao động, dòng tiền nên có thể hoạt động lại khi điều kiện cho phép và tự phục hồi.

Nhóm thứ hai khó khăn về lao động và có thể mất một phần thị trường nhưng vẫn còn điều kiện để hoạt động trở lại khi được bơm dòng tiền tín dụng ưu đãi. Đây chính là đối tượng của các chính sách về tín dụng, tài chính, gồm cả việc hỗ trợ lãi suất vay nhưng phải hỗ trợ nhanh vì nếu chậm thì dù có bơm tiền, doanh nghiệp cũng không thể gượng dậy.

Nhóm thứ ba không những khó khăn về mọi thứ mà còn không thể đi vay do tài sản đã thế chấp hết nên cần có chế độ vay tín chấp. “Tôi cho rằng, phần lớn đang ở nhóm hai và nhóm ba. Nhiều doanh nghiệp hiện đã mất thị trường, mất vốn, mất lao động thì phục hồi kiểu gì?”, ông đặt câu hỏi.

Hầu như doanh nhân nào cũng mong nhận được các gói hỗ trợ của nhà nước nhưng cho rằng, đó phải là các gói có tác dụng thật sự, đủ sức để vực doanh nghiệp đứng lên. “Thời gian qua, tuy cạn kiệt tài chính nhưng doanh nghiệp lại rất khó tiếp cận các gói hỗ trợ của chính phủ do quá nhiều thủ tục hành chính”, ông Đào Mạnh Lượng, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh nói.

Ông đưa ra nhiều ví dụ. Chẳng hạn, với gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vay để trả lương, hầu như không chủ tàu nào trong số 245 hội viên của Chi hội đội tàu du lịch Hạ Long tiếp cận được chỉ vì không đáp ứng được tiêu chí là phải có xác nhận báo cáo quyết toán thuế của cơ quan thuế. Theo thông lệ, cơ quan thuế không quyết toán thuế cho doanh nghiệp vào đầu năm, đặc biệt là trong tình hình Covid-19 làm nhiều hoạt động đình đốn như hiện nay nên không có xác nhận.

Hay như gói vay để trả lương ngừng việc, chỉ có gần 6% hội viên của chi hội có thể tiếp cận, số còn lại thì không vì không thể có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội, xác nhận nơi đó vẫn đóng bảo hiểm cho nhân viên cho đến thời gian vay. “Số tiền để nộp bảo hiểm xã hội là rất lớn, nếu vẫn còn có thể đóng được cho tất cả nhân viên thì chúng tôi vẫn rất khỏe, không cần thiết phải vay”, ông nói.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Holdings, đề nghị Chính phủ nên bổ sung gói tín dụng cho doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng… vay với lãi suất ưu đãi để trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động cũng như bảo trì, sửa chữa cơ sở vật chất đã xuống cấp vì không hoạt động trong thời gian dài.

“Mức lãi vay từ 3-3,5% là được, riêng với gói hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động nhằm duy trì nguồn nhân lực, nên cho vay với lãi suất 0%”, ông nói.

Theo đó, các cơ quan liên quan cũng cần ban hành các chính sách với chế tài cụ thể cho việc khoanh nợ, giãn nợ hoặc hạ bậc tín dụng liên ngân hàng để các doanh nghiệp có thể “sống sót”; gia hạn chính sách giảm tiền thuê đất đến hết năm 2022; giảm thuế giá trị gia tăng còn 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp còn 16% trong vòng ba năm. Với khoản thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân, nên gia hạn thời gian giãn nộp đến tháng 6-2022.

Đào Loan

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lonely Planet gợi ý 13 hoạt động nên làm khi du...

0
(SGTT) - Joe Bindloss, cây viết của Lonely Planet đã chia sẻ những trải nghiệm khám phá ẩm thực, chạy xe máy và tắm...

Chuyện trò du lịch thời nay: Kỳ vọng một năm ‘bay...

0
(SGTT) - Khép lại năm Quý Mão 2023 cũng là năm du lịch Việt Nam từng bước phục hồi và tuy đạt được mục...

Tripadvisor vinh danh 3 điểm đến của Việt Nam

0
Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Hội An là ba điểm đến được xếp hạng ở giải thưởng “Travelers' Choice Best of...

Việt Nam qua góc máy của du khách Thái Lan

0
(SGTT) - Blogger Jatiewpainai đến từ Thái Lan với hơn 1,6 triệu lượt theo dõi trên Facebook vừa có chuyến du lịch Việt Nam...

Du khách Thái Lan ấn tượng với cảnh sắc và ẩm...

0
(SGTT) - Phong cảnh đẹp, ẩm thực đa dạng, nền văn hóa độc đáo và mức giá phải chăng là những lý do khiến...

Tam Đảo, Bắc Ninh lọt top điểm đến mới nổi của...

0
Agoda vừa chia sẻ danh sách Vietnam’s New Horizons (Những điểm đến nổi bật mới của Việt Nam), bao gồm những điểm đến mới...

Kết nối