Chủ Nhật, Tháng Năm 12, 2024

Nhiều quán tại TPHCM vẫn đóng cửa im lìm dù được phép mở cửa trở lại

(SGTT) – TPHCM vừa cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống được mở cửa trở lại theo hình thức bán mang đi. Tuy nhiên, ghi nhận trong ngày 9-9, dọc theo những tuyến đường lớn như Cách mạng tháng 8 (quận 3), Nguyễn Chí Thanh (quận 10), Trường Chinh (quận Tân Bình), Lê Văn Quới (quận Bình Tân)…, hàng trăm cửa hàng ăn uống vẫn đóng cửa, treo bảng thông báo tạm nghỉ vì dịch.

Thiếu nguyên liệu, thiếu nhân công

Gần 2 tháng chờ đợi từng ngày để được buôn bán trở lại nhưng khi có thông báo cho phép hoạt động kinh doanh, chị Thu Huyền, chủ quán bún bò tại đường Nguyễn Chí Thanh, quận 10 vẫn không thể mở bán như mong muốn.

Theo chị Huyền, thời điểm này tìm mua nguồn nguyên liệu rất khó, đặc biệt là món bún bò đòi hỏi nhiều nguyên liệu như xương ống, thịt bò, giò heo, hành lá và các loại gia vị khác… Trước khi giãn cách theo Chỉ thị 16, chị thường lấy hàng ở mối quen tại chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh) nhưng hiện chợ vẫn tạm đóng nên không thể nhập được nguyên liệu.

Với quy định như hiện nay, shipper chỉ được giao hàng trong phạm vi một quận, huyện, nếu chị Huyền đặt mua nguyên liệu online ở các hệ thống siêu thị thì chi phí rất cao và thời gian giao hàng quá chậm.

Đáng nói hơn, khi các loại rau ăn kèm như rau thơm, rau muống, hành lá, chuối bào, giá đỗ… đều tăng giá từ 2-3 lần, thậm chí phải đặt hàng trước đó 1-2 ngày mới giao. Trong khi đó, số lượng bán mang đi trong ngày cũng giảm khoảng 30-40% so với những ngày trước giãn cách nên chị Huyền vẫn đang do dự khi mở bán trở lại.

Đa số các cửa hàng ăn uống vẫn chưa kinh doanh trở lại. Ảnh: Minh Hoàng
Các cơ sở kinh doanh trên các tuyến đường lớn vẫn đóng cửa, đìu hiu. Ảnh Minh Hoàng
Bảng thông báo đã cũ từ khi dịch xảy ra, còn cho bán mang về, đến khi dừng bán mang về đến nay cho bán mang về trở lại. Ảnh: Minh Hoàng

Ngoài ra, điều kiện để hoạt động trở lại cũng khiến nhiều chủ quán ăn dè dặt. Theo đó, các cơ sở kinh doanh ăn uống phải thực hiện phương thức “3 tại chỗ”, chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; đảm bảo điều kiện người lao động đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin phòng Covid-19 và xét nghiệm nhanh âm tính 2 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người.

Anh Phúc Lợi, chủ tiệm phở ở đường Lê Văn Quới, quận Bình Tân, cho biết “Đâu có phải muốn mở bán ngay là được. Hiện tại, một số nhân viên của quán đã về quê tránh dịch, còn những người ở lại thành phố vẫn chưa được tiêm vắc-xin mũi 1 dù trước đó đã đăng ký với phường”.

Chưa kể đến những quán ăn, tiệm cà phê nhỏ cũng không có đủ kinh phí để thực hiện test nhanh Covid-19 tần suất 2 ngày/lần. Quán của anh Lợi khai trương từ tháng 4-2021, chỉ hoạt động được 2 tháng thì dịch bùng phát mạnh, đóng cửa gần 2 tháng. Vì vậy, tất cả hàng hóa, chi phí hoạt động, mặt bằng, nhân viên làm thuê… mọi thứ đều bị thiệt hại.

Quán ăn được mở cửa với điều kiện chỉ bán mang đi thì số lượng khách sẽ rất ít, giảm hơn một nửa. “Những cửa hàng ăn, uống thuê mặt bằng phải chịu rất nhiều chi phí, làm sao dám bán mang đi khi nguồn thu về không đủ để gồng gánh các chi phí. Vì vậy, các cửa hàng kinh doanh ăn uống như chúng tôi sẽ chờ thêm một thời gian, cũng như khi một số quy định giãn cách được nới lỏng, tình hình dịch bệnh được kiểm soát mới quyết định mở cửa trở lại”, anh Lợi chia sẻ.

Đặt đồ ăn online: vẫn chỉ bán thực phẩm tươi sống

Trên các ứng dụng đặt thức ăn trực tuyến sau khi thành phố cho phép các hàng quán bán mang về, ghi nhận đến chiều 9-9 cho thấy một số đã mở lại tính năng đặt món ăn. Cụ thể, với ứng dụng Grab, mọi người có thể truy cập vào tính năng “Đồ ăn” để đặt món; ShopeeFood (trước là Now) đã xuất hiện các danh mục món ăn, nước uống như cơm, ăn vặt, trà sữa… Trong khi đó, ứng dụng Baemin vẫn chưa xuất hiện tính năng đặt món.

Tuy nhiên, dù là cho mở lại tính năng đặt món nhưng phần lớn hàng quán có mặt trên các ứng dụng này vẫn chủ yếu bán thực phẩm, rau củ tươi sống thay vì các món ăn thường có trong thực đơn của họ.

Lý giải điều này, chủ một quán ăn bán món chay trên ứng dụng Now cho hay, thời gian qua để duy trì hoạt động kinh doanh khi có quy định không bán thức ăn tại chỗ hay mang về thì họ đã chuyển sang nhập các mặt hàng thực phẩm tươi sống để bán.

Một số ứng dụng đặt thức ăn trực tuyến đã mở lại tính năng đặt món ăn, tuy nhiên, vẫn có một số ứng dụng chưa mở lại.

“Trước nhất là để khách hàng ủng hộ thương hiệu của mình thấy quán vẫn còn hoạt động, sau là cũng có thu nhập trang trải để duy trì quán ăn trong khoảng thời gian dịch bệnh”, vị chủ quán này cho hay.

Trả lời thắc mắc khi chưa thấy quán bán món ăn như trước khi dừng bán thì người này cho rằng do không kịp xoay sở thực phẩm đế chế biến nấu ăn khi mới nhận tin cho bán lại. Dự tính trong vài ngày tới sẽ trở lại bán thức ăn chế biến sẵn để phục vụ những thực khách có nhu cầu.

Thật vậy, qua khảo sát của Sài Gòn Tiếp Thị, đa số hàng quán chưa sẵn sàng khởi động lại việc bán món ăn mà họ phục vụ lâu nay. Chỉ trừ một số mặt hàng dễ nấu, dễ bảo quản như cà phê, trà sữa hay thức uống thì mọi người đã có thể đặt món dễ dàng hơn.

Có thể thấy, với thông tin thành phố cho quán ăn bán mang về thì trong khoảng vài ngày tới, khi các quán đã ổn định về mặt nhân sự, nguồn thực phẩm thì người dân TPHCM sẽ có nhiều sự lựa chọn thưởng thức món ăn nếu không có điều kiện nấu nướng. Tuy vậy, mọi người dân, dù là chủ quán, shipper hay người đặt món đều cần tuân thủ các quy tắc phòng dịch.

Hủy đơn hàng, bị “giam” tiềnTheo ghi nhận của một số người dùng trong ngày hôm nay, có tình trạng bị hủy đơn hàng do chưa có shipper nhận đơn hoặc vì lý do khác. Nếu chọn thanh toán bằng thẻ ngân hàng liên kết hay thẻ tín dụng thì số tiền phong tỏa (theo quy định của ứng dụng tạm giữ lại dù bị hủy đơn) sẽ hoàn trả cho khách hàng trong 5-7 ngày sau đó. Vì vậy, cách thuận tiện nhất khi thanh toán, tránh bị giữ tiền là dùng chính ví điện tử của ứng dụng hay có liên kết sẽ được hoàn trả ngay dù cho bị hủy đơn.

Đức Duy – Minh Thảo

Video: Minh Hoàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bữa sáng Sài Gòn: Phở sườn bò cổng trường Trần Bình...

0
(SGTT) - Sườn bò là một trong những phần ăn kèm của món phở bò mà chỉ một số ít quán bán. Theo đó,...

Ẩm thực Michelin: Trải nghiệm tô phở ‘Bib Gourmand’ 56 năm...

0
(SGTT) - Mở bán từ năm 1968, phở Hòa Pasteur là một trong những quán phở lâu đời ở TPHCM. Đi kèm không gian...

Bữa sáng Sài Gòn: Mì trộn tương mới lạ có sốt...

0
(SGTT) - Mì trộn là món ăn ưa thích của nhiều người, bởi sợi mì được áo đều lớp sốt gia vị đậm đà,...

TPHCM: người dân quận 1 bắt đầu đăng ký sử dụng...

0
(SGTT) - 11 tuyến đường ở quận 1, TPHCM được chính quyền tổ chức cho người dân thuê vỉa hè, lòng đường để buôn...

Buýt vi vu: Khám phá bảo tàng Áo dài, nhà thờ...

0
(SGTT) - Trên tuyến xe buýt 88, du khách sẽ có dịp đi qua nhiều địa điểm thú vị tại thành phố Thủ Đức...

Thử món mì ramen ở quán ăn Nhật đầu khu chợ...

0
(SGTT) - Mì ramen là món ăn truyền thống thường được phục vụ tại các quán ăn, nhà hàng Nhật Bản ở TPHCM. Ngay...

Kết nối