Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Nhật Bản mở cánh cửa cư trú vĩnh viễn cho lao động nước ngoài

Hôm 9-6, nội các Nhật Bản đồng ý bổ sung thêm 9 ngành nghề, bao gồm cả nông nghiệp, dịch vụ thực phẩm, vào danh sách đủ điều kiện để cấp thị thực cư trú vô thời hạn dành cho lao động nước ngoài có kỹ năng đặc định. Đây là nỗ lực mới của Nhật Bản để giải quyết vấn đề thiếu lao động dai dẳng do dân số già hóa và suy giảm.
Lao động Thái Lan làm việc một trang trại ở tỉnh Gunma, Nhật Bản. Chính sách mới cho phép lao động nước ngoài làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp ở Nhật Bản thi để lấy thị thực hạng mục 2, có các lợi ích như lưu trú vô thời hạn và có thể mang theo các thành viên gia đình. Ảnh: Reuters

Hiện nay, Nhật Bản chia thị thực lao động có kỹ năng đặc định thành hạng mục 1 và hạng mục 2. Thị thực hạng mục 1 cấp cho lao động nước ngoài làm việc trong 12 ngành nghề với thời hạn lưu trú chỉ 5 năm và không được mang theo người thân gia đình (người hôn phối và con cái). Thị thực hạng mục 2 chỉ cấp cho lao động nước ngoài làm việc trong ngành đóng tàu và xây dựng, cho phép họ gia hạn thị thực không hạn chế số lần và mang theo người thân gia đình.

Nhưng chính sách mới mà nội các Nhật Bản vừa nhất trí bổ sung thêm 9 ngành nghề vào danh sách mà lao động nước ngoài có kỹ năng đặc định có thể được cấp thị thực hạng mục 2.

Chín ngành nghề này gồm nông nghiệp, hàng không, sản xuất công nghệ, sản xuất thực phẩm và đồ uống, dịch vụ thực phẩm, vệ sinh tòa nhà, khách sạn, đánh bắt cá và bảo dưỡng ô tô.

Chính sách mới sẽ có hiệu lực vào mùa Thu tới sau khi lấy ý kiến tham vấn của công chúng. Đây là một phần nỗ lực của chính phủ Nhật Bản nhằm thu hút và giữ chân lao động nước ngoài có kỹ năng trong dài hạn bằng cách cải thiện các điều kiện thị thực.

Trong cuộc họp của nội các hôm 9-6, Thủ tướng Kishida Fumio nhấn mạnh điều quan là Nhật Bản phải được xem là “điểm đến hấp dẫn để làm việc (đối với lao động nước ngoài) khi chúng ta phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng”.

Ông cũng cho biết Nhật Bản sẽ hủy bỏ chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài, hiện có khoảng 320.000 công nhân.

Giống như nhiều nền kinh tế lớn, Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động. Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản chỉ là 2,6% trong tháng 4 và dân số nước này đang giảm dần.

Các doanh nghiệp và chuyên gia nhập cư của Nhật Bản cho biết vấn đề bây giờ không phải là tìm cách thu hút lao động nước ngoài đến làm việc trong những ngành nghề không tuyển dụng được nhân công, mà là là tạo ra các điều kiện hấp dẫn đối với họ. Nhiều nước đang cạnh tranh thu hút lao động nhập cư và sẵn sàng trả lương cao. Mức lương tối thiểu hiện nay ở Nhật Bản thường dưới 7 đô la Mỹ/giờ.

Tomohisa Ishikawa, nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản, nói “Lao động nhập cư đến những nơi có mức lương cao. Nhật Bản sẽ thua trong cuộc cạnh tranh mời gọi lao động nước ngoài trừ khi nền kinh tế phục hồi và doanh nghiệp tăng lương”.

Toshihiro Menju, một lãnh đạo ở Trung tâm Trao đổi quốc tế Nhật Bản, nói: “Trước đây, chính sách thị thực định cư lâu dài ở Nhật được mặc định là dành cho các chuyên gia có tay nghề cao. Tôi thấy chính sách mới là một sự thay đổi lớn và là một bước khởi đầu toàn diện cho phép nhiều công nhân cổ cồn xanh nước ngoài cư trú lâu dài ở Nhật Bản”.

Yutaka Ueyama, chủ trang trại dâu tây 69 tuổi ở tỉnh Shizuoka, miền trung Nhật Bản, đang sử dụng 10 công nhân Việt Nam. Ông hoan nghênh chính sách mới vì một cặp vợ chồng người Việt Nam bắt đầu làm việc cho ông từ tháng 1 giờ đây có cơ hội để đưa hai cô con gái đang tuổi đi học của họ đến Nhật Bản.

Tuy nhiên, các điều kiện để được cấp thị thực lưu trú dài hạn vẫn còn cao, vì người lao động nước ngoài cần phải vượt qua các kỳ thi kiểm tra kỹ thuật và, đối với một số ngành, họ cần vượt qua kỳ thi về kỹ năng tiếng Nhật. Đồng thời, họ phải có kinh nghiệm trong vai trò quản lý hoặc giám sát. Vẫn chưa rõ có bao nhiêu lao động nước ngoài có thị thực hạng mục 1 muốn chuyển sang hạng mục 2. Không dễ để vượt qua các kỳ thi kỹ thuật vì ngay cả người Nhật Bản, tỷ lệ thi đỗ chỉ là là 30%.

Bộ Tư pháp Nhật Bản đặt mục tiêu tổ chức hai kỳ thi kỹ năng kỹ thuật trở lên mỗi năm, tùy thuộc vào số lượng lao động nước ngoài muốn được cấp thị thực hạng mục 2.

Tính đến tháng 3-2023, Nhật Bản cấp thị thực hạng mục 1 cho hơn 154.800 người lao động nước ngoài có kỹ năng đặc định, nhưng mới chỉ cấp 11 thị thực hạng mục 2.

Lao động nước ngoài có kỹ năng đặc định khác với thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài ở chỗ thực tập sinh được tuyển dụng để giúp giảm bớt tình trạng thiếu lao động của Nhật Bản trong các lĩnh vực cụ thể. Chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật được thiết kế để chuyển giao kỹ năng và chuyên môn cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, chương trình bị chỉ trích là công cụ để các công ty Nhật Bản thu hút lao động nước ngoài đến làm việc với mức lương thấp ở những ngành nghề mà người Nhật Bản không muốn làm. Hôm 9-6, Thủ tướng Kishida Fumio cho biết Nhật Bản sẽ hủy bỏ chương trình này.

Chánh Tài

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối